Từ những cuộc “giải cứu”…
Cách đây hơn 10 năm, nhưng chắc hẳn nhiều người còn nhớ, vào một ngày Chủ nhật, 27 tháng 4 năm 2008, đã xảy ra cảnh ồ ạt, chen nhau mua gạo tại một số khu vực tại TP. Hồ Chí Minh. Sau này điều tra ra mới biết, do khủng hoảng thiếu gạo trên thế giới nên nhiều doanh nghiệp nước ta không kinh doanh gạo, thậm chí là nhà đầu tư chứng khoán, cũng nhảy vào đầu cơ gạo, gây ra sự cố nói trên.
Trong thế nước sôi lửa bỏng đó, Saigon Co.op đã nhanh chóng lên tiếng phản hồi rằng, đã có kế hoạch dự trữ; đồng thời đang đàm phán với 10 nhà cung cấp lớn đảm bảo đủ lượng gạo cung cấp cho người tiêu dùng với mức giá bình ổn. Động thái này đã góp phần làm hạ nhiệt giá gạo trên địa bàn và dập tắt tin đồn khan hiếm gạo làm tăng giá.
Nhiều người bảo, đây không phải là lần duy nhất “Lục Vân Tiên” - Saigon Co.op ra tay giải cứu hàng Việt trong những lần khủng hoảng thiếu, khủng hoảng thừa. Tháng 4 năm 2015, khi hành tím rớt giá, ùn ứ tại tỉnh Sóc Trăng, Saigon Co.op đã ký kết bao tiêu hơn 100 tấn củ hành tím với giá thu mua cao hơn thương lái, giúp nông dân có lãi. Bên cạnh thu mua sản phẩm này, Saigon Co.op còn hỗ trợ các hộ nông dân trưng bày bán giá không lãi cho mặt hàng hành tím trong hệ thống của mình tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra và Co.op Food.
Với hệ thống phân phối rộng khắp, Saigon Co.op sẵn sàng lên kế hoạch hỗ trợ nông dân Bắc Giang, Hải Dương tiêu thụ hàng trăm tấn trái vải tươi mỗi năm. Nguồn trái vải này do Saigon Co.op ký kết với các đầu mối uy tín thông qua đề xuất của Sở Công thương và Sở NN&PTNN của 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương và không tính thêm bất cứ khoản chiết khấu nào để giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng là giá tốt nhất trên thị trường. Đặc biệt, Co.opmart sẽ đầu tư ngân sách giảm giá mạnh thêm 20% cho mặt hàng này trong Tháng tiêu dùng xanh để đẩy mạnh sức mua.
Tháng 3 năm nay là cuộc “giải cứu” số lượng lớn, trên dưới 500 tấn nông sản của nông dân đang có nguy cơ ùn ứ tại một số tỉnh phía bắc. Chiến dịch giải cứu diễn ra liên tục, chỉ trong 2 ngày đầu tiên đã thu mua hàng chục tấn củ cải trắng của nông dân Mê Linh, Vĩnh Phúc; tiếp theo đẩy nhanh sức tiêu thụ cho 3 loại nông sản cũng có nguy cơ tồn đọng là su hào, cà rốt và bắp cải trắng tại Hải Dương. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng vận chuyển các loại nông sản này vào các siêu thị Co.opmart tại khu vực miền Trung và TP. Hồ Chí Minh để tăng sức mua, đảm bảo bán ra tối thiểu từ 15 - 20 tấn các loại nông sản này mỗi ngày.
… đến sứ mệnh lịch sử
Những cuộc giải cứu cho thấy trách nhiệm cộng đồng của một doanh nghiệp phân phối, nhưng lần theo lịch sử còn hé lộ mối “duyên nợ” giữa Saigon Co.op với hàng Việt ngay từ buổi ban đầu. Năm 1996, khi siêu thị Co.opmart đầu tiên ra đời tại đường Cống Quỳnh, TP. Hồ Chí Minh, để cạnh tranh với những siêu thị chủ yếu bán hàng ngoại nhập lúc bấy giờ, Saigon Co.op đã đặt những viên gạch nền tảng đầu tiên, xác định chiến lược trở thành nhà phân phối hàng Việt Nam.
Thực hiện chiến lược đó, Co.opmart hợp tác với cùng các nhà cung cấp tổ chức chương trình “Người tiêu dùng và hàng Việt Nam chất lượng cao” được tổ chức vào tháng 9 hàng năm. Đến năm 2009, khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, Saigon Co.op nhanh chóng vào cuộc với nhiều chương trình cụ thể.
