Thành công bước đầu của nghiên cứu này cho thấy những nỗ lực của các nhà khoa học Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trong việc tối ưu hoá quy trình sản xuất, chăn nuôi, hướng tới mục tiêu sản phẩm chất lượng cao và an toàn. Với tính khả thi và sự hứa hẹn về hiệu quả kinh tế, đề tài được xem là một giải pháp mới, sáng tạo cho ngành chăn nuôi lợn của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn thị trường đầy thách thức hiện nay.
“Giấc mơ”về một ngành chăn nuôi bền vững
Từ nhiều năm nay, bên cạnh thế mạnh về trồng chè, Thái Nguyên cũng được quy hoạch là vùng sản xuất chăn nuôi cung cấp thịt cho các vùng lân cận. Vì vậy, việc phát triển chăn nuôi cũng được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Theo số liệu thống kê, hàng năm, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn cung cấp khoảng trên 95.000 tấn thịt cho thị trường, thu về khoảng 6.000 tỷ đồng. Với đóng góp như vậy cho tỉnh nhà, ngành chăn nuôi lợn được xếp ở vị trí cao nhất với tỷ lệ trên 45% trong cơ cấu ngành chăn nuôi, trong khi chăn nuôi gia cầm chỉ chiếm 44%.
Mặc dù giá trị sản xuất chăn nuôi lợn tăng đều qua các năm, song chăn nuôi lợn của Thái Nguyên cũng như các tỉnh khác trong cả nước gặp không ít khó khăn do giá thức ăn tăng cao.
Với ý tưởng khai thác triệt để ưu thế của vùng nguyên liệu trồng chè, vốn là thương hiệu của địa phương để góp phần năng cao giá trị thịt lợn, các nhà khoa học của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã cho ra đời đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên” nhằm tăng sức đề kháng và nâng cao chất lượng thịt lợn, cũng như hướng tới xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ gắn với thương hiệu đặc trưng của người dân Thái Nguyên.
Ở tầm nhìn xa hơn, các nhà khoa học kỳ vọng sau khi dự án kết thúc, các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp để tiếp quản, phát huy kết quả đề tài khoa học, đưa nghiên cứu trở thành sản phẩm thương mại của tỉnh Thái Nguyên trong tương lai.
Cụ thể, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích và thử nghiệm một phương pháp mới, đó là bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên vào chế độ dinh dưỡng của lợn.
Đề tài nghiên cứu được triển khai thực hiện trên đàn lợn đen bản địa tại hộ chăn nuôi của ông Dương Văn Hải và lợn ngoại thương phẩm tại hộ bà Nguyễn Thị Liễu, xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên với tổng 72 con lợn.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đạt, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, các nhà khoa học đã sử dụng 4 lô thí nghiệm, trong đó có 1 lô đối chứng và 3 lô thí nghiệm bổ sung, mỗi lô 9 con lợn, tương ứng với 4 mức bổ sung bột lá chè xanh trong khẩu phần ăn từ 0-1-3-5%. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một loạt các thử nghiệm trên lợn nhằm đánh giá tác động của việc bổ sung chè xanh Thái Nguyên vào chế độ dinh dưỡng của lợn thịt.
Đáng mừng, nhưng kết quả ban đầu của nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung chè xanh Thái Nguyên vào thức ăn tự nhiên của lợn đã có tác động tích cực đến chất lượng thịt lợn. Đặc biệt, nhóm lợn được bổ sung chè xanh có khả năng miễn dịch cao hơn, giảm các bệnh thông thường trong đường tiêu hóa và cho chất lượng thịt ngon hơn và có thể có mức giá bán cao gấp 2-3 lần giá lợn thông thường.
Những dấu hiệu tích cực trong giai đoạn đầu nghiên cứu cho thấy tính khả thi trong việc áp dụng kết quả đề tài để trở thành các sản phẩm thực tế đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi của địa phương.
Không chỉ dừng lại ở “miếng thịt ngon”
Không muốn đề tài nghiên cứu dừng lại ở câu chuyện về một phương pháp sử dụng thức ăn chăn nuôi mới mà còn kỳ vọng vào việc đưa kết quả nghiên cứu của đề tài này đến cái đích xa hơn, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương. Các lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đề nghị trong tương lai các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu tiến tới phối hợp với doanh nghiệp sản xuất thức ăn đóng gói có bao bì, mã vạch bán cho người chăn nuôi; đồng thời tăng lô thí nghiệm, thêm công thức tăng tỷ lệ bột trà xanh trong khẩu phần ăn; khuyến cáo thời gian nuôi, khối lượng xuất chuồng tốt nhất. Mục tiêu phải nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như giá bán; đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao thương hiệu cho trà Thái Nguyên.
Có thể thấy, những định hướng của các cấp lãnh đạo tỉnh không chỉ mang tính khích lệ, tạo động lực để nhóm nghiên cứu phát triển đề tài mà còn mở ra những cơ hội kết nối, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực chăn nuôi lợn tại địa phương. Đặc biệt là mở ra nhiều hướng nghiên cứu cho các nhà khoa học trong thời gian tới trong việc ứng dụng các sản phẩm tự nhiên trong chăn nuôi, hướng đến một ngành chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường.
Mặc dù đề tài nghiên cứu vẫn chưa đi đến giai đoạn kết thúc, song trải qua những dấu hiệu thành công ban đầu có thể khẳng định một trong những đóng góp chính của đề tài là tạo ra cơ sở cho việc cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm trong ngành chăn nuôi lợn. Thông qua việc sử dụng chè xanh Thái Nguyên trong thức ăn chăn nuôi, đề tài nghiên cứu cũng đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của địa phương.
Nếu kết quả của mô hình được nhân rộng sẽ phần nào khẳng định sự phù hợp của việc nuôi lợn thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh thích nghi tốt với điều kiện thực tế tại Thái Nguyên, giải quyết vấn đề chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cho địa phương, đưa vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp điệu kiện tự nhiên – xã hội của địa bàn vào sản xuất, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Từ đó, phát huy thế mạnh của tỉnh là địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước, tạo ra sản phẩm thương hiệu cho tỉnh Thái Nguyên và từng bước định hình ngành chăn nuôi Thái Nguyên lên một tầm cao mới.
BaF Việt Nam (BAF): Giá thành gần như thấp nhất ngành, mảng chăn nuôi bứt phá