Dữ liệu cho thấy kết thúc quý 2/2022, giá khí tự nhiên tại khu vực Bắc Mỹ đã giảm 3,9%, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm từ mức 120 USD xuống còn 106 USD/thùng. Giá một số loại ngũ cốc chính như lúa mì, ngô và đậu nành trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT, Hoa Kỳ) cũng đều giảm xuống so với thời điểm cuối quý 1/2022.
Trong khi đó, chỉ số giá kim loại London Metal Exchange Index của Sàn giao dịch kim loại London (LMME) đã giảm tới 23% trong quý 2, xác lập mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Chỉ số giá kim loại London Metal Exchange Index đo lường sự biến động giá của 6 kim loại công nghiệp chính được giao dịch trên Sàn giao dịch kim loại London Metal Exchange (LME, Anh), gồm: nhôm, đồng, chì, nickel, thiếc và kẽm. Trong quý 2, giá thiếc đã giảm tới 38% - trở thành mặt hàng kim loại công nghiệp mất giá mạnh nhất; theo sau là nhôm (giảm 30%) và đồng (giảm 20%).
Mặc dù giá nhiều loại hàng hoá, nguyên liệu thô trên thị trường quốc tế vẫn đang ở mức cao hơn đáng kể so với mức trung bình trong lịch sử nhưng một số phân tích cho rằng nỗ lực kiểm soát lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đang dần phát huy tác dụng. Ông Louis Navellier, Chu tịch quỹ đầu tư Navellier & Associates (Hoa Kỳ), nhận định "Giá hàng hóa, nguyên liệu thô hạ nhiệt là dấu hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát đã bớt căng thẳng."
Thị trường hàng hoá, nguyên liệu thô là lĩnh vực thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư tài chính Hoa Kỳ nói riêng cũng như trên toàn cầu. Các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến diễn biến giá nguyên liệu, hàng hoá để đánh giá mức độ lạm phát.
Nhóm cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hoá, nguyên liệu thô được xem là một trong số ít các nhóm cổ phiếu có diễn biến tốt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Hoa Kỳ ghi nhận nửa đầu năm tồi tệ nhất trong hơn 50 năm trở lại đây. Trong đó, cổ phiếu của các hãng khai thác dầu như ExxonMobil và Occidental Petroleum đã tăng lần lượt 40% và 103% trong nửa đầu năm nay, hãng sản xuất phân bón Mosaic tăng 20% và hãng sản xuất ngũ cốc Acher Daniels Midland tăng 15%.
Trong tuần này, giới đầu tư sẽ tập trung phân tích biên bản phiên họp chính sách diễn ra vào ngày 14 – 15/6 của FED nhằm đánh giá động thái điều chỉnh lãi suất từ nay đến cuối năm của FED. FED đang nỗ lực kiềm chế lạm phát vốn ở mức cao nhất trong hơn 40 năm qua mà không khiến nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái.
Một số nhà phân tích cho rằng việc thị trường hàng hoá, nguyên liệu thô hạ nhiệt là do một lượng lớn tiền đã được rút ra khỏi thị trường. Ông Tracey Allen, chiến lược gia thị trường hàng hoá của tập đoàn ngân hàng JPMorgan (Hoa Kỳ), cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 24/6, lượng vốn bị rút ròng ra khỏi thị trường hàng hoá kỳ hạn đạt 15 tỷ USD. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp, thị trường hàng hoá bị rút ròng vốn và tính từ đầu năm đến nay, lượng vốn bị rút ròng lên đến 125 tỷ USD - vượt qua mức kỷ lục của năm 2020.
Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng nguồn cung đối với một số loại hàng hoá đã được cải thiện khiến động lực tăng giá bị suy yếu. Nguyên nhân chính khiến phần lớn các loại hàng hoá tăng mạnh trong thời gian trước là nguồn cung bị hạn chế sau thời gian dài các hoạt động khai thác bị đình trệ vì đại dịch Covid-19, diễn biến thời tiết cực đoan, lượng tồn trữ cạn kiệt, và xung đột quân sự Nga – Ukraine. Hiện tại, những áp lực này lên nguồn cung đã giảm bớt.
Cụ thể, dữ liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy sản lượng khai thác dầu tại Hoa Kỳ đạt trung bình 12,1 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 24/6. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Hoa Kỳ.
Diễn biến thời tiết cũng đang thuận lợi hơn so với năm ngoái giúp các hoạt động canh tác nông nghiệp tại Hoa Kỳ, châu Âu và Australia được mở rộng. Kỳ vọng về gia tăng sản lượng nông sản tại những khu vực này sẽ giúp bù đắp phần nào sự thiếu hụt nguồn cung do xung đột quân sự Nga – Ukraine gây ra. Giá các loại ngũ cốc chính trên thế giới hiện đã tiệm cận, thậm chí ở mức thấp hơn so với thời điểm trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra.
Trong khi đó, việc FED mạnh tay nâng lãi suất cơ bản đã đẩy lãi suất vay mua nhà ở Hoa Kỳ tăng lên, khiến thị trường xây dựng tại nước này hạ nhiệt, kéo theo đó là sự suy giảm nhu cầu đối với hàng loạt loại hàng hoá, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, việc Trung Quốc kiên định theo đuôi chiến lược Zero-Covid với các biện pháp phong toả kéo dài khiến hoạt động sản xuất tại quốc gia này suy yếu, ảnh hưởng tiêu cực đến giá các kim loại công nghiệp.