Hoàng Anh Gia Lai (HAG) muốn đưa mọi sản phẩm lên bàn ăn của người Việt

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG) cho biết nếu việc phân phối các sản phẩm diễn ra thành công tại TP.Hồ Chí Minh, công ty sẽ mở rộng phân phối các sản phẩm ra Đà Nẵng, Hà Nội và cả nước.
Hoàng Anh Gia Lai
Sau khi xuất khẩu sang nhiều thị trường, Hoàng Anh Gia Lai đang đẩy mạnh phân phối các sản phẩm tại thị trường nội địa.

Vừa qua, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG - sàn HoSE) đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược với chuỗi siêu thị thực phẩm cao cấp Kingfoodmart. Theo đó, khoảng 20 sản phẩm nông sản của Hoàng Anh Gia Lai sẽ được đưa lên kệ của King Food Mart, trước hết là chuối.

Đặc biệt, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai đã có những chia sẻ về chặng đường đường làm nông nghiệp và hé lộ một số mục tiêu mới.

Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu làm nông nghiệp từ năm 2007. Tuy nhiên, đến năm 2012, doanh nghiệp này mới đầu tư mạnh vào nông nghiệp, coi đây là mảng kinh doanh cốt lõi và thu hẹp các mảng kinh doanh khác. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, công ty đã bỏ ra hàng tỷ USD để đầu tư nông nghiệp.

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai thừa nhận giai đoạn năm 2012 được xem là thời hoàng kim, thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn nước ngoài. Trong đó, Temasek còn đầu tư 200 triệu USD để Hoàng Anh Gia Lai trồng cây cao su.

Thời điểm này, giá vốn trồng cao su 1.400 USD/tấn, giá là 5.200 USD/tấn, được xem là mảng kinh doanh siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, "người tính không bằng trời tính", đến khi Hoàng Anh Gia Lai khai thác cao su thì giá còn 1.100 USD/tấn. Năm 2016, tập đoàn mất thanh khoản, gặp khó khăn khi không có tiền trả lãi, không tiền trả lương, ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ.

“Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam dám tuyên bố mất thanh khoản. Lúc bấy giờ, tập đoàn nợ tới hàng chục nghìn tỷ, nhiều người nói ông Đức không biết quản trị, không biết quản lý. Mình là kẻ thua, chỉ biết gục đầu xuống, lặn sâu không nói gì. Trên thương trường, còn kinh doanh là còn thắng, còn kinh doanh là còn thua, rủi ro luôn hiện hữu”, Bầu Đức nói thêm.

Từ năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai quyết định chuyển sang trồng cây ngắn ngày lấy tiền như ớt, chuối, chanh dây. Trong đó, cây chuối đã giúp công ty vượt qua khó khăn. Đến nay tập đoàn đầu tư khoảng 7.000 ha cây chuối, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về diện tích, chiếm thị phần ở Hàn Quốc, Nhật Bản...

Sau đó, Hoàng Anh Gia Lai còn trồng bưởi, sầu riêng, nuôi heo, gà. Hiện còn đang nuôi cá tầm, song chưa thu hoạch tạo dòng tiền, dự báo có thể có kết quả vài tháng nữa. “Một mục tiêu của Hoàng Anh Gia Lai là đưa tất cả sản phẩm lên bàn ăn của người Việt”, ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ.

Giá cổ phiếu HAG Hoàng Anh Gia Lai
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Hoàng Anh Gia Lai (HAG) bắt tay Kingfoodmart đẩy mạnh phân phối sản phẩm trên thị trường nội địa" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đặc biệt, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cho biết luôn trăn trở trước việc tại sao sản phẩm của công ty đã thành công tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng người tiêu dùng Việt Nam lại chưa biết đến. Do đó, công ty hướng vào thị trường nội địa, để người dân được hưởng sản phẩm tốt.

Sau một thời gian nghiên cứu và sản xuất thí điểm, Hoàng Anh Gia Lai chính thức đưa ra thị trường một số sản phẩm nông nghiệp xanh phục vụ người tiêu dùng trong nước. ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định đây là sản phẩm chính thức đầu tiên phân phối tại thị trường Việt Nam, không phải là qua các đơn vị trung gian “mua đứt bán đoạn” như trước đó.

Hệ thống siêu thị Kingfoodmart hợp tác chiến lược với Hoàng Anh Gia Lai sẽ phân phối những sản phẩm nông nghiệp tươi, được thu hoạch hàng ngày từ các trang trại của công ty như chuối, sầu riêng, thịt heo ăn chuối.

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cũng cho biết, nếu việc phân phối các sản phẩm diễn ra thành công tại TP.Hồ Chí Minh, công ty sẽ mở rộng phân phối các sản phẩm ra Đà Nẵng, Hà Nội và cả nước.

Duy Quang