Ấn tượng Sin
Quyền
Dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền, Lào
Cai là dự án sản xuất kim loại màu lớn nhất nước ta từ trước đến nay. Dự án do Tổng Công ty Khoáng
sản (VIMICO) làm chủ đầu tư với mục tiêu xây dựng một tổ hợp đồng bộ, khép kín từ khai thác - tuyển
khoáng đến luyện kim để sản xuất khoảng 10.000 tấn đồng kim loại/năm, thu hồi các sản phẩm cộng
sinh là vàng, bạc, tinh quặng sắt, tinh quặng đất hiếm và sản xuất axít sunfuaric từ khí thải của
lò luyện. Tổ hợp dự án chia thành 3 khu vực sản xuất chính theo công đoạn: Khai trường mỏ, nhà máy
tuyển quặng (Công ty Mỏ Tuyển đồng Sin Quyền) và nhà máy tinh luyện đồng (Công ty Luyện đồng Lào
Cai)…
Khai trường khu Đông thênh thang
mở ra sau một con dốc - sôi động và nhộn nhịp. Từ xa, hàng đoàn xe ben - đặc thù của ngành khai
khoáng lộ thiên - nối đuôi nhau như những cỗ máy di động. Những chiếc gàu múc của máy xúc như những
cánh tay thép linh hoạt xoay ngang, xoay dọc liên hồi xúc đất đá và quặng. Mọi công việc tuy khẩn
trương, gấp gáp nhưng lại rất đỗi tuần tự, nhịp nhàng. Người đồng hành cùng chúng tôi lên khai
trường là anh Nguyễn Hồng Hải - Trưởng phòng TCHC Công ty. Anh cho biết, đây là một trong những
khai trường hiện đại của nước ta, khai thác hoàn toàn bằng máy móc và các thiết bị cơ giới, mỗi năm
bốc xúc trên 3 triệu m3 đất đá, khai thác 1,2 triệu tấn quặng đồng nguyên khai. Khu vực khai trường
mỏ nằm trên địa bàn 2 xã Bản Vược và Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) với diện tích khoảng trên 200 ha gồm
khai trường khu Đông và khai trường khu Tây. Khai trường được quản lý bằng phần mềm quản lý khai
thác mỏ hiện đại của Australia. Tất cả hoạt động, khối lượng công việc, đặc biệt là thông số đo đạc
trong ngày khi được nạp vào, phần mềm này sẽ giúp lên kế hoạch công việc cho ngày hôm sau về địa
điểm, khối lượng bóc tách sao cho phù hợp, giúp trung hòa quặng (trộn đều quặng giàu - nghèo), khai
thác đạt yêu cầu tuyển khoáng (hàm lượng bình quân của quặng nguyên khai đầu vào từ 0,9 - 1,03 %
Cu), đồng thời còn giúp tận thu được khoáng sản, tránh lãng phí tài nguyên…
Nằm trong phân khu cùng khai
trường của Dự án, Nhà máy tuyển quặng được xây dựng với hệ thống máy móc, đường dẫn, băng chuyền
hiện đại. Quặng đồng nguyên khai được vận chuyển từ khai trường đến đây, các dây chuyền tại phân
xưởng sẽ thực hiện các công đoạn từ đập - sàng - nghiền - tuyển… Nhà máy có năng lực xử lý 1,1 -
1,2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm để thu 44.000 tấn tinh quặng đồng có hàm lượng 25% Cu,
9gAu/tấn, thực thu tuyển đồng 93%, tinh quặng sắt 100.000 tấn hàm lượng 65% Fe. Tinh quặng đồng sau
tuyển được chuyển sang Nhà máy luyện đồng để sản xuất đồng kim loại, thu hồi các kim loại quý hiếm
(vàng, bạc) và sản xuất axit sunfuaric…
Trao đổi với chúng tôi, anh Lý
Xuân Tuyên - GĐ Công ty - cho biết, bên cạnh việc chú tâm đến công tác sản xuất, Công ty cũng chưa
một phút lơ là công tác chăm lo đời sống cho người lao động. Công đoàn Công ty thường xuyên tổ chức
giao lưu văn nghệ, thể thao với các đơn vị khác trên địa bàn và từng bước tạo dựng niềm tự hào
doanh nghiệp trong công nhân lao động. Khu nhà ở cán bộ công nhân của Công ty mỏ tuyển đồng Sin
Quyền hiện đang được xem là kiểu mẫu của tỉnh Lào Cai. Sự quan tâm, chăm lo tới đời sống của người
lao động là nguồn cổ vũ, động viên lớn để CBCNV nơi đây thêm hăng say lao động. Với dây chuyền công
nghệ hợp lý, cùng sự năng động, sáng tạo của đội ngũ công nhân viên chức, Công ty Mỏ Tuyển đồng Sin
Quyền đã có được những thành tích đáng ghi nhận về năng suất lao động, tạo việc làm, nơi ăn ở ổn
định cho cán bộ công nhân viên (phần lớn là người địa phương) với mức thu nhập gần 7 triệu
đồng/người/tháng. Ngoài ra, Công ty còn là một trong những đơn vị đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh
Lào Cai, lên đến con số hàng trăm tỷ đồng/năm (6 tháng đầu năm nộp ngân sách trên 192,8 tỷ đồng).
