IPO Lọc dầu Dung Quất: Cú hích mới cho ngành Dầu khí

Đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) không chỉ giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thắng lớn trong việc IPO 3 doanh nghiệp hàng đầu (BSR, PV Oil, PV Power) mà
BSR – điểm sáng IPO

Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng: Thành công lớn nhất của BSR và 2 đơn vị khác trong ngành PV Oil và PV Power là chuyển đổi sang công ty cổ phần – giúp các Tổng công ty, Công ty có thêm động lực mới, nguồn lực mới cho sự phát triển trong thời gian tới. “Đây là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu, siết lại tổ chức, để PVN mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn; các đơn vị thuộc PVN năng động, tự chủ hơn. Đồng thời chúng ta không thỏa mãn với thành công này, thời gian tới tiếp tục thoái vốn ở các đơn vị trong toàn Tập đoàn theo lộ trình của Chính phủ” - Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tại Lễ tổng kết công tác IPO vào ngày 17/8/2018 tại Hà Nội.

Công ty BSR luôn có những thông tin “sáng” trong công tác tối ưu hóa, nghiên cứu khoa học được đặc biệt chú trọng, góp phần tiết kiệm chi phí cho hoạt động sản xuất. 7 tháng đầu năm 2018, giá trị tiết kiệm của BSR là 563,78 tỷ đồng, vượt 16,8% so với mức được giao (482,64 tỷ đồng), trong đó đặc biệt phần giảm tiêu hao trong chế biến, tối ưu hóa năng lượng chiếm chủ đạo là 495 tỷ đồng. Đồng thời BSR đã nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng công suất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể vận hành ở mức 118%.

Tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên của Công ty diễn ra mới đây, BSR đặt ra mục tiêu chiến lược giai đoạn 2018 - 2022 là xây dựng đơn vị trở thành một công ty lọc hóa dầu chủ động, năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh ở mức cao gắn liền với bảo vệ môi trường, an toàn và tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội. Các mục tiêu chính Công ty đề ra cho giai đoạn 2018 - 2022: Tập trung tổ chức hoạt động sản xuất an toàn, ổn định, hiệu quả, làm chủ công nghệ và bền vững. Cơ bản hoàn thiện Dự án NCMR NMLD Dung Quất vào năm 2020 và tiến hành kết nối vào năm 2021, đưa cụm Dự án NCMR đi vào hoạt động an toàn, ổn định và đạt hiệu quả cao từ năm 2022.

Thời gian qua, BSR cũng tích cực trong việc hợp tác với các đối tác đến từ Nhật Bản, Mỹ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho NMLD Dung Quất, để BSR có những khởi đầu mới khi hoạt động trong mô hình công ty cổ phần. Cuối tháng 7/2018, Công ty BSR đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhà máy lọc dầu tại Việt Nam với Trung tâm hợp tác Dầu mỏ Nhật Bản (JCCP). Ký kết này sẽ thúc đẩy sự hợp tác, hỗ trợ giữa hai bên, mang đến thành công và nhiều kết quả khả quan cho BSR, nâng cao năng lực cạnh tranh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong thời gian tới.

Hãng tư vấn Boston Consulting Group - BCG (Hoa Kỳ) cũng hợp tác với Công ty BSR nâng cao hiệu quả (Profit Improvement) của nhà máy lọc dầu. BCG bắt đầu hợp tác tư vấn với BSR từ cuối năm 2016. Trong năm 2017, BCG đã cử các chuyên gia tư vấn đến khảo sát hiện trạng tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để bước đầu phân tích, tư vấn và đề xuất BSR chiến lược kinh doanh, chương trình hành động nâng cao giá trị lợi nhuận cho NMLD Dung Quất. Theo đó, BCG khẳng định chương trình tăng trưởng giá trị được đề xuất cho NMLD Dung Quất, nếu được triển khai thành công, có thể đạt biên lợi nhuận khoảng 65 - 110 triệu đô la.

Kỳ vọng ở tương lai

Nhà đầu tư không chỉ mua giá trị hiện tại của BSR mà còn kỳ vọng vào tương lai gần ở dự án Nâng cấp, mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất. Vậy, dự án NCMR có thể biến đổi BSR nâng lên tầm cao nào mà nhiều nhà đầu tư lại dành sự quan tâm đặc biệt?

NCMR NMLD Dung Quất sẽ giúp nhà máy lựa chọn được nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm rẻ hơn, trong khi giá thành vẫn tính theo giá thị trường, giúp BSR dự báo sẽ có lợi nhuận rất cao. Năm 2017, khi BSR sử dụng đến 98% nguyên liệu đầu vào là dầu ngọt, lợi nhuận đã đạt mốc kỷ lục… trên 8.035 tỷ đồng. Vậy có thể hiểu, nguyên liệu càng rẻ, lợi nhuận mang về cho công ty càng cao. Được biết, từ 2014 – 2016, 89 – 98% nguyên liệu đầu vào của BSR sử dụng là dầu ngọt trong nước.

Sau nhiều năm nghiên cứu, BSR đã đánh giá và lựa chọn danh sách 67 loại dầu thô đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật để chế biến tại NMLD Dung Quất, có nhiều loại dầu thô có thể đạt tỷ lệ phối trộn trên 50% như Azeri (Azerbaijan); Qua Iboe, Escravos, Bonny Light (Nigeria); Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Chim Sáo (Việt Nam),... Điều này sẽ mở ra cơ hội to lớn cho nhà máy trong việc lựa chọn nguồn cung cũng như khả năng thay thế phần lớn dầu thô Bạch Hổ.

Hiện tại, Nhà máy đã chế biến thành công 16 loại dầu thô trong nước và từ các khu vực khác nhau trên thế giới như: Azeri (Azerbaijan), Champion, SLEB (Brunei), Kikeh, Labuan, Miri (Malaysia), Kaji Semoga (Indonesia), NKossa (Congo), Amna (Libya), ESPO (Nga), Đại Hùng, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Chim Sáo, Thăng Long, Ruby (Việt Nam).

Trong kế hoạch NCMR, NMLD Dung Quất sẽ tiến hành xây dựng bổ sung các phân xưởng công nghệ để chế biến dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn, sản lượng/tính sẵn có lớn hơn như Murban, ESPO, Arab Light… và sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng EURO V; xây dựng bổ sung bến phao SPM cách bến cũ 2 km về phía Bắc để có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 300 nghìn tấn. Như vậy, nguồn cung dầu thô của NMLD Dung Quất sau NCMR sẽ được mở rộng đáng kể so với hiện tại. Khi việc NCMR dự kiến hoàn thành năm 2021, công suất chế biến NMLD Dung Quất sẽ tăng lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm.

Để củng cố cho việc cung cấp dầu thô cho NMLD Dung Quất trước và sau khi NCMR, BSR đã và đang phối hợp cùng PV OIL xúc tiến đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung cấp để ký kết thỏa thuận hợp tác, hợp đồng khung cung cấp dài hạn các loại dầu thô nhập khẩu chiến lược đến năm 2040. Việc ký kết hợp đồng khung cung cấp dầu thô dài hạn với các nhà cung cấp dầu thô hàng đầu thế giới như Công ty Rosneft (Nga), Total (Pháp), Glencore (Singapore) và SOCAR Trading S.A giúp cho NMLD Dung Quất luôn ổn định nguồn dầu thô đầu vào trước và sau Nâng cấp mở rộng với chi phí cạnh tranh nhất góp phần nâng cao hiệu quả SXKD bền vững trong thời gian tới.

Mở rộng hóa dầu

NMLD Dung Quất có phân xưởng sản xuất Polypropylene với công suất 150.000 tấn/năm đã đi vào vận hành thương mại năm 2010 và đáp ứng gần 30% nhu cầu Polypropylene trong nước.

Bên cạnh việc sử dụng nguồn nguyên liệu là Propylene từ phân xưởng RFCC của NMLD Dung Quất, thì việc phát hiện mỏ khí Cá Voi Xanh là cơ hội lớn cung cấp thêm nguồn nguyên liệu dạng khí cho sản xuất hạt nhựa và các sản phẩm hóa dầu cao cấp khác.

Mỏ khí Cá Voi Xanh với trữ lượng khoảng 15,7 TCF (445 tỷ m3) là mỏ khí có trữ lượng vào loại lớn nhất Việt Nam hiện nay, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2023 với sản lượng trung bình giai đoạn đầu khoảng 7,2 tỷ m3/năm và tăng lên 8,8 tỷ m3/năm sau khi mở rộng mỏ, trong đó phần dành cho hóa dầu là 1,6 -1,7 tỷ m3/năm.

Công nghệ lọc dầu hiện đại hiện nay có thể sử dụng khí Cá Voi Xanh thay thế nguyên liệu LPG/Naphtha tại NMLD Dung Quất cho sản xuất Hydro phục vụ cho NMLD sau nâng cấp mở rộng và làm khí nhiên liệu cho NMLD để giảm chi phí giá thành. Hơn nữa, tận dụng thành phần Carbon trong CO2 (vốn có nhiệt trị cháy bằng 0) trong khí Cá Voi Xanh sẽ rất thích hợp cho phản ứng tổng hợp Methanol. Tiếp theo, Methanol sẽ được chuyển hóa thành Olefins (Ethylene/Propylene) qua công nghệ MTO/MTP và từ đó sản xuất các sản phẩm hóa dầu tiềm năng (như PP, PE).

Lợi nhuận hóa dầu ổn định ở mức cao hơn lợi nhuận lọc dầu, do đó để kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, giảm rủi ro và tăng lợi nhuận, xu hướng tích hợp tối đa với hóa dầu từ các sản phẩm lọc dầu cũng như tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu sẵn có là cần thiết. Việc kết hợp và tích hợp khí Cá Voi Xanh vào NMLD Dung Quất sẽ tạo thành Trung tâm Lọc Hóa dầu lớn ở khu vực Miền Trung.

Dấu mốc quan trọng trong tiến trình IPO BSR

- Ngày 6/11/2015, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ra quyết định số 2665/QĐ-DKVN về việc cổ phần hóa Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

- Giá trị doanh nghiệp của BSR là 72.879.914.663.162 đồng (bảy mươi hai ngàn tám trăm bảy mươi chín tỷ, chín trăm mười bốn triệu, sáu trăm sáu mươi ba ngàn, một trăm sáu mươi hai đồng), tương đương khoảng 3,2 tỷ USD.

- Phương án cổ phần hoá BSR được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Tờ trình số 11210/TTr-BCT ngày 28/11/2017. Ngày 8/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1978/QĐ-TTg ngày 08/12/2017 về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Lọc-Hóa dầu Bình Sơn.

- Công ty BSR đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 17/01/2018 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Toàn bộ 241.556.969 cổ phần (tương đương 7,79% cổ phần BSR) đã được đấu giá thành công. Mức giá trúng đấu giá thấp nhất là 20.800 đồng. Mức giá cao nhất là 14.800.000 đồng. Và mức giá trung bình là 23.043 đồng. Nhà nước thu về hơn 5.566 tỷ đồng.

- Cổ phiếu BSR đã được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Upcom vào ngày 01/3/2018.

- BSR tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu vào ngày 21/6/2018, là tiền đề để BSR chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 01/7/2018.

- Ngày 15/8/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính đã có Công văn số 5068/UBCK-GSĐC chấp thuận BSR trở thành công ty đại chúng.


Đức Chính