Khuyến công Thanh Hóa: Chú trọng công tác đào tạo nghề

Năm 2014, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng (Sở Công thương Thanh Hóa) tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn giúp họ đến gần hơn với những chủ trương, chính sách

Riêng năm 2013, Chương trình khuyến công địa phương của Thanh Hóa đã hỗ trợ đào tạo nghề và nâng cao tay nghề tiểu thủ công nghiệp cho 1.500 lao động địa phương: tổ chức lớp đào tạo cho 500 lao động nghề rua, móc xuất khẩu tại địa bàn xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa và xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia; Đào tạo 250 lao động nghề đan lẵng hoa, đèn lồng xuất khẩu tại địa bàn xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân; Đào tạo 250 lao động nghề đan móc hộp xuất khẩu tại địa bàn xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân; Đào tạo 250 lao động nghề mây giang xiên tại địa bàn phường Đông Sơn, Thị xã Bỉm Sơn; Đào tạo 250 lao động nghề thêu ren đính cườm xuất khẩu tại địa bàn xã Định Bình, huyện Yên Định… cùng nhiều lĩnh vực khác với tổng số vốn đầu tư lên tới chục tỷ đồng.

Đến thăm Công ty TNHH Cẩn Hoa (P. Tào Xuyên – TP. Thanh Hóa), một trong những đơn vị vừa được thừa hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ nguồn ngân sách Chương trình khuyến công quốc gia, chúng tôi mới cảm nhận hơn ý nghĩa từ đây.

 

Ông Lê Đình Cẩn (Giám đốc Công ty) luôn trăn trở tìm hướng đi cho doanh nghiệp

Ông Lê Đình Cẩn – Giám đốc Công ty hồ hởi: Công ty cám ơn Trung tâm rất nhiều! Nhờ có chính sách ấy, Công ty chúng tôi không những tiếp cận được những chính sách của Nhà nước mà công nhân tại Công ty còn được đào tạo tay nghề có bài bản, kỹ thuật. Với số lượng lao động 125 người đều được tham gia học tập trực tiếp trên 3 phần: sửa chữa và chế tạo máy trực tiếp tại công ty; sửa chữa tại hiện trường; vận hành trực tiếp trên các máy nông nghiệp.

Ông Cẩn cho biết thêm, hiện tại Công ty đang chế tạo và bán các loại máy nông nghiệp như: máy gặt, máy cấy, máy gieo xạ, máy sản xuất khay mạ… số lượng hàng 100 chiếc/năm. Đồng thời, sản xuất các phụ tùng phục vụ cho các loại máy nông nghiệp nên tất cả lao động đều phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhất định. Tuy nhiên, đối với công nhân được đào tạo ở trường nghề thì mới chỉ dừng lại ở một số máy móc cơ bản, còn máy nông nghiệp thì chưa cơ sở nào đào tạo được. Để làm tốt công việc ở đây, hầu hết chúng tôi phải đào tạo lại, gắn liền “học đi đôi với hành”.   

Cũng theo ông Cẩn: Hiệu quả của công tác đào tạo nghề đã bổ sung thêm một lực lượng lao động có tay nghề cơ bản và nâng cao cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Nhìn chung, các học viên tham gia các lớp đào tạo nghề do Trung tâm tổ chức đều rất phấn khởi vì được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chế tạo, sửa chữa, vận hành máy móc một cách thuần thục.

Song song với công tác đào tạo nghề, Trung tâm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu mối tiếp cận cơ sở để cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho người lao động sau đào tạo nghề, làm cơ sở cho việc xây dựng và hình thành các làng nghề TTCN ở địa phương

Bám sát chức năng và nhiệm vụ của mình, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động khuyến công, tạo chuyển biến tích cực cho phát triển CN-TTCN và NNNT trên địa bàn.


Văn Trường