Huyện An Dương: Tiềm năng của một huyện cửa ngõ thành phố Cảng

An Dương là một huyện ven nội thành Hải Phòng, có nền kinh tế tổng hợp với các ngành CN-TTCN, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đều phát triển. Tuy không có danh lam thắng cảnh tự nhiên đẹp như Đồ Sơ

An Dương là một huyện ven nội thành Hải Phòng, có nền kinh tế tổng hợp với các ngành CN-TTCN, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đều phát triển. Tuy không có danh lam thắng cảnh tự nhiên đẹp như Đồ Sơn, Cát Hải, An Lão, song An Dương lại là một cửa ngõ trọng yếu mà khách du lịch đến thành phố Hải Phòng bằng đường sắt và đường bộ hầu hết đều phải đi qua.

Do có hệ thống giao thông thuận lợi, kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ như điện, đường, trường, trạm, nên Huyện đã sớm hình thành các KCN lớn như phía Bắc có KCN Nomura, cụm công nghiệp Bến Kiền, phía Tây có KCN Hải Phòng – Sài Gòn đang xây dựng, phía Nam sẽ xây dựng KCN Đặng Cương. Với tổng diện tích đất tự nhiên là gần 10.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 7.500 ha, dân số của Huyện có gần 150.000 người, 1.009 Công ty TNHH và Công ty CP đóng trên địa bàn Huyện, công ty TNHH và công ty cổ phần, 13 HTX, 224 hộ cá thể và hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể khác. An Dương tuy còn phảng phất bong dáng một huyện nông nghiệp nhưng về cơ bản đã có nền công nghiệp, thương mại và dịch vụ rất phát triển. Với thế mạnh này, An Dương không chỉ đóng góp tích cực vào nền kinh tế Hải Phòng, mà còn làm tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động trong toàn Huyện. Hiện tại, An Dương có 100% các xã, thị trấn được rải nhựa, các ngõ xóm từng bước được bê tông hóa, có 31/56 trường được công nhận chuẩn quốc gia, các nhà trẻ được xây dựng và sửa chữa đảm bảo tính mỹ quan, xứng đáng là môi trường trong lành cho mầm non đất nước, có 16 trạm y tế xã, thị trấn được công nhận chuẩn quốc gia.

Nói đến An Dương, người ta còn ví như là một chiếc áo giáp của thành phố Hải Phòng. Vì vậy, mọi sự phát triển, tăng trưởng của An Dương đều ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Cảng. Sự phát triển của các KCN và các nhà máy đã là tiền đề để ngành thương mại- dịch vụ của Huyện phát triển. Các loại hình dịch vụ mới ra đời nhiều và có chiều hướng phát triển ổn định đã góp phần thúc đẩy mạng lưới dịch vụ thương mại, xây dựng, bưu chính viễn thông của Huyện phát triển nhanh chóng. Toàn Huyện có 15 điểm bưu điện văn hóa xã với 21.500 thuê bao cố định và 7.800 cố định không dây, bình quân 17 máy/100 dân.

