Hội nghị Chiếu sáng 2024: Bước tiến mới cho ngành chiếu sáng Việt Nam

Trong hai ngày 17-18/5, tại TP.HCM đã diễn ra Đại hội Hội Chiếu sáng Việt Nam lần thứ V và Hội nghị Chiếu sáng toàn quốc 2024 với sự tham gia của hơn 200 đại biểu.
Điện Quang với chủ đề “Hãy để gỗ đá lên tiếng”
Đại hội Hội Chiếu sáng Chiếu sáng Việt Nam lần thứ V với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ mọi miền đất nước

Đại biểu là các hội viên, doanh nghiệp Hội Chiếu sáng Việt Nam, các nhà quản lý đến từ các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học của các viện, trường đại học... Tham gia Hội nghị, nhiều chuyên gia đã mang đến những góc nhìn mới mẻ, thú vị trong việc ứng dụng ánh sáng vào đời sống xã hội, điển hình là bài tham luận từ đại diện Điện Quang với chủ đề “Hãy để gỗ đá lên tiếng”.

Ba nhiệm kỳ nỗ lực, gặt hái thành tựu và hướng đến phát triển bền vững

Trải qua 3 nhiệm kỳ đầy nỗ lực, Hội Chiếu sáng Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu đáng tự hào, từ con số khiêm tốn gần 100 hội viên ban đầu, đến nay đã có trên 200 hội viên hoạt động đa dạng trong lĩnh vực chiếu sáng. Với tinh thần trách nhiệm và sự cống hiến không ngừng nghỉ, các thành viên Hội Chiếu sáng Việt Nam đã và đang đồng hành cùng đất nước, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Hội không ngừng mở rộng hoạt động, kết nối các thành viên, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ chiếu sáng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Điện Quang với chủ đề “Hãy để gỗ đá lên tiếng”
Khách tham quan rất quan tâm tới các giải pháp chiếu sáng mà Điện Quang giới thiệu tại Đại hội

Tiếp nối những giá trị đó, năm 2024 cùng với Đại hội lần thứ V, Hội Chiếu sáng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Chiếu sáng toàn quốc 2024. Mục đích của Hội nghị là tạo điều kiện cho các thành viên Hội, các bạn đồng nghiệp trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, nhà tư vấn, quản lý gặp gỡ, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, những ý tưởng và đặc biệt là những giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến để đưa ngành chiếu sáng Việt Nam phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam cho biết, chuyển đổi số trong ngành chiếu sáng là việc khai thác, sử dụng những thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng. Việc này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng. Đồng thời tăng sức cạnh tranh về chất lượng và giá trị sản phẩm, hàng hoá cũng như các doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực chiếu sáng.

"Hãy để gỗ đá lên tiếng": Giải pháp chiếu sáng nghệ thuật sáng tạo từ Điện Quang

Hội nghị Chiếu sáng toàn quốc đã thu hút đông đảo đại biểu tham dự và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Điển hình là bài tham luận "Hãy để gỗ đá lên tiếng" của đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Quang. Bài chia sẻ đã mang đến những góc nhìn mới mẻ về ứng dụng của chiếu sáng nghệ thuật trong kiến trúc, góp phần nâng tầm giá trị thẩm mỹ cho các công trình và tạo dựng không gian sống đầy cảm xúc.

Ông Lê Công Tuấn Kiệt, đại diện Công ty Cổ phần Tập Đoàn Điện Quang cho biết: "Là một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và di sản, tôi nhận thấy kinh tế đêm đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Di sản, vốn là một phần quan trọng trong thu hút du khách, không nên chỉ được giới hạn trong ban ngày. Việc kết hợp di sản với kinh tế đêm có thể mang đến những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo cho du khách, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương".

Để khai thác hiệu quả tiềm năng của di sản trong kinh tế đêm, chúng ta có thể cân nhắc trong việc kết hợp đa phương tiện vận dụng công nghệ trong việc: tái hiện lại không khí và bối cảnh lịch sử của di sản; kể những câu chuyện hấp dẫn về di sản sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa và lịch sử của di sản; từ đó tạo nên sự kết nối đa chiều với di sản. Hay sử dụng công nghệ để cung cấp thông tin chi tiết về di sản cho du khách một cách sinh động và dễ hiểu. Tích lũy và hệ thống hóa dữ liệu về di sản là nền tảng quan trọng để phát triển các ứng dụng công nghệ hiệu quả. Dữ liệu này có thể bao gồm thông tin về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, v.v. của di sản. Trưng bày các hiện vật di sản một cách sinh động và thu hút hơn.

Điện Quang với chủ đề “Hãy để gỗ đá lên tiếng”
Ông Lê Công Tuấn Kiệt - đại diện Tập đoàn Điện Quang chia sẻ trong Hội nghị bài tham luận "Hãy để gỗ đá lên tiếng"

"Kinh tế đêm và di sản có thể kết hợp hài hòa để mang đến những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo cho du khách. Việc ứng dụng công nghệ vào di sản sẽ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng của di sản, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.” - Ông Kiệt cho biết thêm.

Nhìn chung, hệ thống chiếu sáng Việt Nam đang sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển trong tương lai. Việc tiếp tục đầu tư, ứng dụng các công nghệ tiên tiến sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Bức tranh về hệ thống chiếu sáng Việt Nam đang ngày càng rực rỡ, hứa hẹn mang đến những lợi ích thiết thực cho người dân và góp phần xây dựng một Việt Nam hiện đại, văn minh.

Tuyết Nhung