Vào cuối tháng 9/2024, giá cao su tự nhiên kỳ hạn tại Sàn Giao dịch Osaka (OSE) đã tăng tới 166% so với mức đáy tháng 8/2023, chủ yếu do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.
Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên trên toàn cầu năm nay ước đạt 15,1 triệu tấn, trong khi sản lượng dự kiến chỉ đạt 14,5 triệu tấn. Như vậy, thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt khoảng 0,6 triệu tấn cao su tự nhiên.
Bên cạnh đó, Chứng khoán Vietcap nhận định hiện tượng La Nina với các cơn mưa lớn quay trở lại và bệnh rụng lá mới sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động thu hoạch cao su cuối năm nay. Ngoài ra, một số quốc gia sản xuất cao su chính đang có xu hướng thu hẹp diện tích canh tác do thiếu hụt lao động, hoặc chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Thời điểm cuối năm cũng là mùa thu hoạch cao su cao điểm và là cơ sở để xác định mặt bằng giá trong năm tiếp theo. Theo đó, giá cao su dự kiến sẽ tiếp tục neo cao trong nửa đầu năm 2025. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su.
Theo Chứng khoán Vietcap, Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (mã cổ phiếu DRI - sàn UPCoM) sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi đáng kể từ việc giá cao su neo cao nhờ sở hữu 8.606 ha cao su tại Lào đang trong giai đoạn thu hoạch cao điểm, cùng với tình hình lao động được cải thiện.
Ban lãnh đạo Cao su Đắk Lắk cho biết, thời gian thu hoạch cao su của công ty bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến tháng 1 năm sau. Riêng quý 3 và quý 4 là mùa thu hoạch cao điểm, đóng góp 65 - 70% sản lượng cao su hàng năm. Điều này dẫn đến doanh thu và lợi nhuận thường cao hơn trong nửa cuối năm.
Cây cao su thường có giai đoạn thu hoạch cao điểm từ năm 11 đến năm 25 tuổi. Trong khi đó, hiện nay 95% diện tích trồng cao su của Cao su Đắk Lắk đang trong độ tuổi từ 13 - 19 tuổi, vì thế nên sản lượng cao su của công ty trong thời gian tới sẽ ở mức ấn tượng và dự kiến duy trì đến năm 2028, theo Chứng khoán Vietcap.
Bên cạnh ưu thế về sản lượng, Cao su Đắk Lắk còn là doanh nghiệp có mức chi phí sản xuất thấp nhất trong ngành nhờ lợi thế chi phí lao động tại Lào thấp hơn so với Việt Nam. Từ năm 2018 - 2023, biên lợi nhuận gộp của công ty đạt 29 - 42%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 14 - 24% của ngành cao su Việt Nam.
Trong thời gian qua, Cao su Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực cải thiện số lượng lao động, giảm tỷ lệ thiếu hụt lao động cạo mủ trong 9 tháng đầu năm nay xuống còn 12%, so với mức 14,5% của cùng kỳ năm 2023.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, Cao su Đắk Lắk ghi nhận doanh thu đạt 323 tỷ đồng và lãi ròng đạt 72 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 70% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, công ty đã hoàn thành được 71% kế hoạch doanh thu và 119% kế hoạch lãi cả năm nay.