Theo Liên Bộ Tài chính - Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/7/2023-1/8/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Dự trữ dầu đang bắt đầu giảm ở một số khu vực do nhu cầu vượt quá nguồn cung bị hạn chế bởi việc cắt giảm sản lượng sâu của nhà lãnh đạo OPEC Ả rập Xê út, triển vọng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc và kỳ vọng tăng kích cầu ở Trung Quốc đóng vai trò lớn nhất trong đà tăng giá dầu thời gian gần đây…, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 21/7 đến 1/8 liên tục có biến động tăng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/7/2023 và kỳ điều hành ngày 01/8/2023 là: 99,689 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 6,569 USD/thùng, tương đương tăng 7,05% so với kỳ trước); 105,339 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,419 USD/thùng, tương đương tăng 6,49% so với kỳ trước); 106,026 USD/thùng dầu hỏa (tăng 8,414 USD/thùng, tương đương tăng 8,62% so với kỳ trước); 108,716 USD/thùng dầu diesel (tăng 9,176 USD/thùng, tương đương tăng 9,22% so với kỳ trước); 501,251 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 30,010 USD/tấn, tương đương tăng 6,37% so với kỳ trước).
Theo đó, kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; tiếp tục không chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95-III và dầu mazut 180CST 3,5S; chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu diesel 0.05S và mặt hàng dầu hỏa.
Cụ thể, Liên Bộ chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 400 đồng/lít; đối với mặt hàng dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít.
Như vậy, giá xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường từ ngày 1/8/2023 như sau:
Giá xăng E5RON92 tăng 1.152 đồng/lít, ở mức không cao hơn 22.791 đồng/lít;
Giá xăng RON95-III tăng 1.171 đồng/lít, ở mức không cao hơn 23.963 đồng/lít;
Giá dầu diesel 0.05S tăng 1.112 đồng/lít, ở mức không cao hơn 20.612 đồng/lít;
Giá dầu hỏa tăng 1.081 đồng/lít, ở mức không cao hơn 20.270 đồng/lít;
Giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 806 đồng/kg, ở mức không cao hơn 16.531 đồng/kg.
Trước đó, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã phát đi thông báo chính thức về việc sẽ tiến hành triển khải bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần thứ nhất vào ngày 25/8/2023, dự kiến kéo dài 55 ngày.
Trong thời kỳ bảo dưỡng, các phân xưởng của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tạm dừng hoàn toàn các hoạt động sản xuất.
Theo kế hoạch năm 2023, nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ bảo dưỡng trùng thời gian với Nghi Sơn. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu trong nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (công ty mẹ) đã cho phép Lọc hoá dầu Bình Sơn lùi thời gian bảo dưỡng sang đầu năm 2024.
Đáng chú ý, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt Dự án Nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất điều chỉnh, tạo tiền đề để Lọc hoá dầu Bình Sơn triển khai dự án trong thời gian tới. Đây sẽ là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn, thúc đẩy doanh thu cũng như cải thiện khả năng sinh lời của công ty thông qua việc nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị cao sau khi đi vào hoạt động từ quý I/2028.