Ngay từ buổi đầu tiên, Saigon Co.op đã nhận lãnh sứ mệnh lịch sử “Làm cầu nối và là người bạn đồng hành của hàng Việt với người tiêu dùng Việt”. Trong suốt quá trình phát triển, Saigon Co.op liên tục thực hiện và đẩy phương châm “nội địa hóa” lên một tầm cao mới như dành nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp Việt có hàng hóa đảm bảo chất lượng vào hệ thống bán lẻ của mình; ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày; hỗ trợ quảng bá sản phẩm mới của doanh nghiệp; thực hiện đầu tư hoặc hỗ trợ vốn, kỹ thuật để doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ mới… nhằm tới mục tiêu cao nhất là hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt quảng bá và phân phối hàng Việt tới tay người tiêu dùng.
Cùng với những hỗ trợ cụ thể, Saigon Co.op tham gia nhiều chương trình mang tính xã hội hóa cao; nổi bật là các chương trình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như Tháng tự hào hàng Việt, Tết Việt gắn kết mọi nhà. Cùng với đó, Saigon Co.op thường xuyên tham gia các chương trình bình ổn thị trường do Bộ Công Thương phát động; tổ chức chuỗi hoạt động mang tên “Chuyến xe hàng Việt” trên khắp mọi miền của Tổ quốc; các chuyến bán hàng lưu động về khu công nghiệp, khu chế xuất…
Những chương trình nói trên không chỉ tạo điều kiện cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận sản phẩm thương hiệu Việt, được mua sắm và hưởng các dịch vụ chăm sóc khách hàng có chất lượng, giá cả hợp lý, mà còn giúp Saigon Co.op hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng, từ đó điều chỉnh cơ cấu hàng hóa thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn.
Sứ mệnh “Làm cầu nối và là người bạn đồng hành của hàng Việt với người tiêu dùng Việt” của Saigon Co.op cho đến nay được doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng đánh giá cao. Để làm được điều đó, Saigon Co.op trong 28 năm hoạt động của mình đã kiên trì phát triển 2 điều kiện cơ bản.
Điều kiện thứ nhất là kênh phân phối, được thực hiện trên hai hướng. Ở chiều rộng, Saigon Co.op phát triển trên 500 điểm bán lẻ, đa dạng hóa các mô hình phân phối nhằm phủ kín các phân khúc tiêu dùng, bao gồm 98 siêu thị Co.opmart, 3 đại siêu thị CoopXtra, TTTM quy mô lớn SC VivoCity, hơn 260 cửa hàng thực phẩm Co.opFood, hơn 200 cửa hàng Co.op, 3 TTTM Sense City và kênh bán hàng qua truyền hình HTVCo.op. Mạng lưới dày đặc này thu hút trên 200 ngàn khách hàng tham quan, mua sắm mỗi ngày, tức khoảng 80 triệu mỗi năm!
Ở chiều sâu, Saigon Co.op tự sản xuất hàng trăm sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh dưới thương hiệu Co.opmart, trong phân khúc hàng tiêu dùng như bột giặt, nước rửa chén... Ngoài ra, từ năm 2016, Saigon Co.op đưa vào hoạt động hệ thống cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile. Đây là hình thức liên kết, đầu tư, biến cửa hàng tạp hóa thành đại lý bán lẻ hiện đại với phương thức nhượng quyền; từ 2017 là hệ thống Co.opmart Finest, một mô hình thương mại điện tử kết nối đa phương tiện với các hình thức mua sắm khác.
Điều kiện thứ hai là Saigon Co.op đã xây dựng được chuỗi cung ứng hiệu quả. Trong chuỗi đó phân định rõ ràng vai trò đóng góp của từng thành viên, tương ứng với từng phần lợi nhuận được hưởng một cách hợp lý để cuối cùng có được giá bán hợp lý nhất đến tay người tiêu dùng.
29 năm qua, từ một HTX nhỏ, đến nay Saigon Co.op đã trở thành nhà bán lẻ dẫn đầu trong nước và nằm trong nhóm 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương nhiều năm liền; từ một siêu thị Co.opmart ở đường Cống Quỳnh với 1.000 lượt khách mua sắm, đến nay Saigon Co.op phát triển thành các chuỗi bán lẻ rộng khắp, hàng ngày đón tiếp trên 200 ngàn lượt khách hàng tới mua sắm; và điều quan trọng nhất, sứ mệnh “Làm cầu nối và là người bạn đồng hành của hàng Việt với người tiêu dùng Việt” được hình thành từ buổi đầu thành lập có thể nói đã thành công, lan tỏa thông điệp tình yêu hàng Việt đến mọi miền của Tổ quốc, với tỷ lệ hàng Việt chiếm 90-95% trong cơ cấu hàng hóa trong toàn bộ hệ thống bán lẻ Saigon Co.op.