Trong những ngày lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước tưng bừng tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống, tôi có dịp được trò chuyện cùng ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng cục Quản lý thị trường) để ôn lại kỷ niệm những ngày tháng cũ.
Người cán bộ tận tuỵ, nghĩa tình
Nguyên Phó Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự, ông là người Nam Định nhưng lại có duyên gắn bó với Quảng Ninh, xây dựng gia đình và lập nghiệp tại chính mảnh đất này, vì vậy, Quảng Ninh như quê hương thứ hai của ông. Nơi đây, ông đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ với nghề, rèn luyện bản lĩnh và trở thành một cán bộ QLTT cương trực, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của lực lượng cũng như của ngành Công Thương.
Theo dòng hồi tưởng của nguyên Phó Cục trưởng, những ngày đầu của QLTT tại Quảng Ninh khó khăn vô cùng vì tất cả chỉ là số không: không trụ sở, không phương tiện, thiếu nhân sự trầm trọng.... Thế nhưng, ông cứ từng bước, từng bước kiếm tìm, lựa chọn. Thời gian sau, cơ sở vật chất và con người cũng dần ổn định, ông đã cùng đồng nghiệp gây dựng lực lượng tại Quảng Ninh ngày càng lớn mạnh; công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn ngày càng đạt kết quả, nhiều vụ buôn lậu được phát hiện, xử lý, tạo ấn tượng tốt đối với người dân và chính quyền địa phương.
Có một câu chuyện tôi rất ấn tượng vì ở đó vừa toát lên chân dung người cán bộ QLTT chính trực, nghiêm minh lại vừa nghĩa tình, sâu sắc. Theo lời kể của ông Hùng, năm 1994, tàu của Đội QLTT số 2 trong một lần đi tuần tra đã phát hiện tại khu vực biển Cửa Vành có một tàu nghi buôn lậu. Khi phát lệnh kiểm tra nhưng đối tượng bỏ chạy, không chấp hành, Đội QLTT số 2 phải truy đuổi ngang Cẩm Phả mới bắt được và đưa về Vân Đồn xử lý. Hàng hóa vi phạm là sắt phế liệu, thuộc diện cấm xuất khẩu, đang trên đường buôn lậu sang Trung Quốc. Nếu đối tượng chỉ là những người bình thường thì vụ việc khá đơn giản, thế nhưng, khó khăn ở chỗ, chủ lô hàng đã thuê thương binh nặng vận chuyển bằng phương tiện thanh lý nhưng vẫn mang biển của cơ quan chức năng. Vậy là, sai phạm của vụ việc ở đối tượng vận chuyển và phương tiện vận chuyển.
Trăn trở, suy tư rất nhiều về vụ việc, song ông Hùng xác định, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc công vụ - tịch thu lô hàng lậu theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, làm thế nào để không đẩy những thương binh nặng (là những người thuộc diện có công cách mạng nhưng bị đối tượng buôn lậu lợi dụng) vào hoàn cảnh cùng đường? Sau nhiều lần cân nhắc, nguyên Phó Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã tham mưu tỉnh xem xét một số giải pháp để hỗ trợ thương binh. Chính nhờ cách xử lý vừa nghiêm minh, vừa nhân văn này, ông đã khiến những thương binh tâm phục khẩu phục. Về sau, ông rất vui khi biết tin những thương binh ngày nào đã bỏ việc vận chuyển hàng lậu thuê, cũng không ở Trại thương binh cũ nữa, mà trở về với gia đình, sống cuộc đời bình dị.
“Làm Quản lý mà không đi kiểm tra thì không gọi là quản lý”
Đó là lời căn dặn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười mà nguyên Phó Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hùng luôn tâm niệm và coi đó là kim chỉ nam trong suốt quá trình thực thi công vụ của mình.
Nguyên Phó Cục trưởng kể lại, đến địa phương nào, ông thường đi kiểm tra thực tế rồi mới về làm việc với Lãnh đạo địa phương. Với các tỉnh biên giới, ông luôn ra tận cửa khẩu, những “điểm nóng” ở đường mòn, lối mở, ở vành đai biên giới để kiểm tra. Hàng loạt “điểm nóng” buôn lậu qua biên giới trước đây ở Lạng Sơn như Cổng Trắng, Hang Dơi, Thác Ném, Tân Thanh, Gốc Nhãn, Gốc Bưởi… trong ngành, ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng dám tới tận nơi. Nguyên Phó Cục trưởng lại xác định - đó là những nơi phải đến.
