Khuyến cáo doanh nghiệp không tiếp tay chuyển xuất xứ thép Trung Quốc

Hiệp hội thép Việt Nam luôn khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ từ thép Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trước những quan ngại về việc thép Trung Quốc sẽ tìm đường đi vòng sang Mỹ qua Việt Nam hoặc đưa vào Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm nội địa, Hiệp hội thép Việt Nam luôn khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ từ thép Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác.

Ông Nguyễn Văn Sưa cho biết, các nước khác đánh thuế với thép Trung Quốc và họ lại tiếp tục đánh thuế triệt để hơn nữa vào việc lẩn tránh thuế thì đó thực sự là điều đáng lo ngại.

Cụ thể như tháng 6 vừa rồi, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra quyết định cuối cùng về việc chống bán phá giá và lẩn tránh thuế, chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép Việt Nam với thuế suất rất cao, tương đương với thuế suất áp cho sản phẩm thép của Trung Quốc. Cụ thể, với thép cán nguội thì cả 2 loại thép cộng lại là trên 240%; tôn mạ là trên 500%. Với thuế suất cao như thế này thì không thể nào có thể vào được thị trường của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, đáng mừng là, quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ chỉ đánh vào những mặt hàng mà Việt Nam mua các loại bán thành phẩm về để gia công thép cuộn cán nóng để sản xuất thành hàng xuất khẩu sang Mỹ. Trước đây, mặt hàng này Việt Nam chưa sản xuất được, 100% phải nhập khẩu từ nước ngoài; trong đó, có nhập của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với số lượng rất lớn, khoảng 8-9 triệu tấn/năm.

Rất may từ tháng 6/2017, khi Formosa sản xuất được mặt hàng này, Việt Nam đã có nguồn nguyên liệu để sản xuất ra thép cuộn cán nguội hay tôn mạ. Sản lượng thép cuộn cán nóng của Việt Nam năm 2017 đã đạt gần 1,4 triệu tấn và năm nay dự kiến đạt 4 triệu tấn. Do đó, với lượng xuất sang Hoa Kỳ khoảng vài trăm nghìn thì Việt Nam có thừa nguồn nguyên liệu thép cuộn cán nóng để sản xuất tôn mạ hay thép cuộn cán nguội.

Đó chỉ là vấn đề liên quan tới lẩn tránh thuế khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dẫn tới việc thép Trung Quốc mượn danh hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

"Tuy nhiên, còn có luật thương mại mở rộng ở thị trường Mỹ cho phép Tổng thống Mỹ áp thuế vào những sản phẩm nhập khẩu khi có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của nước Mỹ. Với mức áp thuế 25% , theo tôi là rất đáng ngại đối với sản phẩm thép.", ông Nguyễn Văn Sưa bày tỏ.

Nhưng do giá cả tại các thị trường khác nhau có thể sẽ khác nhau nên khoảng cách 25% không phải là rào cản lớn, mà điều đáng ngại là nước Mỹ sẽ loại trừ một số nước và đánh thuế lại một số nước thì sẽ tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh.

Ví dụ: Việt Nam phải chịu thuế mà các nước khác không phải chịu thuế thì thép của các nước có thể xuất sang Mỹ được mà Việt Nam thì không. Do đó, Hiệp hội Thép Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Chính phủ lên tiếng phản đối Mỹ về việc áp dụng điều luật này đối với các sản phẩm thép của Việt Nam nói riêng và các sản phẩm thép của các nước khác nói riêng.

Trong nửa đầu năm 2018, ngành thép đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao (khoảng 20%) so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù, Hoa Kỳ áp dụng một số quy định ngặt nghèo tới ngành thép, song những tác động chính sách chưa thấy có nhiều ảnh hưởng tới xuất khẩu thép Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sưa, tới đây, ngành thép sẽ khó tránh khỏi những ảnh hưởng và sụt giảm tỷ trọng xuất khẩu khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra./.


Tuấn Hưng