Bộ Tài chính vừa mới trình Chính phủ trình UBTVQH một Nghị quyết quy định giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay. Nội dung chính của Nghị quyết như sau:
Từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020: mức thuế là 2.100 đồng/lít (bằng 70% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế BVMT).
Từ ngày 01/01/2021 trở đi: mức thuế tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế BVMT.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi Nghị quyết có hiệu lực sẽ làm số thu BVMT giảm khoảng 72 - 80 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, việc giảm thuế BVMT sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, việc hạn chế nhập cảnh được dự báo vẫn phải kéo dài thời gian thực hiện.
Vì số thu giảm nên Bộ Tài chính đưa ra phương án dự kiến nguồn nhân lực, tài chính để thi hành Nghị quyết như sau:
Một là lấy từ nguồn nhân lực ở các cơ quan thuế ở trung ương và địa phương.
Hai là lấy nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác (huy động nguồn lực từ cơ quan, đơn vị và địa phương, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế hoặc lồng ghép vào các chương trình, dự án khác để có nguồn kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện Nghị quyết).
Nhưng điểm đáng chú ý nhất, vì Nghị quyết có điều khoản hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày ký, do đó, Bộ Tài chính đã xác định điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết bao gồm 3 nội dung sau:
Thứ nhất, do đây là Nghị quyết ban hành mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay và chỉ áp dụng trong thời gian ngắn (từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020) nên sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo, hướng dẫn Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết (không ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Nghị quyết).
Thứ hai, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thực hiện tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết đến các cơ quan, tổ chức và người dân, giúp hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời để thực hiện.
Thứ ba, kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thực hiện: Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thi hành Nghị quyết để đảm bảo việc thực hiện đúng đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19.