Sông Đồng Nai như con rắn khổng lồ
ẩn hiện băng qua núi đồi, các bãi bồi xanh ngô, mì, các vườn cây trái, nương
khoai, rồi đột nhiên vươn mình cắt ngang tạo nên ranh giới tự nhiên bên này là
khu dân cư, bên kia là Vườn quốc gia Cát Tiên.

Vườn quốc gia Cát Tiên rộng 71.920 ha qua địa phận ba tỉnh: Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, được coi là vùng còn giữ nguyên hệ sinh thái đa dạng với nhiều sinh vật quý hiếm trong sách đỏ, bảo lưu nhiều dấu tích văn hoá xưa. Từ cửa sông Đồng Nai, dọc dài hai bờ là những cánh rừng già nhiều tầng, lớp soi mình trên sông. Ngược về đầu nguồn, trong vô số điểm nhấn mang tính sử thi là phế tích của Vương quốc Phù Nam 1.300 năm trước. Đến nay và nhiều năm sau nữa vẫn là một di chỉ nhiều bí ẩn, thu hút các nhà khảo `cổ khi báu vật và huyền thoại từ ngàn năm trước cùng tầng tầng lớp lớp các nền văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn được dấu kín bởi vương quốc Phù Nam trải dài từ ấn Độ - Miến Điện qua Indonesia - Philippines - Nam Việt Nam - Campuchia - Thái Lan - Nam Trung Quốc với nền văn hóa Óc Eo có từ khoảng thế kỷ thứ hai sau công nguyên.
Trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ, Cát Tiên là một phần của
Chiến khu Đ huyền thoại được dệt
nên bởi đồng bào dân tộc Stiêng và Châu
Mạ trong kháng chiến và bảo tồn những tập quán văn hóa bản địa như cà răng căng tai, rèn sắt, dệt vải thổ
cẩm. Lễ hội đâm trâu ngập tràn bầu không khí linh thiêng, huyền bí hoang sơ
trong tiếng cồng, tiếng chiêng, khèn môi, khèn bầu, đàn tre... trầm, bổng và
những điệu múa nhịp lao đâm trâu hoang dại để nhớ về ngàn xưa, với tổ tiên, mùa màng. Bên ché rượu
cần nồng nàn hương thơm lúa Mẹ, quanh bếp lửa bập bùng trong ngôi nhà dài là
dịp để hiểu về tính cộng đồng huyết thống được tính theo họ mẹ, sẽ hiểu thêm những
truyền thuyết về dòng giống, tộc người.

Đến Cát Tiên, con người bỗng bé nhỏ dưới những cội tùng khổng lồ, cây bằng lăng cổ thụ sáu ngọn, cây thiên tuế 400 năm tuổi, các loài gỗ đỏ, giáng hương, gỗ mật, cẩm xe, cẩm lai, rừng tre nứa, cùng hàng trăm loài hoa đua nhau khoe sắc để nhận ra rằng sự tồn sinh nhiều khi thật đến mộc mạc.
Bầu Sấu là điểm thú vị của hành trình với nhiều loài cá và các loài lưỡng cư cộng sinh: Cá lóc khổng lồ, cá sấu đàn, trăn nước,… mặt hồ tĩnh lặng, đáy nước xanh biếc in bóng đại ngàn, trời mây. Trảng là nơi quần cư của hàng trăm loại chim nước, công, trĩ, cò, ngỗng trời, bói cá, gà lôi, sếu, mòng két... Từ bờ đầm có thể chèo thuyền lượn theo những gò núi phủ cây xanh, cứ chiều chiều chim chóc rủ nhau bay về tổ, mỗi loài phô bày một vẻ đẹp riêng, tạc vào không gian những bức tranh động mà thanh bình, yên ả. Bầu Sấu còn huyền hoặc sự tích những nàng tiên vì mê vẻ đẹp nơi đây nên mỗi sớm mai bỏ tiên cảnh hạ trần để tắm mát, nô đùa. Đêm ở đây xuống rất nhanh, đêm của núi rừng thẫm đen trong xạc xào lời lá hòa cùng tiếng côn trùng nỉ non hợp thành dàn hợp xướng bình yên ru ta vào giấc ngủ.

Còn không, cùng một vài người vào cuộc ngắm thú ăn đêm, một thú vui không thể bỏ qua của bất kì ai một lần đến đây, cảm giác được nhìn ngắm những con hươu, thỏ say đèn, lắng tai nghe tiếng động của bò rừng, chồn bay, báo gấm, cầy mực, chó sói, Voọc ngũ sắc, sóc bay bụng đỏ,…nếu may mắn, sẽ “mục sở thị” quần thể tê giác Java được coi là biểu tượng của Vườn quốc gia Cát Tiên. May mắn, bởi chỉ vườn quốc gia Cát Tiên và Vườn quốc gia Ujung Kulon tận xứ Java, Indonesia là miền đất yên lành cho loài tê giác một sừng sinh tồn.