Đây là đề nghị được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nêu tại hội nghị tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh vừa qua.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 30 dự án có nhu cầu vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân 640 tỷ đồng cho các dự án và 6 tỷ đồng cho người mua nhà. Tỷ lệ giải ngân gói này hiện đạt khoảng 1%.
Theo ông Lê Hoàng Châu, tỷ lệ giải ngân như trên là “quá thấp” trong khi Thủ tướng đã chỉ đạo đảm bảo dòng vốn tín dụng rót vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bất động sản, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng là người mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống (khoảng 35 triệu đồng/m2) được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Ngoài ra, để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023, HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng Nhà nước khôi phục lại gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho người mua, thuê nhà ở xã hội. Gói này chỉ bằng 30% tổng nhu cầu vốn để thực hiện chương trình phát triển 1 triệu căn nhà xã hội tới 2030, lãi vay ưu đãi 4,8-5% một năm trong thời hạn tối đa 25 năm.
Gói 110.000 tỷ từng được Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ và Quốc hội hồi tháng 2/2023. Ý tưởng ban đầu, gói này sẽ lấy từ nguồn tái cấp vốn, cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay, nhưng sau đó Bộ Xây dựng đã rút đề xuất trên.
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để các chủ đầu tư đủ điều kiện tiếp cận tín dụng.
"Đây là giải pháp hiệu quả nhất để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu năm nay", ông Lê Hoàng Châu nói.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, trong đó đa phần là vướng mắc pháp lý. Để nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sản, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét khả năng trình Quốc hội cho phép sớm áp dụng Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thay vì có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 và đặc biệt là xây dựng Đề án triển khai trình Quốc hội xem xét về việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác và thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bãi bỏ quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT -NHNN), không quy định tổ chức tín dụng “phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay” đối với “trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ “đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh” để bảo đảm “quyền” của “bên nhận đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh”, trong đó có trường hợp “đặt cọc” để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai, như ý kiến của Hiệp hội và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp.