Làm thế nào để cải thiện sức khỏe đất tại Đồng bằng sông Cửu Long

Sự suy thoái đất đai ở vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân, trong đó, phát thải khí nhà kính làm trái đất nóng lên là một trong những nguyên nhân chính.

Theo các chuyên gia, đất đai Đồng bằng sông Cửu Long đang suy kiệt nghiêm trọng. Cường độ canh tác cao, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật khiến đất mất dần độ màu mỡ, hệ vi sinh vật suy giảm. Nếu không sớm phục hồi, nguy cơ suy thoái đất kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của nông dân, an ninh lương thực quốc gia và sự phát triển bền vững của toàn vùng.

Sự suy thoái đất đai ở vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân,  trong đó, phát thải khí nhà kính làm trái đất nóng lên, băng ở hai cực trái đất tan ra cộng với thể tích nước gia tăng làm nước biển dâng lên xâm nhập mạnh vào Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, lượng nước ngọt của sông Cửu Long đổ về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng ít do phá rừng, do bị ngăn chặn bởi đập thủy điện. Hậu quả là đất canh tác bị nhiễm mặn, xì phèn, ngộ độc hữu cơ, thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của đất, nhất là vào đầu vụ Hè Thu. Một số biện pháp sau đây giúp cải thiện sức khỏe của đất và để cho cây lúa Hè Thu tốt ngay từ đầu vụ.

                

Đồng bằng sông Cửu Long
Đất không khỏe ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của lúa

 

Điều chỉnh thời vụ xuống giống vụ Hè Thu để lúa khỏe ngay từ đầu vụ

Nắng nóng làm hơi nước thoát nhiều qua lá, ngay cả ruộng đủ nước mà cây lúa vẫn bị héo vào giữa trưa (lá cuốn tròn lại), do rễ hút nước không kịp để bù lượng nước mất đi. Mỗi lần bị héo tạm thời như vậy là cây lúa đã bị một cú sốc, sốc làm lúa kém phát triển, ít nhảy chồi, ảnh hưởng đến năng suất sau này. Xuống giống trong điều kiện thiếu nước còn làm cho đất dậy phèn, mặn xâm nhập và nhất là không có thời gian để xử lý rơm rạ làm sản sinh độc chất hữu cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của đất. Từ những điều kiện bất lợi trên, nên chọn thời điểm trời bắt đầu có mưa, thời tiết mát mẻ hơn mới xuống giống, thường vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 (dương lịch). Thời vụ xuống giống như vậy bên cạnh việc giúp cây lúa khỏe hơn còn hạn chế được bù lạch tấn công và có nước cho cây lúa. Canh tác lúa 2 vụ/năm mới có điều kiện tốt để điều chỉnh thời vụ xuống giống vụ Hè Thu như đã nói ở trên.

Ngăn chặn độc chất để cải thiện sức khỏe đất ngay từ đầu vụ

Củng cố bờ bao, kiểm tra cống bọng, kiên quyết không để nước mặn lên ruộng là việc cần phải làm thường xuyên trong mùa khô ở vùng có áp lực mặn. Cần phải cày và để ải sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân vì có nhiều cái lợi như: cắt đứt mao dẫn phèn, mặn từ lớp đất dưới sâu lên mặt đất; tạo lớp che phủ bằng đất làm giảm bốc hơi nước qua mặt đất; chôn vùi rơm rạ vào đất cho mau hoai mục, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ Hè Thu; giúp rễ lúa ăn xuống sâu chống hạn; làm lớp đất mặt mau khô, cung cấp nhiều dinh dưỡng: “một cục đất nỏ bằng một giỏ phân”.

Đồng bằng sông Cửu Long

 

Làm rãnh nước để rửa bỏ độc chất phèn, mặn, hữu cơ trước khi xuống giống Hè Thu là việc cần phải làm để cải thiện sức khỏe của đất. Ngoài ra, để cải thiện sức khỏe của đất tốt hơn cần bón lót phân cải tạo đất như "Đầu Trâu Bio-Canxi" để cung cấp Ca và vi sinh vật có lợi cho đất; giúp đuổi mặn, hạ phèn, gia tăng pH đất; phân hủy nhanh rơm rạ trên ruộng hoàn trả lại dinh dưỡng cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ và giảm phát thải; cố định N và phân giải P trong đất.

Cung cấp sớm dinh dưỡng khoáng để cải thiện sức khỏe của đất ngay từ đầu vụ

Dinh dưỡng cung cấp cho cây lúa trong giai đoạn đầu từ 2 nguồn thức ăn chính đó là từ bản thân hạt giống (phôi nhủ) và từ môi trường đất, phân bón. Trong khoảng 10 hay 11 ngày đầu sau khi gieo, hạt lúa hút nước để thủy phân tinh bột, protein, chất béo… thành những chất dinh dưỡng dễ tiêu cung cấp cho cây lúa non, đồng thời hạt giống cũng lấy không khí để thở tạo năng lượng cho các tiến trình biến dưỡng trong hạt. Chính vì vậy sau khi gieo, đất phải đủ ẩm và đủ không khí để cung cấp cho hạt giống và phải ngăn chặn không cho vi sinh vật trong đất chia sẻ nguồn dinh dưỡng này với cây mạ non. Do đó, cần phải xử lý hạt giống để bảo vệ toàn bộ nguồn dinh dưỡng này cho cây lúa non sử dụng.

Để cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ thì ngoài nguồn dinh dưỡng được cung cấp từ hạt thì rễ lúa phải sớm lấy được nguồn dinh dưỡng từ đất và phân bón. Do đó, cần phải bón phân bổ sung cải thiện độ phì nhiêu của đất sớm trước khi dinh dưỡng trong hạt cạn kiệt. Có thể bón Đầu Trâu Bio-Lúa 1 lúc 7-9 ngày sau khi sạ để cải thiện sức khỏe về mặt dinh dưỡng của đất.

                                                                                     GS. TS. Nguyễn Bảo Vệ

                                                                         HĐKH Công ty CP Phân bón Bình Điền