Hơn 54% dân số sử dụng internet
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới. Việt Nam nằm trong Top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại châu Á.
Cùng với internet, hàng tỉ người trên khắp thế giới đã được kết nối với nhau. Tại Việt Nam, internet đã len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Từ bác sĩ, kĩ sư, hay công nhân, nông dân… đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên internet.
Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và phát triển lên 3G, 4G với hạ tầng hiện đại, phủ rộng trên khắp lãnh thổ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cùng các đại biểu tham quan mô hình bãi đỗ xe thông minhViệt Nam cũng đã hình thành được nhiều doanh nghiệp hạ tầng internet hùng mạnh như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam…và các doanh nghiệp nội dung số như VNG, VTC, VC CORP…
Là một trong những người có công đưa internet về Việt Nam, TS Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông nhấn mạnh: "Internet đã làm nên điều kì diệu. Bản thân chúng tôi khi đó cũng không thể hình dung được, sau 20 năm, internet lại có thể làm ra cuộc cách mạng lớn lao như vậy.
Hiện giờ, một chiếc smartphone có thể có đầy đủ tính năng như ghi âm, báo thức, xem thời tiết, đọc báo, thậm chí như một ví tiền để thanh toán. Trong 20 năm qua, internet đã kết nối con người. Trong 20 năm tới, internet sẽ kết nối mọi thứ" – ông Trực nói.
Cạnh tranh với các "gã khổng lồ" sẽ ngày càng khốc liệt
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG cho rằng, trong 10 năm tới, cạnh tranh trong lĩnh vực internet sẽ không còn biên giới. Khi mở cửa với thế giới, sẽ ngày càng có nhiều tập đoàn toàn cầu vào Việt Nam, đặt ra vấn đề cần quản lí các doanh nghiệp nước ngoài như thế nào để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp Việt. "Dù muốn hay không, Việt Nam không thể đóng cửa dịch vụ của các "ông lớn" từ nước ngoài như Facebook, Google...
Trong 10 năm tới, internet sẽ thay đổi khủng khiếp, ngành nội dung số có thể đạt tới 40-50% GDP chứ không chỉ 2% như hiện nay. Tốc độ phát triển internet ở Việt Nam diễn ra quá nhanh khiến các cơ quan quản lí không phản ứng kịp. Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ các rào cản đối với doanh nghiệp trong nước. Khi đối đầu với các "gã khổng lồ", nếu các doanh nghiệp Việt không bắt tay hợp tác với nhau thì tất cả chúng ta đều là người thua cuộc" – ông Lê Hồng Minh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thế Tân – Tổng giám đốc VCCorp cũng cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài không bị ràng buộc bởi chế tài trong nước nên rất khó quản lí. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt tài chính yếu hơn lại còn bị "trói tay" bởi nhiều ràng buộc. Theo ông Tân, Việt Nam chỉ còn một thế mạnh duy nhất là nội dung số, hiện còn giữ được khoảng 45-50% thị phần. "Chúng ta có doanh thu khoảng 1 tỉ USD ở lĩnh vực nội dung số. Khi internet mở cửa xuyên biên giới, đây sẽ là lãnh địa cuối cùng nhưng lại là trận đánh quan trọng nhất" – ông Nguyễn Thế Tân nhấn mạnh.
Về câu chuyện cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: "Chúng tôi đã cố gắng để có chính sách cởi mở hơn. Đúng là các chính sách hiện nay gần như đang bảo hộ cho các doanh nghiệp ngoại. Ví dụ, các doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ ở Việt Nam được miễn phí trong khi doanh nghiệp Việt phải thuê, lại bị quản lí chặt chẽ. Cần phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn cho doanh nghiệp trong nước".
Mặc dù đánh giá cao những giá trị tích cực mà internet mang lại song người đứng đầu ngành thông tin truyền thông cũng thừa nhận, internet còn tồn tại nhiều mặt trái. Hiện nay, lượng thông tin xấu xuất hiện trên internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, nhất là tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt, chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo. Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đang là đích ngắm của các cuộc tấn công mạng. Tin tặc tấn công vào các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước với cả mục tiêu kinh tế và chính trị.
Hiện nay, theo định hướng của Chính phủ, nước ta đang nỗ lực phát triển công nghệ thông tin, công nghiệp nội dung số, ứng dụng giá trị gia tăng trên internet như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, trò chơi điện tử, quảng cáo điện tử…
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới nền kinh tế số. Với nền tảng hạ tầng như hiện nay, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt vươn ra nước ngoài thành công, ghi dấu trên bản đồ công nghệ của thế giới.