Thực trạng ngành công nghiệp thuộc da Việt Nam
Thuộc da được xem là lĩnh vực sản xuất có ý nghĩa quan trọng đối với ngành da giày. Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ có 35 DN thuộc da. Các cơ sở thuộc da quốc doanh hàng đầu đã đóng cửa hoặc cổ phần hóa do quản lý, tiếp thị và đầu tư yếu kém, chỉ còn hai DN hoạt động. DN tư nhân chiếm 62% số nhà máy thuộc da, nhưng do quy mô nhỏ nên chỉ chiếm một phần thấp trong tổng sản lượng thuộc da tại Việt Nam.
Lợi thế đang nghiêng về các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Các DN này đã nhập da đã qua xử lý thay vì da nguyên liệu để sản xuất nên ít gây ô nhiễm hơn. Ngoài ra, các DN FDI này xây dựng các nhà máy thuộc da tại Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, nơi tập trung các nhà máy sản xuất giày dép lớn tại Việt Nam.
Theo số liệu của Hiệp hội Da – Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), tổng sản lượng da nguyên liệu cung ứng cho ngành công nghiệp thuộc da ước tính 220.000- 250.000 tấn trong đó nhập khẩu khoảng 120.000- 150.000 tấn, trong nước mới chỉ cung ứng khoảng 100.000 tấn da nguyên liệu. Tuy nhiên, da thuộc thành phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu da trong nước khi thuộc xong hầu như chỉ dùng để sản xuất các mặt hàng tiêu dùng nội địa chứ xuất khẩu thì không đạt tiêu chuẩn. Lý giải về vấn đề này, Ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Các loại da nguyên liệu chủ yếu sử dụng cho thuộc là da bò, da trâu, da lợn nhưng ở Việt Nam lại chưa có trang trại chăn nuôi trâu, bò lấy da. Nguyên liệu chủ yếu được lấy từ trâu bò kéo nên da không đảm bảo được chất lượng. Ngay cả các DN có nhà máy thuộc da đặc chủng (da cá sấu, đà điểu) như Cty Khatoco, Công ty cá sấu Việt Nam... cũng gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu.
Khó khăn về nguồn nguyên liệu là thế, công nghệ thuộc da ở Việt Nam cũng không khá hơn, chỉ dừng ở mức trung bình thấp. Hiện tại, Việt Nam cũng chưa có quỹ hỗ trợ cho khoa học công nghệ của ngành thuộc da, chưa có DN nào sản xuất da thuộc có bộ phận nghiên cứu triển khai công nghệ trừ Viện Nghiên cứu Da- Giầy.
Mặc dù trong những năm gần đây, các DN đã tiến hành đổi mới về công nghệ thông qua sự hướng dẫn của đại diện các hãng hóa chất nước ngoài tại Việt Nam nhưng cơ sở hạ tầng về khoa học công nghệ còn nghèo nàn, lạc hậu so với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia…chứ chưa dám so sánh với các nước thuộc EU.
Yêu cầu cấp thiết cần xây dựng KCN thuộc da chuyên ngành
Việt Nam đang tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, đây chính là cơ hội lớn để ngành công nghiệp da giày phát triển và bứt phá.
Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm thách thức, DN muốn tận dụng hiệu quả cao nhất từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương phải hình thành chuỗi cung ứng bên trong, có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu. Ngoài ra, ngành da giày mặc dù được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn, đơn hàng xuất khẩu sẽ gia tăng nhưng giày dép xuất khẩu vào các thị trường, nhất là EU hay Hoa Kỳ đều yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso cho hay, ngành công nghiệp giày dép trong những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng từ 10 - 15%. Thêm vào đó, xu hướng tiêu dùng đồ da tại các thị trường nhập khẩu ngày càng gia tăng. Trong đó, túi cặp làm từ da đang không ngừng phát triển, bên cạnh đó là xu thế thay thế đồ nội thất bằng gỗ sang sử dụng da thuộc đang có trào lưu tăng mạnh làm nhu cầu da thuộc thêm phát triển. Thế nhưng hiện nay, các DN trong lĩnh vực thuộc da hầu hết chỉ hoạt động nhỏ lẻ và manh mún, nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu. “Nếu không được đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất da thuộc thì năng lực sản xuất da thuộc trong nước đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm xuống”.