Với vị thế là đơn vị của Trung ương đứng chân trên địa bàn, Công ty còn tích cực đóng góp nguồn
kinh phí lớn vào việc xây dựng các tuyến đường, cơ sở vật chất dân sinh. Công ty cũng đã chủ động
phối hợp với chính quyền địa phương 2 xã Cốc Mỳ, Bản Vược và huyện Bát Xát triển khai các kế hoạch
xóa đói giảm nghèo...
Nhộn nhịp nơi nhà máy
luyện đồng lớn nhất Việt Nam
Nhà máy luyện đồng của Công ty
Luyện đồng Lào Cai nằm ở khu công nghiệp Tằng Loỏng (thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào
Cai) có công suất 10.000 tấn đồng katot/năm và các sản phẩm khác đi cùng gồm 340 kg vàng/năm,
150 kg bạc/năm, 40.000 tấn a xít sunfuric/năm.
Một ngày cuối hè, đầu thu đã đem
đến cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về thành quả lao động, sáng tạo của những người thợ nơi đây. Đưa
chúng tôi đi thăm dây chuyền công nghệ sản xuất của nhà máy, kỹ sư Trịnh Văn Tuệ - GĐ Công ty - cho
biết, Nhà máy luyện đồng Lào Cai là cơ sở luyện đồng công nghiệp lớn nhất và duy nhất của Việt Nam
luyện kim theo công nghệ hỏa luyện tiên tiến nhất hiện nay bằng lò Thủy Khẩu Sơn của Trung Quốc chế
tạo, chuyển giao. Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 8/2008 nhưng do vận hành, sử dụng công nghệ rất
mới nên thời gian đầu "chạy rốt đa" là chính. Do đó năm 2009 - 2010 chỉ sản xuất đạt trên
dưới 60% công suất thiết kế vàtừ năm 2011đến nay, nhà máy đi vào sản xuất theo đúng,
thậm chí vượt công suất thiết kế. Dự kiến, năm nay, Nhà máy đạt kế hoạch sản xuất cao nhất. Bình
quân mỗi tháng nhà máy sản xuất và tiêu thụ từ 750 - 780 tấn đồng katot, mang lại nguồn thu đáng kể
cho đất nước và Vinacomin.
Toàn bộ sản phẩm đồng tấm katot
và các sản phẩm đi cùng của Nhà máy Luyện đồng Lào Cai được tiêu thụ ở trong nước, góp phần giảm
một lượng ngoại tệ đáng kể do không phải nhập đồng katot từ nước ngoài về như
trước.
Qua kết quả kiểm nghiệm kỹ thuật
và phân tích theo tiêu chuẩn VILAS 182 của Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ, sản phẩm đồng katot
của Nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế với hàm lượng 99,98 % đồng, cao hơn so với chỉ tiêu thiết
kế là 99,95 Cu.
Đại diện công ty trách nhiệm hữu
hạn nhà nước một thành viên Cơ điện Trần Phú là khách hàng lớn nhất của nhà máy luyện đồng Lào Cai
nhiều lần đã khẳng định tại hội nghị khách hàng của Vinacomin, sản phẩm đồng katot Lào Cai so với
sản phẩm cùng loại nhập từ nước ngoài về nhiều chỉ tiêu cao hơn.
Hiện nay, Vinacomin đang lập dự
án nâng công suất khai thác, chế biến sâu quặng đồng và sản phẩm đồng Lào Cai lên gấp đôi. Đồng
thời, tỉnh Lào Cai có dự án mời gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm đồng katot Lào
Cai thành sản phẩm có giá trị cao hơn tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng.
Dẫu biết rằng phía trước còn
nhiều thách thức đối với những người thợ mỏ, song tôi luôn tin họ có đủ bản lĩnh, trí tuệ và kinh
nghiệm để vượt qua. Dòng chảy của thời gian đã và đang làm cho ánh đồng Sin Quyền toả sáng lấp
lánh, mang đến sự phồn thịnh cho ngành công nghiệp khai khoáng, khẳng định sự đầu tư đúng đắn, ý
chí, niềm tin của những người thợ Tổng Công ty Khoáng sản nói riêng và Tập đoàn CN Than - Khoáng
sản Việt Nam nói chung.