Mặc dù tiêu dùng tăng mạnh…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại dịch vụ trong 4 tháng đầu năm nay tiếp tục xu hướng tăng khá, thị trường giá cả ổn định, cân đối cung cầu các loại vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015 trở về đây. Cụ thể, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng các năm 2015-2019 lần lượt là: 10,7%; 10%; 10%; 11,3%; 11,9%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2019 ước tính đạt 400 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 306,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 13,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 47,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% và tăng 9,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và tăng 13,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 42,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 6,8%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,9%).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng và tốc độ tăng, ước tính đạt trên 1, 2 triệu tỷ đồng, chiếm 76,8% tổng mức và tăng khá với mức tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 187,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng mức và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Quảng Ninh tăng 15,2%; Đà Nẵng tăng 14,4%; Cần Thơ tăng 13,8%; Hải Phòng tăng 13,5%; Lào Cai tăng 11,9%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 11,2%; Gia Lai tăng 10,4%; Hà Nội tăng 9%.
Doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng ước tính đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Quảng Ninh tăng 33,6%; Khánh Hòa tăng 16,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 11,9%; Lâm Đồng tăng 11,3%; Cần Thơ tăng 11%; Thái Nguyên tăng 10,1%; Hà Nội tăng 8,4%.
… CPI vẫn chỉ tăng nhẹ
Trong bối cảnh gia tăng chi tiêu trên thị trường nội địa thì CPI lại có diến biến ngược chiều. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2017-2019 lần lượt là: 4,8%; 2,8%; 2,71%.
Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 4/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 4,29%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/4/2019 và thời điểm 17/4/2019 (tác động làm CPI chung tăng 0,41%); giá vé tàu hỏa tăng 2,76% do nhu cầu đi lại vào dịp nghỉ lễ Giỗ tổ và nghỉ lễ 30/4-1/5.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,6%[16]; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; giáo dục tăng 0,05% do chỉ số giá nhóm sách giáo khoa tăng 0,76%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%.
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,57%, trong đó lương thực giảm 0,39% chủ yếu do giá gạo xuất khẩu giảm; thực phẩm giảm 0,87% do giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm giảm; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.