Trước tình hình này, nhiều DN rất muốn mở rộng, đầu tư mới vào lĩnh vực sản xuất da thuộc, song nguồn vốn đang là một lực cản lớn, bởi chi phí đầu tư quá lớn. DN lại không đủ năng lực, đặc biệt là để xây dựng hệ thống xử lý chất thải đồng bộ. Thêm vào đó, các địa phương lại kém mặn mà khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực thuộc da do những tác động về môi trường.
Ông Bùi Văn Đức, Giám đốc Cty Da giày Sagoda cho biết, để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đồng bộ, thời gian thu hồi vốn phải mất từ 10 - 15 năm, khảo sát tất cả các địa phương để tìm vị trí xây dựng nhà máy thì tỉnh nào cũng “lắc đầu”. Hay như Cty TNHH Huynh Đệ thuộc da Hưng Thái phải mất gần chục năm mới xây dựng được hệ thống xử lý chất thải. Tuy nhiên, bên cạnh vốn đầu tư lớn thì phí duy tu, bảo dưỡng hệ thống cũng rất tốn kém, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của DN.
Hệ thống xử lý nước thải (Ảnh minh họa)Ông Đào Thanh Sơn, Giám đốc CTCP Thuộc da Vinh cho rằng, ngành thuộc da phát triển nhanh nhưng chưa bền vững, nên trước những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của các hiệp định thương mại, cấp thiết cần phải tập trung các DN, cơ sở sản xuất vào một khu công nghiệp (KCN) riêng. Vị trí đặt KCN chuyên ngành này cần lựa chọn đặt gần sông hồ để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, xây dựng hệ thống xử lý chất thải đồng bộ, khép kín cho các DN. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ không chỉ đất đai, mà cả tài chính, nếu muốn ngành này phát triển và đón cơ hội từ hội nhập kinh tế.
Khuyến nghị từ phía DN trong ngành công nghiệp thuộc da
Để phát triển ngành công nghiệp thuộc da, Lefaso khuyến cáo, cần thực hiện nghiêm túc Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp da giày đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 6209/QĐ-BCT ngày 25/11/2010, theo hướng tập trung phát triển ngành công nghiệp thuộc da với công nghệ thân thiện môi trường, phối hợp với các địa phương thiết lập KCN chuyên ngành, tập trung các doanh nghiệp thuộc da vào một nơi để đồng bộ hệ thống xử lý nước thải chuyên ngành nhằm giảm chi phí sản xuất cho DN.
Cùng với quan điểm trên, Ông Bùi Văn Đức, Giám đốc Cty Da giày Sagoda kiến nghị, Bộ Công Thương nên xem xét để quy hoạch từ 1 đến 2 KCN chuyên thuộc da để tập trung sản xuất và hỗ trợ trong việc xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời, Bộ Công Thương cùng các Bộ liên quan nên xây dựng một bộ quy chuẩn kỹ thuật về thuộc da cũng như tiêu chuẩn về xử lý nước thải trong sản xuất.
Những khuyến cáo trên của DN cũng phù hợp với nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại “Hội nghị phát triển ngành công nghiệp thuộc da Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế” do Bộ Công Thương tổ chức đầu tháng 3/2014, tại Hà Nội. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: “Nên xây dựng KCN thuộc da tập trung, có thể là 2 KCN, 1 khu ở miền Bắc và 1 khu ở miền Nam để tập trung các DN thuộc da vào một nơi, đồng bộ hệ thống xử lý nước thải chuyên ngành nhằm giảm chi phí sản xuất cho DN. Bộ Công Thương sẵn sàng tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để xây dựng KCN tập trung cho ngành thuộc da. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể cho lĩnh vực này”.