Hoàng Anh Gia Lai tập trung bộ ba “Chuối - Sầu riêng - Heo”
Vừa qua, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG – sàn HoSE) đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư với nhiều thông tin đáng chú ý. Phát biểu mở đầu Hội nghị, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, sau 10 năm tham gia lĩnh vực nông nghiệp với nhiều cây trồng, vật nuôi như cao su, cọ dầu, rau củ quả, chanh dây, gà, bò…; đến nay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xác định con đường kinh doanh chủ lực là "hai cây - một con": chuối, sầu riêng và heo.
“Tập đoàn chốt lại tập trung vào 3 mảng là trồng chuối, nuôi heo và trồng cây sầu riêng. Trước kia có thí điểm nuôi gà, nhưng đến nay tập đoàn dừng lại do hiệu quả so với các mảng hiện tại thì không bằng, đồng thời để tránh dàn trải nguồn lực. Cũng như kế hoạch trồng cây rau củ quả, thực tế đất ở Gia Lai rất tốt, nhưng hiệu quả tính ra cũng không bằng 3 mảng kia. Kế hoạch trồng rau củ quả đầu năm nay đưa ra là nhằm tận dụng hệ thống Bapi Food hiện tại, tuy nhiên sau thời gian thực hiện HAGL quyết định dừng lại, để chuyên tâm cho 3 trụ cột chính và tránh cạnh tranh trực tiếp với người nông dân”, ông Đoàn Nguyên Đức phát biểu.
Đồng thời, vị Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khẳng định Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ làm tốt trên 3 mảng “chuối - heo - sầu riêng” và rất tự tin để nói về bức tranh kinh doanh của tập đoàn này trong vòng 3 năm tới.
Chia sẻ với cổ đông tại Hội nghị, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết đối với lĩnh vực chăn nuôi heo chưa thực sự tốt như kỳ vọng, giá heo hơi biến động..., nhưng, đến nay đã thu lời 1 triệu đồng/con. Trong khi đó, giá chuối hiện đang ở mức 10,5 USD/thùng, mà thương hiệu chuối của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc từ nhiều năm nay.
“Chỉ riêng trong tháng 7, tập đoàn đã ghi nhận lãi 115 tỷ đồng nhờ heo và chuối”, chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 3.147 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu mảng trái cây và doanh thu mảng chăn nuôi heo lần lượt tăng 22,7% và 122% so với nửa đầu năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 405 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022. Việc tập đoàn này kinh doanh có lãi trở lại sau những năm thua lỗ triền miên là tín hiệu tốt khiến các nhà đầu tư quay trở lại với cổ phiếu yêu thích một thời.
Lợi nhuận từ năm 2024 trở đi sẽ không dưới 2.000 tỷ đồng?
Dưới đây là một số câu hỏi được cổ đông Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đưa ra tại Hội nghị.
Cổ đông: Bao lâu thì khai thác được 50% vườn sâu riêng này, và bao lâu thì khai thác 100%. Giá vốn và biên lợi nhuận hiện tại?
Đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: Năm ngoái chốt 1.000 ha sầu riêng cây năm thứ 3 và năm thứ 5. Sau khi tính toán lại thấy tập đoàn còn 5.000 ha đất có thể trồng sầu riêng.
Do đó, Tập đoàn đã trồng mới 200 ha và nâng diện tích trồng sầu riêng đến nay lên 1.200 ha. Trong đó, 700 ha cây năm thứ 4 và năm thứ 5, dự kiến cho thu hoạch vào năm 2024.
Còn trong năm nay thì chỉ thu hoạch 3 vườn sầu riêng nhỏ, tổng quy mô 80 ha với sản lượng là 1.000 tấn. Đến nay, diện tích đã thu hoạch là 21 ha với sản lượng là 500 tấn. Với 21 ha này, chi phí bỏ ra hết là 3,6 tỷ đồng, doanh thu đạt 18 tỷ. Như vậy, lợi nhuận thu về là 14,4 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm với cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang quyết tâm đến năm 2024 sẽ thu hoạch được 500 ha sầu riêng và doanh số sầu riêng có thể không vượt doanh số từ chuối, nhưng lợi nhuận chắc chắn cao hơn.
“Do sự khác nhau về độ cao nên có sự trái mùa về sầu riêng. Vườn sầu riêng của Hoàng Anh Gia Lai ở Gia Lai thu hoạch vào tháng 8-9. Sang tháng 10-11, vườn bên Lào mới chín thì ở Việt Nam không chỗ nào còn. Như vậy, đã gọi là sầu riêng trái vụ thì chắc chắn sẽ khan hiếm", Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhấn mạnh.
Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch từ tháng 7/2022. Sầu riêng của Hoàng Anh Gia Lai thuộc giống Monthong - là giống có xuất xứ Thái Lan với cơm dẻo, ngọt đậm và hạt lép. Hướng tới thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, nơi mới chỉ 1% dân số được ăn sầu riêng vì đắt đỏ - hương vị của Monthong phù hợp với sở thích ăn ngọt, cũng như nhu cầu làm các loại bánh của người dân nước này, ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ.
Cổ đông: Hiện giá vốn con heo của tập đoàn là bao nhiêu? Giá heo đang tăng thì tập đoàn có dự kiến lợi nhuận từ heo năm nay sẽ bao nhiêu?
Đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: Hiện giá thành con heo của tập đoàn là 48.000 đồng/kg. Hiện, do hạch toán độc lập, nên công ty chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai mua từ công ty trồng trọt Hoàng Anh Gia Lai là 3.000 đồng/kg.