Để chuẩn bị cho công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, thì điện phải đi trước một bước. Trong những năm gần đây, hệ thống điện nông thôn của Huyện được nâng cấp, cải tạo tốt, đáp ứng kịp thời về chất lượng, số lượng không chỉ với điện dùng trong sản xuất mà còn cả trong sinh hoạt, tiêu dùng. Hiện nay, 100% số hộ dân trong Huyện được dùng lưới điện quốc gia, toàn Huyện có 109 trạm biến áp với tổng công suất 22.190 KVA, 18 đơn vị cung ứng điện. Với “vốn liếng” này, bước đầu, điện đã đáp ứng được nhu cầu hiện nay của toàn Huyện. Không những thế, An Dương còn là một huyện sớm được cấp nước sạch, với khoảng trên 80% dân số được sử dụng nước sạch, vệ sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và chế biến, bảo quản hàng hóa nông sản. Đây là một thành công lớn vì nói đến An Dương, người ta nghĩ ngay đến một sản vật ẩm thực đặc trưng cho vùng đất Cảng sầm uất, đó là bánh đa đỏ Kinh Giao, còn gọi là bánh đa cua Kinh Giao của xã Tân Tiến. Du khách đã một lần đặt chân đến thành phố Hoa phượng đỏ, không thể không thưởng thức món này và còn mua về làm quà cho người thân. Với những thế mạnh vốn có về ngành CN-TTCN như thêu ren, móc chỉ, đan len xã An Hưng, Đại Bản, mây tre đan Bắc Sơn, Hồng Thái cùng các sản phẩm mỹ nghệ có chất lượng cao được khách nước ngoài yêu thích cùng một số sản vật quý hiếm, nổi tiếng lâu nay như hoa Hải Đường xã Đặng Cương, Hồng Thái và hoa phong lan. Trong tương lai không xa, An Dương sẽ còn phát triển du lịch làng nghề. Hiện nay, thị trấn An Dương đã trở thành một điểm gặp gỡ giữa những người yêu hoa, cây cảnh. Cứ mỗi độ xuân về, người người đổ về An Dương đông như trảy hội... Song hành cùng sự phát triển của kinh tế Huyện, ngành Xây dựng An Dương cũng đang đà đi lên, phấn đấu đủ năng lực xây dựng các cơ sở hạ tầng đảm bảo chất lượng như giao thông nông thôn, xây dựng các nhà công sở, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo... đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và cảnh quan quy hoạch kiến trúc. Điều này càng hỗ trợ cho các dự án lớn như đường giao thông, dự án các khu cấp đất dân cư và đặc biệt, các công trình trọng điểm của Huyện được chú trọng đầu tư hơn, làm cơ sở thúc đẩy cho sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.

Những năm qua, thực hiện các quyết định của UBND thành phố Hải Phòng về quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” đối với một số lĩnh vực giải quyết các thủ tục hành chính, UBND huyện An Dương đã thành lập Ban chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ làm công tác cải cách hành chính, thống nhất các biểu mẫu, niêm yết công khai các quy định, thủ tục hành chính, phí, lệ phí, thời gian giải quyết các loại công việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính ở 16/16 xã và ở trụ sở UBND huyện. Ngoài việc thực hiện cơ chế “một cửa” ở các lĩnh vực như: Xây dựng nhà ở, đất đai, hộ tịch, chứng thực, UBND các xã đã lựa chọn và thêm một số lĩnh vực lĩnh vực về giải quyết khiếu nại, kiến nghị và giải quyết chính sách xã hội, bước đầu bảo đảm giải quyết công việc nhanh hơn, thời gian giải quyết được rút ngắn, thuận tiện cho tổ chức và công dân. UBND huyện đã kiện toàn, sắp xếp các phòng chuyên môn, xây dựng quy chế làm việc, đề ra chức năng, nhiệm vụ mới, đưa hoạt động của các phòng dần đi vào nền nếp, hiệu quả. Huyện đã xây dựng chương trình hành động để triển khai và thực hiện việc chống sách nhiễu, phiền hà, tiêu cực trong cán bộ, công chức. Việc chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả.

6 tháng đầu năm 2008, kinh tế xã hội An Dương tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Giá trị SXCN ước thực hiện là 90,2 tỷ đồng, so với kế hoạch giao năm 2008 là 202 tỷ, đạt 44,65% và so với cùng kỳ năm 2007 đạt 122,39%, giá trị xây dựng đạt 98,5 tỷ đồng, so với kế hoạch bằng 50%, tốc độ tăng trưởng đạt 16,5%. Tổng giá trị thương mại - dịch vụ ước đạt 185 tỷ đồng, tăng 20,36% so với cùng kỳ năm 2007. Trong giai đoạn tiếp theo, An Dương tiếp tục chú trọng phát triển các ngành có thế mạnh, đồng thời, phát triển kinh tế HTX kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm tạo môi trường sản xuất ổn định và hiệu quả, gắn kết với phát triển các ngành nghề, làng nghề, góp phần phát triển ngành Công Thương phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, xây dựng Huyện phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, với cơ cấu kinh tế “Công nghiệp xây dựng - Dịch vụ thương mại -  Nông nghiệp” cùng phát triển.