Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 23/6 tới đây, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã cổ phiếu: KBC - sàn: HoSE) sẽ trình cổ đông xem xét thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu hợp nhất 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000 đồng, lần lượt tăng gấp 6,4 lần và gấp 2,5 lần so với mức thực hiện trong năm 2022.
Kế hoạch lạc quan này dựa trên kỳ vọng Kinh Bắc sẽ bàn giao 250 ha đất khu công nghiệp (phần lớn ở Khu công nghiệp Quang Châu và Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh) và 10 ha đất ở (chủ yếu ở Khu đô thị Phúc Ninh) trong năm nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, Kinh Bắc đã cam kết cho một số khách hàng thuê 170 ha, trong đó khách hàng lớn nhất là tập đoàn sản xuất công nghệ cao Goertek vừa khởi công xây dựng nhà máy mới trên diện tích đất thuê 62,7 ha tại Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh) vào đầu tháng 5 vừa qua. Do đó sẽ có khoảng 1.850 tỷ đồng giá trị hợp đồng được Kinh Bắc dự kiến ghi nhận trong quý 2 này.
Theo SSI Research, mặc dù Kinh Bắc khá tự tin trong việc ký kết hợp đồng cho thuê đất nhưng vẫn có thể có rủi ro chậm giao đất do quá trình giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục pháp lý có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến, và như vậy có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh của công ty.
Do đó, SSI Research dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm nay của Kinh Bắc có thể đạt lần lượt 7.700 tỷ đồng và 2.700 tỷ đồng, thấp hơn so với mục tiêu của công ty. Nguyên nhân chủ yếu do SSI Research nhận định Kinh Bắc sẽ bàn giao được 186 ha đất trong năm nay, so với kế hoạch của công ty là 250 ha. Các Khu công nghiệp Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, và Tân Phú Trung sẽ là động lực tăng trưởng trưởng lợi nhuận chính cho Kinh Bắc trong năm nay.
Sang năm 2024, sau khi Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) được lấp đầy, Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (Hải Phòng) dự kiến sẽ bắt đầu tạo ra lợi nhuận cho Kinh Bắc từ năm 2024 với kỳ vọng là thủ tục pháp lý của dự án sẽ được hoàn tất trong nửa cuối năm 2023 như kế hoạch đề ra.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 13/6, cổ phiếu KBC có giá tham chiếu tại mức 27.900 đồng/cổ phiếu.
Hiện mảng kinh doanh khu công nghiệp của Kinh Bắc được nhận định có triển vọng tích cực khi hầu hết các dự án đang và sắp triển khai của công ty đều tọa lạc tại các trung tâm khu công nghiệp trọng điểm ở miền Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên). Đây đều là những khu vực đang được hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu thuê đất tại các khu vực này chủ yếu đến từ những nhà sản xuất công nghệ cao có tiềm năng tăng trưởng vững chắc hơn so với các ngành khác như hàng tiêu dùng nhanh, dệt may xuất khẩu, da giày…
Tuy nhiên, SSI Research cũng lưu ý hoạt động phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam nói chung và của Kinh Bắc nói riêng có thể đối mặt những rủi ro như nhu cầu toàn cầu suy yếu, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chi phí lao động cao hơn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thiếu cơ sở hạ tầng.
Về quỹ đất công nghiệp, tính đến cuối năm 2022, Kinh Bắc đang nắm 6.387 ha tổng diện tích đất trên toàn quốc, chiếm 5,2% tổng diện tích đất của các khu công nghiệp đã thành lập trên toàn quốc. Trong năm 2022, Kinh Bắc đã tạo lập được quỹ đất công nghiệp mới lên đến 1.120 ha ở hai dự án tại Long An (Khu công nghiệp Lộc Giang và Tân Tập) và được phê duyệt mở rộng Khu công nghiệp Quang Châu.
Ngoài việc cho thuê đất, công ty cũng kỳ vọng các khu công nghiệp đã lấp đầy sẽ tiếp tục tạo ra doanh thu định kỳ ổn định từ dịch vụ quản lý và cung cấp tiện ích.