IAEA giúp đỡ các quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu

Đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng lên hơn 9 tỷ người, và một bộ phận lớn dân chúng ở các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực. Để đáp ứng đủ lương thực cho số người
 

Ảnh chỉ có tính minh họa

Thông qua kỹ thuật hạt nhân, IAEA giúp đỡ các quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách giúp họ phát triển và trồng các loại cây có khả năng chống chịu cao hơn, cải thiện sức khỏe và năng suất vật nuôi, bảo tồn đất thông qua một phương pháp canh tác được gọi là nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để nhấn mạnh những hoạt động của Cơ quan trong lĩnh vực này, hai bộ phận của IAEA là Bộ phân Hợp tác kỹ thuật và Bộ phận Khoa học và ứng dụng hạt nhân đã tổ chức một cuộc hội thảo về nông nghiệp thông minh với khí hậu vào ngày 10/5/2012. Các thành viên của Uỷ ban trù bị Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến hạt nhân vào năm 2015 đã tham dự sự kiện này. Ông Susanne Nebel Giám đốc kế hoạch chương trình của Ban Hợp tác kỹ thuật của IAEA và ông Nguyễn Minh Long - Trưởng bộ phận Quản lý đất, nước và bộ phận dinh dưỡng cây trồng của chương trình hợp tác giữa FAO và IAEA của Ban Khoa học hạt nhân và Ứng dụng, đã chủ trì hội thảo. Ông Nebel đã mô tả khái niệm về nông nghiệp thông minh với khí hậu và ông Nguyễn Minh Long mô tả nền tảng khoa học cơ bản của phương pháp mới này. 

Quản lý nước, đất thông minh, thích ứng với khí hậu 

Bảo tồn đất và sử dụng hiệu quả nguồn nước hết sức quan trọng đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị có thể giúp phát triển các phương pháp quản lý đất và nước thông minh, thích ứng với khí hậu. 

Nông nghiệp bảo tồn là một phương pháp mà những người nông dân để lại những phần không sử dụng của cây trồng trên mặt đất và trồng các cây trồng khác sau mỗi vụ thu hoạch thông qua một phương thức gọi là luân canh. Bằng cách này, họ làm giảm sự rửa trôi và xói mòn đất, giúp cho đất giữ lại nhiều nước và chất dinh dưỡng hơn. Kỹ thuật này cũng làm cho đất hấp thu nhiều cacbon hơn và giảm lượng phát thải carbon từ đất.

Phương pháp tưới nhỏ giọt 

Những hệ thống tưới tiết kiệm nước và chất dinh dưỡng hiệu quả hơn, tăng khả năng phục hồi của cây trồng đối với hạn hán. Ví dụ, nước được tưới trực tiếp đến rễ cây thông qua một kỹ thuật gọi là tưới nhỏ giọt. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để tiết kiệm nước và tăng thu hoạch. Một thiết bị gọi là máy dò neutron sử dụng công nghệ hạt nhân để đo lượng nước trong đất và cho biết khi nào và ở đâu cây cần nước. 

Những cây trồng chống chịu khí hậu 

Sử dụng một lượng nhỏ phóng xạ để nhanh chóng tạo ra các giống cây trồng mới, các nhà khoa học của IAEA đã phát triển các cây trồng kháng bệnh, thích ứng với sự xáo trộn của khí hậu và thay đổi nhiệt độ. Các giống này bao gồm lúa mì chịu hạn được trồng ở Kenya và giống lúa mạch sống ở độ cao lớn so với mực nước biển, giống lúa mạch này có thể phát triển mạnh ở độ cao 5000 mét trên dãy Andes ở Peru. Canh tác những giống này giúp dân chúng địa phương tăng nguồn lương thực và ít phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu đang ngày càng đắt đỏ. 

Phương pháp thông minh kiểm soát côn trùng gây hại 

Biến đổi khí hậu ngày nay tạo điều kiện cho những côn trùng gây hại di trú và tiếp tục tồn tại. Thông qua một kỹ thuật gọi là kỹ thuật tiệt sản côn trùng (SIT), IAEA giúp các nước thành viên giải quyết sự bùng nổ côn trùng gây hại trong các khu vực mới. 

SIT là một kỹ thuật "kiểm soát sinh sản". Những con côn trùng đực được chiếu xạ tiệt sản và phát tán ra môi trường hoang dã để chúng giao phối với côn trùng cái. Trứng của những côn trùng cái này sẽ không có khả năng nở ra con và theo thời gian sẽ làm giảm số lượng côn trùng gây hại. Việc ngăn chặn số lượng côn trùng gây hại có thể đạt được mà không cần hoặc chì cần dùng một lượng nhỏ thuốc trừ sâu. 

Thú y và an toàn thực phẩm 

Thay đổi về nhiệt độ cũng sẽ tăng nguy cơ lây lan của một số dịch bệnh động vật. Các quốc gia sẽ phải đối mặt với các dịch bệnh động vật mà trước đây không xuất hiện trong khu vực của họ. Nhờ vào những dữ liệu thu thập được cùng với sự giúp đỡ của các kỹ thuật hạt nhân, các nhà khoa học có thể dự đoán khả năng lây lan của dịch bệnh động vật và các yếu tố khác như nguy cơ truyền nhiễm sang con người. 

Biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ làm gia tăng việc sử dụng các hóa chất nông nghiệp và thuốc trừ sâu. Bằng cách sử dụng các kỹ thuật hạt nhân để giám sát thực phẩn sẽ có thể phát hiện một cách kịp thời và hiệu quả sự hiện diện của các sản phẩm nhiễm thuốc trừ sâu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.