Dữ liệu cho thấy dòng lưu chuyển thương mại toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ trong mùa hè vừa qua khi các hoạt động vận tải đường biển và đường không mở cửa trở lại, cùng với đó là sự gia tăng mạnh của nhu cầu tiêu dùng. Cơ quan Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan (CPB) cho biết lượng hàng hoá xuyên biên giới trên toàn cầu trong quý 3/2020 đã tăng 12,5% so với quý 2/2020, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2000. Các dữ liệu cũng cho thấy thương mại toàn cầu đang duy trì đà phục hồi kể từ cuối quý 3/2020.
Tạp chí Wall Street Journal cho biết các cuộc khảo sát đối với những giám đốc mua hàng tại nhiều nhà máy trên khắp thế giới chỉ ra rằng lượng đơn hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng lên trong tháng 10/2020. Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz (LIER, Đức) và Viện Kinh tế Vận tải và Logistics (ISEL, Đức) cũng cho thấy lưu lượng container được vận chuyển trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10/2020.
Các dữ liệu hiện tại cho thấy lưu chuyển thương mại quốc tế dường như phục hồi nhanh hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối năm 2008. Trong đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây, hoạt động thương mại quốc tế mất gần 2 năm mới trở lại được ngang bằng thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng.
Giám đốc Kinh tế của viện LIER Torsten Schmidt nhận định “Đợt sụt giảm thương mại quốc tế đầu tiên do đại dịch Covid-19 gây ra dường như đã chấm dứt”. Sự phục hồi nhanh chóng của thương mại toàn cầu chủ yếu do Trung Quốc và các nước đang phát triển khu vực Châu Á dẫn dắt; trong khi đó, Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị tụt lại phía sau.
[Quảng cáo]
Số liệu của CPB cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc và các nước đang phát triển khu vực Châu Á trong tháng 9/2020 đã vượt qua mức trước khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm nay. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu của khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) giảm 2,6% và Hoa Kỳ giảm 9%.
Điều này cho thấy Trung Quốc, công xưởng của thế giới và là nơi hứng chịu sự bùng phát đầu tiên của đại dịch Covid-19, đã phần nào hồi phục sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia khu vực Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn đang chật vật kiểm soát đại dịch Covid-19. Trung Quốc đã có vị thế vững chắc trong hoạt động xuất khẩu khi nhu cầu trên thế giới về trang thiết bị bảo hộ y tế và đồ điện tử ở mức cao nhằm đáp ứng cuộc chiến chống lại đại dịch và xu hướng làm việc tại nhà.
Các nhà kinh tế học thuộc tập đoàn tài chính UBS (Thuỵ Sĩ) cho biết thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã tăng 11%, trong khi của Hoa Kỳ đã giảm 4% và của Pháp giảm 12%. “Nhìn chung, tác động của đại dịch Covid-19 đối với các quốc gia thuộc Tây bán cầu lớn hơn so với những gì các quốc gia ở Đông bán cầu phải hứng chịu”, theo tập đoàn UBS nhận định.
Các nền kinh tế khác nhau trên thế giới đang trải qua hai tốc độ phục hồi khác nhau. Theo đó, sản xuất và thương mại đang quay trở lại nhanh chóng về mức trước khi đại dịch xảy ra, các hộ gia đình vẫn tiếp tục mua hàng hoá nhập khẩu. Nguồn tài chính của các hộ gia đình đang được hỗ trợ thông qua hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế khổng lồ của các chính phủ trên toàn cầu. Trong khi đó, khối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như nhà hàng, rạp chiếu phim vẫn đang gặp nhiều khó khăn kinh doanh bởi các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa nhận định dòng chảy thương mại quốc tế đã trở lại mức trung bình dài hạn, phản ánh sự phục hồi có thể được tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, WTO cũng cảnh báo tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể sẽ chậm lại trong năm sau do nhu cầu đối với hàng hoá vốn được tích tụ, kìm nén trong suốt thời gian phong toả của năm 2020 đã được đáp ứng phần lớn và các doanh nghiệp gần như đã tích luỹ đủ lượng hàng tồn kho cần thiết.