Giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa tại hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đều nhằm mục tiêu xây dựng hạ tầng đồng bộ để cung cấp những dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, như tiếp nhận, đóng gói, bảo quản, làm thủ tục kiểm dịch, thông quan... sẽ góp phần tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, nhất là hàng nông sản, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu.
Ngày 10/7/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu UBND các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng căn cứ nhu cầu thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh và khả năng ngân sách địa phương để xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc triển khai xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, tránh việc hàng nông sản xuất khẩu bị ép cấp, ép giá, giảm chất lượng khi chờ thông quan xuất khẩu.
Với đặc thù Lạng Sơn là địa bàn xuất nhập khẩu nông lâm, thủy sản chính của Việt Nam qua biên giới Trung Quốc, nếu dự án Khu trung chuyển hàng hóa được đưa vào thực hiện và khai thác sử dụng sẽ đem lại hiệu quả to lớn, đáp ứng mục tiêu phát triển, khai thác tối đa lợi thế là vị trí đầu mối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa, là trung tâm tiếp nhận, lưu kho, phân phối hàng hóa và container phục vụ cho các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn; là nơi kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, thông quan cho các thủ tục hải quan, gắn kết các loại công trình, dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, về quy hoạch Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 08/7/2010 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến dự án Khu Trung chuyển hàng hóa Đồng Đăng - Lạng Sơn và đang trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát, phân tích dự án để xin chủ trương thực hiện đầu tư. Về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư cấp phép thực hiện 2 dự án, gồm: dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước và dự án đầu tư xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa thuộc khu kinh tế cửa khẩu.
Với tỉnh Cao Bằng, cửa khẩu Trà Lĩnh là một trong 4 cửa khẩu của Việt Nam được lựa chọn để xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) trong tương lai sẽ là tuyến giao thông đường bộ quốc tế từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc qua cửa khẩu Trà Lĩnh đi ASEAN… Việc xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa nông, lâm, thủy sản tại cửa khẩu Trà Lĩnh sẽ rất thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa là nông sản, thủy hải sản của Việt Nam, dần dần hình thành trung tâm giao dịch thương mại quốc tế và rút ngắn được thời gian lưu thông hàng hóa nông sản, hải sản qua các cửa khẩu khác.
Kết nối đồng bộ theo hướng đơn giản hóa thủ tục
Đại diện của các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đều đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hoặc trái phiếu chính phủ để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho Khu trung chuyển. Đồng thời, đề nghị sớm xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách quản lý, kinh doanh, khai thác, quản lý phương tiện hàng hóa… đối với Khu trung chuyển.
Tại cuộc họp, đại điện các bộ, ngành thống nhất ý kiến cho rằng, hai địa phương cần làm rõ những Khu trung chuyển này có trùng lặp chức năng với các Khu kinh tế cửa khẩu khác trên địa bàn hay không; cần tính toán các hạng mục đầu tư cho phù hợp, hạng mục nào phải từ nguồn vốn ngân sách và hạng mục nào thì cần thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
Đánh giá về hai đề án, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết báo cáo của Ủy ban Nhân dân hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đã nêu rõ được về tính chất, công năng, tính khả thi và cấp thiết của hai dự án xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và cửa khẩu Trà Lĩnh - Cao Bằng. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng cần rà soát lại nội dung và làm rõ được vai trò của Khu trung chuyển hiện đại và khả năng kết nối cao của các khu trung chuyển này. Đặc biệt, cần phân tích đối chứng, so sánh số liệu vận chuyển và thông quan nông sản vào thị trường Trung Quốc một cách cụ thể hơn nữa.
Thứ trưởng cũng đề nghị hai địa phương tiếp thu, tổ chức triển khai thực hiện đề án, đồng thời làm rõ năng lực địa phương trong tổ chức thực hiện, để từ đó, có các kiến nghị liên quan đến hỗ trợ kinh phí xác đáng hơn.
Đối với doanh nghiệp quan tâm đầu tư, địa phương cũng cần cụ thể hóa với các doanh nghiệp về chính sách thu hút đầu tư..., để thống nhất sự phân định và khả năng tham gia dự án; thống nhất nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách cho phù hợp với các khu trung chuyển, kết nối đồng bộ theo hướng đơn giản hóa các thủ tục.