Tín dụng lấy lại đà hồi phục nhưng NIM có thể tiếp tục giảm nhẹ
Dữ liệu cho thấy hoạt động tín dụng của Ngân hàng TMCP Á Châu (Ngân hàng ACB, mã cổ phiếu ACB – sàn HoSE) đang dần lấy lại đà hồi phục sau khi giảm tốc trong quý 1/2023. Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2023, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này là 4,9% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng mảng khách hàng cá nhân là 3,3%, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là 6,1%, và khách hàng doanh nghiệp lớn là 11,5%.
Theo ban lãnh đạo Ngân hàng ACB, mặc dù tín dụng tăng trưởng chậm trong 2 tháng đầu năm nhưng đã tăng tốc trở lại với mức tăng lũy kế 7% trong 4 tháng gần nhất. Mảng khách hàng cá nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trước tác động của nền kinh tế và động lực tăng trưởng chính tập trung chủ yếu vào phân khúc doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may đầu ngành.
Với room tín dụng mới được cấp 14,5%, so với hạn mức Ngân hàng Nhà nước cấp ban đầu là 9,7%, ban lãnh đạo Ngân hàng ACB kỳ vọng trong thời gian tới, tín dụng sẽ tăng tốc mạnh mẽ và ngân hàng sẽ hoàn thành hạn mức được giao. Tuy nhiên, Ngân hàng ACB nhấn mạnh vẫn đặt sự thận trọng lên hàng đầu và sẽ mở thêm các chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.
Trong quý 2 vừa qua, tỷ lệ NIM (thu nhập lãi thuần) của ngân hàng này đạt 4,3%, giảm nhẹ 3 điểm phần trăm cơ bản so với quý 1/2023, nhưng vẫn cao hơn tới 21 điểm phần trăm cơ bản so với quý 2/2023.
Ban lãnh đạo Ngân hàng ACB cho rằng NIM của ngân hàng này sẽ tiếp tục giảm nhẹ 0,1% - 0,2% trong những quý tiếp theo do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Chi phí vốn bình quân của Ngân hàng ACB hiện giảm khá chậm do CASA (tiền gửi không kỳ hạn) vẫn chưa phục hồi.
Huy động có kỳ hạn chuyển từ ngắn sang kỳ hạn trên 6 tháng. Trong khi đó, Ngân hàng ACB có thị phần huy động lớn và vẫn phải neo lãi suất. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tốc độ giảm lãi suất huy động đã nhanh hơn, tốc độ trung bình giảm 0,3%/tháng.
Chất lượng tài sản Ngân hàng ACB giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức tốt
Trong bối cảnh, xu hướng nợ xấu toàn ngành tăng mạnh nhưng Ngân hàng ACB đang cho thấy có sự kiểm soát tốt hơn. Nợ xấu trong quý 2/2023 của nân hàng này mặc dù tăng lên mức 1,06% (chủ yếu do một khách hàng phát sinh nợ xấu CIC từ ngân hàng khác), nhưng nợ xấu nội bảng Ngân hàng ACB vẫn được giữ ở mức 0,96%.
Hiện ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng khoản chi phí này sẽ được hoàn nhập và tỷ lệ nợ xấu vẫn dưới 1% trong quý 3/2023 và cả năm nay. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Ngân hàng ACB vẫn duy trì trên 100%, đạt 107%, nhưng mức này vẫn thấp hơn thời điểm đầu năm nay và cuối quý 1/2023.
Bên cạnh đó, thu nhập dịch vụ của Ngân hàng ACB đang có sự cải thiện đáng kể. Mảng thẻ tiếp tục mở rộng và trở thành động lực tăng trưởng chính của thu nhập dịch vụ. Doanh thu mảng này trong quý 2 vừa qua đã tăng tới 42,7% so với quý 2/2022 và tăng 68,2% so với quý 1/2023.
Trong khi đó, mặc dù mảng banca có phần chậm đi do ảnh hưởng từ những động thái chấn chỉnh thị trường này của Bộ Tài chính nhưng Ngân hàng ACB đã ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ từ quý 2/2023 với tăng trưởng đạt 17,4% so với quý 1/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng ACB có doanh số banca đứng đầu thị trường ngân hàng Việt Nam. Đặc biệt, ngân hàng này luôn có tỷ lệ K2 (tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ hai) ở mức cao trên thị trường.
Trong năm 2023, ban lãnh đạo Ngân hàng ACB cho rằng thu nhập từ mảng banca có thể không đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Về vấn đề hạch toán của Sunlife, ban lãnh đạo cho biết không ảnh hưởng trọng yếu đến ngân hàng.
Ngân hàng ACB cũng là ngân hàng hiếm hoi trên thị trường có danh mục đầu tư trái phiếu rất an toàn, chỉ bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu các tổ chức tín dụng khác, không có trái phiếu doanh nghiệp.
Hiện Bảo Việt Securities dự phóng, trong năm nay, Ngân hàng ACB sẽ ghi nhận thu nhập lãi vay 45.590 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 19.537 tỷ đồng. Ngân hàng ACB hiện đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 ở mức 20.058 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/8, cổ phiếu ACB đạt 22.900 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu ACB đã tăng gần 25%.
Đáng chú ý, sau khi lên đỉnh cao nhất 23 tháng trở lại đây vào ngày 4/8, cổ phiếu ACB đã chịu áp lực điều chỉnh và đang có dấu hiệu cân bằng quanh vùng giá 23.000 đồng/cổ phiếu.