Trong phiên thứ nhất, Đại hội Công đoàn Bộ Công Thương đã thông qua Chương trình, Quy chế Đại hội; báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu; báo cáo kết quả Đại hội Công đoàn cơ sở trực thuộc; đóng góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội IV Công đoàn Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 và tổng hợp ý kiến góp ý vào Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam; báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Công đoàn Bộ Công Thương khoá III, nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Đồng thời, Đại hội Công đoàn Bộ Công Thương đã thông qua Đề án nhân sự Ban Chấp hành Công đoàn Bộ Công Thương khóa IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028; thông qua Đề án nhân sự Đoàn đại biểu dự Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028; bầu Ban bầu cử.
Góp ý thẳng thắn, thiết thực để xây dựng, phát triển Công đoàn cơ sở
Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Minh Huệ, Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương đã có những góp ý vào Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Cụ thể, về nguyên tắc, hình thức bầu cử tại Đại hội tại Khoản 1 Điều 12, Dự thảo Điều lệ quy định “Đại hội, hội nghị Công đoàn các cấp hợp lệ khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên được triệu tập tham dự”.
Theo quy định hiện nay, Công đoàn cơ sở dưới 200 đoàn viên tổ chức Đại hội toàn thể. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất địa bàn dàn trải không tập trung, làm ca kíp nên việc triệu tập đủ 2/3 đoàn viên tham dự họp là rất khó.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Huệ đề nghị sửa “Đại hội, hội nghị Công đoàn các cấp hợp lệ khi có ít nhất trên 1/2 tổng số thành viên được triệu tập tham dự”.
Tại Khoản 3 Điều 12, Dự thảo Điều lệ quy định điều kiện trúng cử “Người trúng cử phải có số phiếu bầu đạt tỷ lệ quả 1/2 so với tổng số phiếu thu về”.
Trong thực tế, Đại hội triệu tập 150 đại biểu, có mặt tham dự 145 đại biểu. Khi tham gia bỏ phiếu lần thứ nhất bầu Ban chấp hành có 145 đại biểu; bỏ phiếu lần thứ hai bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn cấp trên có 100 đại biểu. Như vậy, kết quả kiểm phiếu của người trúng cử phải quá 50% số phiếu thu về sẽ khác nhau. Ở lần thứ nhất, người trúng cử phải đạt số phiếu quá 75 phiếu. Ở lần thứ hai, người trúng cử phải đạt số phiếu quá 50 phiếu. Như vậy kết quả kiểm phiếu của người trúng cử ở lần thứ hai chỉ đạt 33% (chưa quá 50%) tổng số đại biểu triệu tập ban đầu.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, kinh phí Công đoàn được trích 2% theo quỹ lương đóng bảo hiểm. Tuy nhiên các chi phí cho hoạt động Công đoàn tại cơ sở ngày càng gia tăng.
Công đoàn Bộ Công Thương đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét điều chỉnh tỷ lệ kinh phí Công đoàn được giữ lại cho Công đoàn cơ sở từ 75% lên 80%, tăng tỷ lệ đoàn phí Công đoàn cơ sở được sử dụng từ 60% lên 70%.
Ngoài ra, Công đoàn Bộ Công Thương cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu biên soạn, xuất bản sổ ghi biên bản các cuộc họp Công đoàn và hệ thống sổ sách thu - chi đoàn phí cho hệ thống Công đoàn từ Trung ương đến cơ sở cho đồng nhất, chuyên nghiệp.
Để bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên theo quy định của Điều lệ Công đoàn, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm cấp lại thẻ cho đoàn viên theo chất liệu mới.
Công đoàn Bộ Công Thương là chỗ dựa vững chắc của đoàn viên
Tại Đại hội, đồng chí Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương, Uỷ viên Ban Thường vụ Công đoàn Bộ Công Thương đã trình bày Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Công đoàn Bộ Công Thương khoá III, nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Theo đó, nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Công đoàn Bộ Công Thương đã hoạt động hiệu quả. Công đoàn Bộ Công Thương đã xây dựng quy chế phối hợp với thủ trưởng cơ quan Bộ nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và vị thế hoạt động của tổ chức Công đoàn; thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên Công đoàn. Công đoàn Bộ Công Thương đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, Ban chấp hành Công đoàn luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng hoạt động đoàn thể cho đoàn viên. Từ đó, nâng cao năng lực làm việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Việc phát động các phong trào thi đua, tuyên truyền giáo dục chính sách pháp luật, phong trào thi đua luôn được Công đoàn Bộ Công Thương coi trọng. Qua đó, giúp đoàn viên vững vàng về tư tưởng, lập trường chính trị, tăng thêm lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Công đoàn Bộ Công Thương cũng quan tâm đến đời sống tinh thần của đoàn viên khi tổ chức nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ như Hội thao mở rộng, giao lưu thể thao với các Bộ ngành khác,…; duy trì hoạt động các câu lạc bộ khiêu vũ, bóng bàn, yoga...
Đặc biệt, công tác xã hội từ thiện là dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua của Công đoàn Bộ Công Thương. Công đoàn Bộ thường xuyên tổ chức các đợt đi tặng quà cho hộ gia đình khó khăn ở các tỉnh biên giới, miền núi; tặng quà cho các xã bị thiệt hại do lũ lụt ở khu vực miền Trung; duy trì chương trình “đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các thương binh nặng, gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng,…
Công tác nữ công, phát triển đảng viên mới cũng đạt được nhiều kết quả đáng kể. Trong nhiệm kỳ, Công đoàn Bộ Công Thương đã giới thiệu nhiều đoàn viên ưu tú để xem xét, kết nạp Đảng.
“Với tinh thần trách nhiệm cùng với sự nỗ lực quyết tâm của tập thể Ban Thường vụ, Ban chấp hành Công đoàn Bộ Công Thương, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bộ lần thứ III đã được triển khai sâu rộng, được các cấp công đoàn và công chức, viên chức, người lao động trong Bộ Công Thương thực hiện tích cực, hiệu quả, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra” - đồng chí Lê Việt Long khẳng định.
Đại hội Công đoàn Bộ Công Thương lần thứ IV nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được của hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2018 - 2023. Qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III.
Đại hội cũng đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023 - 2028 để tiếp tục xây dựng Công đoàn Bộ Công Thương ngày càng vững mạnh.