Đoàn Phân ban Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải - Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật dẫn đầu, Đoàn Nga do ngài Igor Ivanovich Shuvalov, Phó Thủ tướng thứ nhất Chính phủ Liên bang Nga, Chủ tịch Phân ban Nga trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật dẫn đầu.
Tại Khóa họp hai Bên đã tập trung thảo luận các vấn đề hợp tác trọng tâm nhằm tìm ra các biện pháp củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật, nâng cao kim ngạch ngoại thương giữa hai nước. Đồng thời đề ra các giải pháp phù hợp để phối hợp giải quyết các vấn đề hợp tác còn tồn tại, thống nhất phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Quan hệ chính trị giữa hai nước trong thời gian qua tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp, với độ tin cậy cao. Hai nước đang triển khai hiệu quả Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga năm 2013, tiến hành Đối thoại chiến lược Ngoại giao - An ninh - Quốc phòng thường niên và tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ARF, ASEM, ASEAN - Nga.
Trong năm vừa qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, quan hệ hợp tác Việt - Nga đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Hai Phân ban đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các nội dung hợp tác được thỏa thuận, thống nhất tại Khóa họp 16.
Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước đã có bước tiến bộ đáng kế. Kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và LB Nga trong năm 2013 đạt 2,758 tỷ USD, tăng 12,61%. Nhưng trong 7 tháng đầu năm 2014, chỉ đạt 1,52 tỷ USD giảm 1 % so với cùng kỳ năm 2013. Tại Khóa họp lần này, hai bên đã trao đổi, thống nhất một số biện pháp để tăng cường, thúc đẩy hơn nữa về trao đổi thương mại hàng hóa có thế mạnh của hai Bên, nhất là trong bối cảnh tình hình chính trị ở châu Âu và thế giới đang có nhiều biến động phức tạp.
Hợp tác về đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, tính đến hết tháng 6 năm 2014, LB Nga có 101 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD, xếp thứ 18 trong số nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có 20 dự án đầu tư sang LB Nga với tổng vốn 2,5 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư tập trung chủ yếu vào khai thác dầu khí, bất động sản, chế biến thực phẩm, may mặc, sản xuất giầy dép. Ủy ban liên Chính phủ khuyến khích và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai bên tiếp tục hợp tác đầu tư vào thị trường của nhau.
Chúng tôi cho rằng, mặc dù hai nước có những điều kiện hết sức thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác, ví dụ như cơ cấu hàng hoá có tính bổ sung cho nhau rất rõ ràng, sự quan tâm của Lãnh đạo cấp cao, sự năng động của giới doanh nghiệp,... nhưng quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư Việt - Nga vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, chưa tương xứng với quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chiến lược toàn diện của hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều còn chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch XNK của cả Việt Nam và LB Nga; đầu tư của hai Bên vào lãnh thổ của nhau còn thấp.
Hai Bên nhất trí sẽ nỗ lực phấn đấu nhằm đạt mục tiêu kết thúc đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại tự do FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan vào đầu năm 2015. Đây là nội dung hợp tác quan trọng, mang tính chiến lược, đem lại lợi ích to lớn cho các Bên tham gia và góp phần đưa quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa các Bên lên một tầm cao mới.
Việt Nam khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Liên bang Nga trong lĩnh vực năng lượng, trong đó dầu khí là lĩnh vực được ưu tiên phát triển và mang tính chiến lược trong tổng thể mối quan hệ hợp tác song phương, tiếp theo là đầu tư xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, các công trình năng lượng mới và khai thác khoáng sản (than, titan...); các lĩnh vực khác cũng được quan tâm là: cơ khí chế tạo, lắp ráp ôtô, đóng tầu; các lĩnh vực hợp tác về thương mại, tài chính - ngân hàng, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, hợp tác trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, viễn thông, hàng không, văn hoá thể thao và du lịch, nghiên cứu sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình ...
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được trong hợp tác giữa hai nước trên các mặt, hai Bên cũng đã tiếp tục thảo luận để thúc đẩy giải quyết một số vấn đề còn tồn tại hoặc tiến triển chậm, như các vấn đề chưa được giải quyết triệt để của Trung tâm kỹ thuật đa ngành (TTKTĐN), Liên doanh thủy sản "Seaprifimco", Liên doanh "Visorutex"; Việc hợp tác về cung cấp và sử dụng tại Việt Nam các loại máy bay dân dụng mới do Nga sản xuất; Thành lập trung tâm sửa chữa bảo dưỡng máy bay lên thẳng, và trung tâm huấn luyện; Hợp tác về y tế và cơ khí chế tạo, khai thác than chưa được đẩy mạnh...
Hai phía Việt Nam và Nga tin rằng, với mối quan hệ đối tác truyền thống và nỗ lực, thiện chí của hai Bên, các vấn đề này sẽ sớm được giải quyết.
Hai đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ cũng khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ hai nước và khuyến nghị các công ty của hai nước cần tăng cường hơn nữa việc tiếp xúc, tìm hiểu để tìm ra các cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư cụ thể mang lại lợi ích cho cả hai nước, bổ sung lẫn nhau những thế mạnh mà nền kinh tế của mỗi nước đang có.
Kết thúc khóa họp, hai Đồng Chủ tịch đã ký Biên bản về kết quả Khóa họp 17 và thỏa thuận Khóa họp 18 sẽ tiến hành tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2015.