Chiều 23/4/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và 9 địa phương về tình hình thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.
Đã bàn giao 61% khoảng néo
Theo báo cáo của EVN, đến nay các dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã hoàn thành ký kết hợp đồng cho 225/226 gói thầu, còn 01 gói thầu cung cấp kháng điện của Dự án ĐZ 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu hiện đang hoàn thiện các thủ tục lựa chọn lại nhà thầu. Để đảm bảo tiến độ đóng điện của các Dự án, EVNNPT đã có kế hoạch điều động thiết bị hiện có trên lưới phục vụ cho công trình 500kV mạch 3.
Tổng cộng 4 dự án đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 1.177/1.177 (100%) vị trí móng cột và 306/503 (~61%) khoảng néo, còn 197 khoảng néo chưa bàn giao mặt bằng (Hà Tĩnh còn 43/112; Nghệ An còn 57/88; Thanh Hóa còn 52/138; Nam Định còn 24/54; Thái Bình còn 11/47; Hải Dương còn 5/31; Hưng Yên còn 5/14).
Các dự án đường dây 500kV mạch 3 đã hoàn thành đúc móng 769/1.177 vị trí; đã bàn giao 331/1.177 vị trí cột thép. Hoàn thành lắp dựng 161/1.177 cột thép; đang lắp dựng 115/1.177 cột thép.
Để hoàn thành đóng điện dự án theo đúng tiến độ được Thủ tướng Chính phủ giao, EVN/EVNNPT đang quyết liệt đôn đốc các nhà thầu xây dựng tập trung nhân lực, máy móc thi công sớm hoàn thành xây dựng móng cột và tổ chức thực hiện lắp dựng cột, rải căng dây theo tiến độ cam kết. Đôn đốc các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị (cột thép, sứ, phụ kiện, cáp quang và dây dẫn…) khẩn trương hoàn thành công tác chế tạo và vận chuyển đến công trường để lắp dựng đồng bộ.
Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, lãnh đạo EVN cho biết, còn nhiều địa phương chưa lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ phần hành lang an toàn. Trong đó, Thanh Hóa còn 3/12 huyện, thị xã; Nam Định còn 4/6 huyện; Thái Bình còn 3/4 huyện; Hải Dương còn 3/4 huyện; Hưng Yên còn 2/2 huyện, thị xã; Hà Tĩnh còn 3/9 huyện; Nghệ An còn 5/7 huyện, thị xã.
EVNNPT và các Ban quản lý dự án đã cung cấp đầy đủ hồ sơ đo vẽ, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương kê kiểm phục vụ lập phương án và phê duyệt phương án đền bù, tuyên truyền, vận động người dân sớm bàn giao hành lang tuyến để triển khai thi công.
Năng lực sản xuất thép không đáp ứng kịp nhu cầu cột
Liên quan đến các khó khăn trong quá trình triển khai, EVN/EVNNPT thẳng thắn chỉ ra, tổng khối lượng cột thép theo yêu cầu cho 4 dự án mạch 3 là hơn 138 ngàn tấn, trong đó có 114 ngàn tấn sản xuất trong nước, 24 ngàn tấn nhập khẩu nước ngoài. Qua khảo sát, tổng năng lực sản xuất khai báo của các đơn vị trong nước đạt khoảng 321 ngàn tấn/năm, tương đương 26,75 ngàn tấn/tháng, thấp hơn so với công suất yêu cầu của dự án đường dây 500kV mạch 3 là 32,6 ngàn tấn/tháng.
"Các đơn vị cũng đang phải sản xuất cho các đơn hàng khác. Như vậy với nhu cầu cột thép rất lớn trong thời gian ngắn đã gây quá tải cục bộ đối với các đơn vị sản xuất cột thép trong nước", báo cáo của EVN nhận định.
Ngoài ra một số chủng loại thép khổ lớn, thép cường độ cao (như SS540) nguồn cung trong nước không đủ, nên phải nhập từ nước ngoài. Đặc biệt là thép ống phải nhập ngoại 100%. Việc nhập khẩu nguyên liệu thép từ nước ngoài cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ sản xuất, cung cấp cột thép.
