Theo Dự thảo Luật việc làm (sửa đổi), học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) có thể làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Như vậy, nếu đang trong kỳ học, số giờ làm việc bán thời gian trong tuần của học sinh, sinh viên gần bằng một nửa của người lao động bình thường.
Ngoài ra, tiền công của học sinh, sinh viên sẽ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động, căn cứ thời gian, khối lượng và chất lượng công việc. Tuy nhiên, con số này phải đảm bảo đáp ứng tiền lương tối thiểu giờ theo quy định.
Hiện nay, tiền lương tối thiểu giờ được chia làm 4 vùng để bảo vệ người lao động, cụ thể vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ ngày 1/7/2024. Theo đó, mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 200.000 đồng - 280.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 6%) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Cụ thể, Vùng I là 4.960.000 đồng/tháng, Vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, Vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, Vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.
Học tập là nhiệm vụ chính tuy nhiên để trang trải chi phí sinh hoạt và tích luỹ thêm kinh nghiệm, nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn đi làm thêm song song với việc học. Để bảo vệ đối tượng lao động này, nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định cụ thể về thời gian làm thêm, tiền lương tối thiểu đối với học sinh, sinh viên. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quản lý việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.