Theo Báo cáo Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam: Dự báo cơ cấu dân số và khuyến nghị cải cách chính sách do Australian Aid và World Bank tài trợ thực hiện, tỷ số giới tính khi sinh chính thức của Việt Nam là 111,5 trong các năm 2018 - 2019, ở mức cao thứ hai trên thế giới. Như vậy, cứ 111,5 ca sinh trai mới có 100 ca sinh gái.
Hiện nay, khoảng 45.900 trẻ em gái không được sinh ra mỗi năm do lựa chọn giới tính (6,2% thai nhi nữ), trong đó gồm 43% số trẻ em gái không được sinh ra ở đồng bằng sông Hồng và 20% số trẻ em gái không được sinh ra ở miền núi và trung du Bắc bộ.
Tình trạng này sẽ gây hậu quả bất lợi nghiêm trọng. Dự đoán trong 30 năm tới, Việt Nam sẽ có khoảng 1,75 triệu đàn ông dôi dư vào giữa thập kỷ 2050. Hệ thống hôn nhân truyền thống sẽ bị ảnh hưởng do thiếu cô dâu. Tình trạng độc thân không tự nguyện tăng lên sẽ thấy rõ ở nhóm nam giới ít học, sống ở các vùng nông thôn và không có đất.
Một trong những nguyên nhân chính của chênh lệch tỷ lệ giới tính khi sinh cao là tâm lý chuộng con trai như một hình thức "bảo hiểm" phi chính thức để có chỗ nương tựa lúc tuổi già khi hệ thống an sinh xã hội còn hạn chế. Tuy tâm lý này dần thay đổi nhưng vẫn còn khá phổ biến.
Việc tăng khả năng tiếp cận và giá trị của lương hưu nhằm giảm sự phụ thuộc tài chính của người cao tuổi vào con trai được đánh giá sẽ góp phần giảm chênh lệch giới tính khi sinh.
Báo cáo đã chỉ ra bốn nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để phòng chống tâm lý chuộng con trai ở Việt Nam.
Nâng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội cho nhóm người cao tuổi
Nâng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội cho nhóm người cao tuổi có thể phòng chống tâm lý chuộng con trai ở Việt Nam. Một khảo sát năm 2015 cho thấy, phần lớn dân số Việt Nam ở độ tuổi lao động kỳ vọng Chính phủ chủ động hơn trong việc đảm bảo an ninh thu nhập cho người già, để cho họ đỡ bị phụ thuộc vào hỗ trợ của gia đình khi về hưu.
An ninh thu nhập tuổi già vẫn là quyền chưa được đáp ứng của phần lớn nhóm người cao tuổi ở Việt Nam. Phạm vi bao phủ lương hưu còn thấp vì vậy chưa đủ khả năng hỗ trợ cho dân số cao tuổi đang tăng nhanh.
Dự báo dân số Việt Nam ở độ tuổi từ 65 trở lên sẽ tăng trên gấp ba, từ 6,7% tổng dân số năm 2015 lên 21,5% năm 2050. Với dự báo cơ cấu dân số như vậy, nhu cầu phải có con trai chăm lo tuổi già dự kiến tăng lên nếu phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội không được mở rộng thực chất cho nhóm người cao tuổi.
Tăng chi cho an sinh xã hội
Ngoài khoảng cách về phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi, mức phúc lợi cũng thường không đủ sống. Cụ thể, các nhóm nghèo và có hoàn cảnh khó khăn phải đối mặt với bất ổn kinh tế ngày càng tăng.
Trong khi đó, chi hàng năm cho an sinh xã hội khá thấp, chỉ chiếm 4,3% GDP của Việt Nam (năm 2019). So với các quốc gia khác đã tìm cách giảm hoặc bình thường hóa tỷ số giới tính khi sinh, Việt Nam là quốc gia đầu tư thấp nhất cho chi an sinh xã hội tính theo tỷ lệ phần trăm GDP (4,3% ở Việt Nam so với 6,3% ở Hàn Quốc, 7,1% ở Gru-zia).
Nếu tập trung sát sao xử lý tâm lý chuộng con trai, tăng tổng chi tiêu công cho an sinh xã hội chính là cách giúp giảm áp lực gia đình phải sinh con trai nhằm hỗ trợ tuổi già. Đồng thời góp phần mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội.
Mở rộng bảo hiểm xã hội cho khu vực phi chính thức
Bảo hiểm xã hội gắn chặt với khu vực chính thức nhưng phần lớn dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động đang làm trong khu vực phi chính thức. Việc làm dễ tổn thương chiếm 52% tổng việc làm ở Việt Nam (năm 2019). Tuy nhiên, chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao phủ 0,5% khu vực phi chính thức (năm 2017).
Theo nghiên cứu, việc làm dễ tổn thương có mối quan hệ với tâm lý chuộng con trai và tỷ số giới tính khi sinh. Vì vậy, cần mở rộng bảo hiểm xã hội để bao phủ bộ phận dân số lớn hơn, cụ thể là người lao động ở khu vực phi chính thức, thông qua kết hợp các chương trình có và không có đóng góp, nhằm chống việc làm dễ tổn thương và đảm bảo bao phủ toàn dân.
Thu hẹp khoảng cách giới trong độ tuổi nghỉ hưu
Độ tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam hiện vẫn khá thấp so với chuẩn mực trong khu vực và toàn cầu. Nhiều quốc gia trong khu vực đang trong quá trình nâng tuổi nghỉ hưu.
Xét đến dân số đang già hóa nhanh và tuổi thọ khỏe mạnh tăng ở Việt Nam, hệ thống bảo hiểm xã hội nên khuyến khích người dân đóng góp cho nền kinh tế bằng cách làm việc sau độ tuổi 60 thay vì nghỉ hưu sớm.
Bên cạnh đó, cần hài hòa độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Độ tuổi nghỉ hưu nên được sửa đổi thành 62 tuổi cho cả hai giới qua đó giúp hệ thống lương hưu bền vững tài chính.