Đồng thời, ông Trần Văn Dai cho biết với công thức cám riêng, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang có lợi thế giá vốn heo thấp và chất lượng là "ngon nhất Việt Nam". Ông Trần Văn Dai là chuyên gia về chăn nuôi heo đang hỗ trợ ông Đoàn Nguyên Đức quản lý mảng chăn nuôi heo.
Cổ đông: Năm 2022 thì thịt thương hiệu Bapi không có lãi, thậm chí lỗ? Chia sẻ về điều này?
Đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: Nuôi heo không lỗ, chỉ có Bapi lỗ, phải nói rõ ra như vậy. Bapi và Hoàng Anh Gia Lai là hai công ty độc lập, khác nhau. Bapi lỗ nhưng không đáng kể, lỗ do phân phối chưa đạt, người điều hành phân phối chưa ổn chứ không phải chất lượng kém. Đến nay chưa ai chê chất lượng heo Hoàng Anh Gia Lai.
Cổ đông: Hoàng Anh Gia Lai nói giá vốn heo là 48.000 đồng/kg, nhưng khi bán heo ra thì bán thế nào? Có phải chịu chi phí vận chuyển, logistics... gì không?
Đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: Bán tại chuồng, nguyên tắc bán heo hơi là không bán chịu, không thất thoát, không công nợ. Nên khẳng định công ty chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai là nắm chắc, không lỗ. Lời nửa đầu năm không nhiều do giá heo thấp.
Hiện, tập đoàn bán tại chuồng giá 58.000 đồng/kg, có thể hiểu nôm na bán 1 con heo (90-100 kg) lời 1 triệu.
Theo dõi giá heo hơi được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Cổ đông: Theo tôi đánh giá Hoàng Anh Gia Lai phải có phương án phân phối thịt để bền vững, chứ bán heo hơi tôi e ngại sẽ như câu chuyện nuôi bò như xưa?
Đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: Câu hỏi này chúng tôi ghi nhận. Năm 2022 thì hệ thống phân phối của Hoàng Anh Gia Lai cạnh tranh không nổi, trong bức tranh thực tế đang rất khốc liệt.
Còn năm nay, tập đoàn đang tập trung giải quyết 2 vấn đề. Thứ nhất, về heo hơi, tập đoàn đang quyết liệt hạ giá vốn này về 46.000 đồng/kg. Thứ hai, về phân phối, năm ngoái, tập đoàn mở gần 200 cửa hàng, và thực tế là hệ thống này không đạt yêu cầu, lỗ. Và đến nay, tập đoàn đã giảm hệ thống còn 52 cửa hàng, siêu thị (ở TP.Hồ Chí Minh là 46 cửa hàng), và không còn lỗ.
Tuần rồi, tập đoàn đã ký với chợ đầu mối để bán heo hơi với khối lượng 120 kg/con. Như vậy, với cách mua nguyên liệu đầu vào, cách nuôi và quyết tâm rút giá vốn con heo hơi cũng như làm lại cách phân phối, chúng tôi kỳ vọng sẽ đẩy mạnh mảng heo trong thời gian tới.
Cổ đông: Khoản nợ phía Hoàng Anh Gia Lai Agrico (HNG) dự năm nay trả nợ cho HAGL bao nhiêu? Hoàng Anh Gia Lai có khoản trái phiếu thì không biết năm nay có trả được không?
Đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: Nợ của HNG, theo biên bản ký 3 bên thì đang còn nợ 1.600 tỷ đồng. Cuối quý 2/2023 dự trả 400 tỷ đồng, quý 3/2023 trả thêm 100 tỷ đồng. Tức năm 2023, HNG sẽ trả Hoàng Anh Gia Lai 500 tỷ đồng
Nhưng hiện do khó khăn, HNG đang thương thảo lại với bên ngân hàng, Hoàng Anh Gia Lai không nắm rõ. Có thể trong quý 3 đến quý 4, HNG sẽ trả, đã có thoả thuận 3 bên nên tập đoàn không lo.
Còn nói về dư nợ của Hoàng Anh Gia Lai, đến nay còn nợ các ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank là 7.600 tỷ đồng. Tất cả các khoản nợ đều có tài sản đảm bảo. Trừ nợ trái phiếu ra, thì các khoản nợ còn lại trả lãi đủ.
Còn nợ trái phiếu giữa Hoàng Anh Gia Lai và BIDV, đây là nợ tái cơ cấu chứ không phải là vay tiền, có những điều khoản từ lâu giữa hai bên mà tập đoàn không tiện nêu rõ.
Năm nay, tập đoàn dự trả hơn 1.000 tỷ đồng nợ cho ngân hàng, nguồn tiền từ HNG và lợi nhuận từ kinh doanh. Từ năm 2024, dòng tiền từ lợi nhuận chắc chắn không dưới 2.000 tỷ, thì sẽ dùng thêm tiền này trả nợ. Hoàng Anh Gia Lai quyết tâm 3 năm tới sẽ dứt điểm 7.600 tỷ đồng tiền nợ và không cần vay nợ nữa. Dòng tiền tạo ra đủ để tái đầu tư sản xuất vào kinh doanh của tập đoàn.
“Với tình hình khả quan như hiện nay thì đến năm 2024 trở đi chắc chắn lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai không dưới 2.000 tỷ/năm", ông Đoàn Nguyên Đức cho biết thêm.