Tạp chí Annals of Internal Medicine mới đây vừa báo cáo một trường hợp bệnh nhân có một không hai trên đời. Người đàn ông 39 tuổi này bị máu nhiễm mỡ nặng đến nỗi, máu của ông ấy đặc quánh lại và biến thành một màu trắng giống như sữa.
Lẽ ra các bác sĩ đã phải bó tay với trường hợp này, khi họ không thể tiến hành lọc máu cho ông ấy. Có quá nhiều mỡ trong máu đã khiến máy lọc ở bệnh viện bị tắc, không chỉ một mà tới 2 lần.
May thay, các bác sĩ nhớ ra người Ai Cập cổ đại có một phương pháp điều trị gọi là rút máu. Trong đó, các nhà y sĩ dùng đỉa hoặc đơn giản là cắt mạch máu người bệnh để rút bớt máu trong cơ thể họ ra ngoài.
Các bác sĩ ở thế kỷ 21 đã phải sử dụng đến phương pháp 3.000 năm tuổi này để điều trị cho bệnh nhân hi hữu của họ.
Người đàn ông 39 tuổi đến Bệnh viện Đại học Cologne của Đức khám với tình trạng tăng triglyceride máu cực cao. Căn bệnh vẫn được gọi với cái tên máu nhiễm mỡ, thông thường, sẽ được điều trị bằng kỹ thuật lọc huyết tương (plasmapheresis).
Trong đó, các bác sĩ sẽ tiến hành chiết xuất huyết tương của bệnh nhân ra khỏi cơ thể, lọc bỏ chất béo dư thừa (hoặc các thành phần độc hại khác) sau đó truyền trả lại máu sạch đã được lọc cho bệnh nhân.
Nhưng với ca bệnh hi hữu này, một vấn đề đã xảy ra.
Khi các bác sĩ nối mạch máu của người đàn ông này vào máy lọc huyết tương, dòng máu với nồng độ chất béo quá cao và nhớt của ông ấy đã làm tắc máy: Không chỉ một mà tới hai lần. Họ chưa từng phải đối mặt với tình huống y tế như vậy trước đây, vì vậy các bác sĩ đã bối rối một chút.
Nồng độ triglyceride trong máu của một người bình thường sẽ thấp hơn 150 mg/dL. Mức cao được xác định từ khoảng 200 đến 499 mg/dL và 500 mg/dL được coi là 'rất cao'.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, máu của bệnh nhân người Đức đã có lượng triglyceride cao gấp 36 lần so với mức rất cao, khoảng 18.000 mg/dL.
Các bác sĩ cho biết bệnh nhân đến bệnh viện với biểu hiện buồn nôn, nôn, đau đầu và suy giảm sự tỉnh táo. Tất cả những điều này có thể là triệu chứng của hội chứng hyperviscosity, trong trường hợp nghiêm trọng còn có thể gây ra co giật và hôn mê.
Về nguyên nhân tại sao người đàn ông này lại phát triển một trường hợp triglyceride cấp tính như vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh béo phì, chế độ ăn uống, đề kháng insulin và khuynh hướng di truyền có thể là thủ phạm. Thực tế thì người đàn ông này cũng đang điều trị tiểu đường, nhưng anh ta nói không phải lúc nào cũng uống.
Đối mặt với sự thất bại trong điều trị lọc huyết tương, các bác sĩ đã phải sử dụng tới một phương pháp cổ đã bị lãng quên để mong sẽ cứu sống được bệnh nhân. Nó được gọi là phương pháp rút máu.
Phương pháp này từng được các nhà y thuật Ai Cập cổ đại sử dụng từ 3.000 năm trước. Họ tin rằng rút máu có thể tạo nên sự cân bằng của các chất dịch bên trong cơ thể, vì vậy khiến mọi người khỏe mạnh hơn.
Phương pháp này tồn tại trong y học chính thống cho đến thế kỷ 18 và 19, trước khi nó bị coi là một hình thức y học dân gian lỗi thời, giả khoa học và nguy hiểm cho bệnh nhân. Rút máu từ đó không còn được sử dụng nữa.
Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có công dụng trong những trường hợp hi hữu - chẳng hạn như để cứu mạng sống của một người đàn ông có máu bão hòa triglyceride.
Bệnh nhân 39 tuổi cuối cùng được đưa vào khu vực chăm sóc đặc biệt, nơi các bác sĩ quyết định rút 2 lít máu của ông ấy ra ngoài, sau đó truyền lại một một nguồn hồng cầu cô đặc và huyết tương tươi với dung dịch nước muối sinh lý.
Bất chấp những câu chuyện rùng rợn mà bạn nghe về rút máu, đôi khi sử dụng đến cả những con đỉa, phương thuốc cổ truyền này lại có tác dụng. Sau 5 ngày điều trị, mức triglyceride máu của bệnh nhân đã hạ xuống, anh ta không còn các triệu chứng thần kinh như báo cáo.
Các bác sĩ nói rằng trường hợp y tế kỳ lạ và chưa từng có này đã chứng minh sức sống mãnh liệt của phương pháp điều trị rút máu của người Ai Cập cổ. Suy cho cùng, đúng là tại một thời điểm nào đó, khi các dịch lỏng bên trong cơ thể bị mất cân bằng, nó có thể gây bệnh.
Rút máu vẫn có thể có một chỗ đứng, mặc dù rất khiêm tốn và lạ lẫm, trong y học thế kỷ 21 - khi không có lựa chọn nào khác có thể cứu bệnh nhân.
"Nếu không thể thực hiện lọc huyết tương do quá nhạy cảm, thì kinh nghiệm của chúng tôi chứng minh rằng việc rút truyền máu có thể là một biện pháp thay thế hiệu quả", các bác sĩ viết trong bài báo. "Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là báo cáo đầu tiên mô tả thủ tục này".