Làm gì để 50% cơ quan nhà nước phải công khai mức độ hài lòng của người dân?

Nghị quyết 17/NQ-CP yêu cầu tối thiểu có 50% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Mục tiêu bao trùm của Nghị quyết 17 về phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 gồm: Hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025.

a
Người dân làm thủ tục qua hệ thống điện tử tại UBND Quận Hoàn Kiếm

 

Ngoài ra, có một loạt chỉ tiêu cụ thể được lượng hóa:

  1. 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
  2. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng bộ, ngành, địa phương đạt từ 20% trở lên.
  3. Tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
  4. 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
  5. Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4.
  6. 50% Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh cung cấp giao diện cho các thiết bị di động.
  7. 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp.
  8. 50% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
  9. 100% Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ.
  10. 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính.
  11. 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử.
  12. 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến.
  13. 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp…

Để thực hiện mục tiêu bao trùm và các tiêu chí cụ thể, Chính phủ đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm: 1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; 2. Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới; 3. Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; 4. Xây dựng Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; 5. Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử; 6. Thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi.

Vũ Lân