Để phấn đấu hoàn thành các dự án đường dây 500kV mạch 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN/EVNNPT đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành sớm có ý kiến thẩm định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để trình Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt để Chủ đầu tư có đủ căn cứ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; các địa phương sớm phê duyệt phương án bồi thường phần mặt bằng móng cột và hàng lang an toàn trong tháng 4/2024 để chủ đầu tư hoàn tất công tác bồi thường cho người dân, doanh nghiệp.
EVN/EVNNPT cũng kiến nghị UBND các tỉnh tiếp tục hỗ trợ bàn giao các khoảng néo còn lại để chủ đầu tư thực hiện công tác rai, kéo dây dẫn (dự kiến bắt đầu từ ngày 26/4/2024); khẩn trương kiểm kê, kiểm đếm, xác định số nhà/hộ dân phải di dời tái định cư và thực hiện các thủ tục, đảm bảo an toàn hành lang tuyến để đóng điện công trình.
Vào cuộc quyết liệt để gỡ vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong những tháng qua, các địa phương, EVN, EVNNPT, các nhà thầu đã rất nỗ lực để triển khai thực hiện công trình đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối, đến nay đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận, từ việc bàn giao mặt bằng, hố móng, tổ chức thi công đến việc giải phóng mặt bằng, bàn giao hành lang tuyến và khoảng néo.
Tuy nhiên, tiến độ các dự án vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là việc bàn giao mặt bằng hành lang tuyến đã không thể hoàn thành trước ngày 15/4/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.
Công tác cung cấp vật tư, thiết bị và thi công cũng gặp nhiều khó khăn như: một số gói thầu cung cấp vật tư thiết bị chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ; việc vận chuyển các vật tư, thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; công tác thi công ở một số địa điểm vẫn gặp nhiều khó khăn do địa hình, địa chất phức tạp, mặt bằng thi công chật hẹp, đường vào thi công nhỏ khó vận chuyển vật tư, thiết bị nặng.
“Tất cả những khó khăn, vướng mắc nêu trên nếu không được kịp thời xử lý, khắc phục thì rất có thể sẽ làm chậm tiến độ của công trình và các dự án khó thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Để thực hiện được những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt được mục tiêu đưa công trình đường dây 500kV vào vận hành trước ngày 30/6, Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng và Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, EVN/EVNNPT tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đối với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị phối hợp cùng các Bộ, ngành vào cuộc quyết liệt để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong tháng 4/2024, để chủ đầu tư có đủ căn cứ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với UBND các tỉnh có dự án đi qua, cần tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan ở địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tiến hành bàn giao nốt những khoảng néo còn lại để chủ đầu tư và các nhà thầu có thể triển khai thi công, nhất là giai đoạn hoàn tất các hố móng, kéo dây và hoàn thiện công trình. Chỉ đạo phê duyệt phương án bồi thường phần mặt bằng móng cột và hành lang an toàn cho các đối tượng có liên quan trước ngày 30/4. Đồng thời khẩn trương xác định số nhà, số hộ dân phải di dời tái định cư để thực hiện đầy đủ các thủ tục tái định cư cho các hộ dân, bảo đảm di dời trước ngày 15/6.
“Riêng mốc thời gian này là rất quan trọng, không có sự xê dịch, đòi hỏi các địa phương phải hết sức nghiêm túc thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với EVN/EVNNPT, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và giúp đỡ các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Tiếp tục phối hợp với các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xem xét đề xuất của một số địa phương về việc có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động và trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu, nhất là những nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị để bảo đảm cung ứng đủ cho các công trình, “thậm chí có thể hỗ trợ ứng trước vật tư, thiết bị từ trong kho dự trữ của các công ty điện lực, truyền tải khu vực trong trường hợp cần thiết”.
Bộ trưởng cũng yêu cầu EVN/EVNNPT tiếp tục phối hợp các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân ủng hộ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công và ngay cả trong việc góp phần bảo vệ an toàn đường dây và công trình trong tương lai. Tiếp tục cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ hoàn tất các thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong tháng 4/2024.
Đối với các kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu EVNNPT, với tư cách là chủ đầu tư trực tiếp, cần có sự vận dụng một cách linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể để giải quyết vướng mắc cho các địa phương.