Có lần đi kiểm tra công tác chống buôn lậu ở tuyến biên giới Lạng sơn, ông đã vào Thác Ném để “mục sở thị” tình hình buôn lậu tại đây. Lúc đó, ông chứng kiến những “cửu vạn” đang mang vác các kiện hàng vội dừng lại quan sát, nghe ngóng với thái độ hết sức cảnh giác, có người vác hàng quay ngược trở lại. Khi chỉ thấy có một người xuất hiện và không có dấu hiệu gì khác, mọi hoạt động lại nhanh chóng trở lại bình thường. Tuy đối diện với nguy hiểm, nhưng ông chấp nhận vì chỉ có đến tận nơi, nhìn tận mắt, mới có cái nhìn thực tế về tình hình buôn lậu đang diễn ra phức tạp trên tuyến này như thế nào, từ đó, có những đánh giá và hành động phù hợp.
Lời dạy của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và những bài học của thế hệ trước chắn chắn sẽ còn nguyên giá trị, giúp những cán bộ QLTT hôm nay hiểu nghề, yêu nghề, từ đó, có những định hướng đúng đắn.
Sau 5 năm công tác trong lực lượng ở Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng được Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) điều động về làm Phó Cục trưởng Cục QLTT (nay là Tổng cục QLTT) và gắn bó thêm 10 năm cho đến khi nghỉ hưu.
Nguyên Phó Cục trưởng cho biết, ông được giao nhiệm vụ soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 31/1999/CT-TTg về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả; sau đó, tổ chức Hội nghị triển khai và tuyên truyền về Chỉ thị 31 thông qua việc tổ chức Triển lãm Hàng thật – Hàng giả (từ năm 2001-2006). Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và tham gia của nhiều doanh nghiệp, trong đó, có cả doanh nghiệp FDI. Nhiều Chi cục đã vận chuyển hàng giả là hiện vật các vụ kiểm tra để trưng bày tại Triển lãm, nhờ đó, có tác dụng cảnh báo rất cao đối với người tiêu dùng.
“Tôi luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ”
Đến cuối câu chuyện, người cán bộ QLTT bày tỏ: “Tôi luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, những người tiếp bước thế hệ chúng tôi trong công việc đầy vẻ vang nhưng cũng đầy thách thức. Niềm tin ấy có cơ sở khi chứng kiến những kết quả hàng năm Tổng cục Quản lý thị trường đạt được. Tôi tin tưởng rằng các chiến sỹ lực lượng QLTT ngày nay không chỉ có trình độ chuyên môn giỏi mà phẩm chất cũng trong sáng, bản lĩnh cũng vững vàng để hoàn thành nhiệm vụ đầy thách thức nhưng cũng đầy vẻ vang mà Đảng và Nhân dân giao”.
Ở góc độ Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, “Tôi nhìn nhận rất rõ những gì lực lượng QLTT làm được đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, những kết quả đó góp phần vào việc chống thất thu cho ngân sách, xây dựng một thị trường lành mạnh, bảo vệ quyền lợi cho những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Suốt mấy tiếng đồng hồ trò chuyện, nguyên Phó Cục trưởng như giở lại từng trang nhật ký của cuộc đời. Có những vụ việc, ông nhớ từng biển xe, từng chi tiết nhỏ của vụ việc; có lúc lật giở từng tấm ảnh kỷ niệm, ông lại chỉ tên từng người và kể về đồng nghiệp cũ … Cũng có khi, giọng ông nghẹn lại, có người đã mất rồi, có chi tiết cũng không nhớ nổi, thế nhưng, tất cả vẫn vẹn nguyên cảm xúc.
Chúng tôi là những cán bộ trẻ, thực sự rất khó để hiểu hết được những vất vả, gian truân, những thiếu thốn và cả những hiểm nguy của công tác QLTT trước đây; thế nhưng, qua lời kể của nguyên Phó Cục trưởng, chúng tôi thấy thực sự xúc động.
Câu chuyện và những lời tâm tình của hai thế hệ dường như không có hồi kết, lưu lại trong tôi ấn tượng khó quên. Đó như lời bộc bạch chân tình của người cha, người chú khi kể về chặng đường khó khăn, vất vả nhưng đầy vinh quang của người “chiến sỹ” lặng thầm gìn giữ sự bình yên cho thị trường. Với tấm lòng tri ân sâu sắc, thế hệ trẻ của lực lượng QLTT chắc chắn sẽ khắc ghi những bài học và lời dạy của thế hệ trước, tự nhủ bản thân xứng đáng với kỳ vọng, để vững vàng đón nhận trọng trách, hướng tới xây dựng lực lượng “Chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại”.