Làng nghề sơn mài Hạ Thái: Sản phẩm kết tinh từ kinh nghiệm truyền thống và sự sáng tạo hiện đại

Làng nghề thủ công truyền thống sơn mài Hạ Thái nằm ngay trục quốc lộ 1A cũ, đến gần cầu Quán Gánh, rẽ trái vào đường liên xã Duyên Thái, qua cầu chui dân sinh là đến. Ngày xưa, làng có tên là Cự Tràn

Đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… và đặc biệt, là đưa kỹ thuật mài vào, tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó. Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… vẽ trên nền vóc màu đen.

Cũng trong giai đoạn này, làng Hạ Thái có cụ Đinh Văn Thành, là giảng viên Trường Mỹ thuật Đông Dương được mời sang Pháp dự thi đấu xảo Paris về nghệ thuật tranh sơn mài. Sau này, cụ cải tiến từ sơn dầu để đưa nghề sơn mài về làng. Kể từ năm 1955 đến nay, nghề sơn mài làng Hạ Thái đã trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng nhìn chung ngày càng phát triển bền vững. Năm 1955, làng tập hợp những người thợ giỏi lập nên nhóm sơn mài Thanh Hà gồm 15 thành viên. Đến năm 1959, nhóm đổi tên thành HTX sơn mài Thanh Hà. Năm 1961, Thanh Hà được đổi tên thành HTX tiểu thủ công nghiệp sơn mài Bình Minh chuyên sản xuất tranh sơn mài xuất sang các nước Đông Âu. Thời kỳ hoàng kim của HTX là những năm 1983 đến 1985, HTX có tới 641 xã viên và sau đó giải thể sau khi các nước Đông Âu sụp đổ.

Giai đoạn khó khăn, nhiều người không trụ lại được với nghề, nhưng cũng có những người coi nghề như máu thịt, nên đã tìm mọi cách để giữ nghề và phát triển nó như ngày hôm nay. Từ khi cơ chế thị trường mở ra, làng nghề lại phát triển nhưng chủ yếu là các hộ gia đình. Năm 1990, làng có 4 tổ sản xuất là Thành Sơn, Mỹ Thái, Minh Khai và Mai Hương. Năm 1994, 2 tổ sản xuất đã trưởng thành, lập doanh nghiệp tư nhân Thành Sơn và Mỹ Thái, thu hút hàng trăm lao động lành nghề. Đến nay, Hiệp hội Sơn mài Hạ Thái đã có 125 hội viên. Tính chung cả làng nghề Hạ Thái có 800 hộ dân, trong đó có tới gần 90% hộ dân làm nghề sơn mài với khoảng 1.600 lao động và hàng ngàn lao động vệ tinh tại các làng lân cận. Hạ Thái được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề năm 2001. Mỗi năm, Hạ Thái sản xuất hàng triệu sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao, mà còn kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa.

Sự ổn định của làng nghề cùng với việc bảo tồn những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của sản phẩm đã góp phần để Hạ Thái trở thành một trong hai làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trong cả nước được Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn làm điểm chiến lược phát triển làng nghề bền vững đến năm 2010.

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, người Hạ Thái còn tạo ra hàng nghìn mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm... Chất liệu chính của sơn mài Hạ Thái là gỗ, tre, nứa, song mây, gần đây có thêm các chất liệu mới như, composite, gốm sứ... càng tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm. Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống ông cha để lại, càng ngày, những nghệ nhân trong làng càng phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau. Người Hạ Thái biết sử dụng cách khắc trên sơn để tạo ra những đường nét mềm mại, uyển chuyển, sinh động.

Ngày nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn cả nước ngoài. Nhiều năm nay, Hạ Thái đã trở thành địa chỉ có uy tín với các bạn hàng quốc tế. Hàng của Hạ Thái đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Úc, Ý, Nhật, Hàn Quốc... Năm 2007, giá trị xuất khẩu của làng đạt hơn 60 tỷ đồng, năm 2008 hơn 70 tỷ đồng. Doanh thu của mỗi hộ trung bình hàng năm cũng đạt khoảng 150 triệu đồng, có doanh nghiệp lớn như Mỹ Thái, Thành Sơn... doanh thu lên đến hàng tỷ đồng.

Khi mới ra đời, sơn mài chỉ có ba màu: sơn then (màu đen), sơn son (màu đỏ) và sơn cánh gián (màu vàng nâu). Nhờ quá trình tìm tòi sáng tạo của nhiều họa sĩ, bảng màu của sơn mài ngày nay đã phong phú hơn. Màu của sơn mài lộng lẫy mà đằm thắm, ẩn hiện lớp lớp tầng tầng. Màu dưới nâng màu trên, lại tiếp những lớp bột vàng, bột bạc được rắc phủ đậm nhạt, tạo nên những hòa sắc lộng lẫy lạ thường.

Các sản phẩm sơn mài với những hình dáng thanh thoát, những mẫu vẽ đậm đà sắc thái dân tộc như: bến nước cây đa, con đò lá trúc, vịnh Hạ Long, chùa Một Cột... được khách nước ngoài ưa chuộng. Người ta thường lưu ý rằng, sơn mài có những điểm "ngược đời": muốn làm khô lớp sơn vừa vẽ, tranh phải ủ trong tủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình. Ngày nay, người ta đã chế tạo thành công các loại sơn công nghiệp có thể thay thế các loại sơn mài cổ truyền, do có nhiều ưu điểm, nhất là dễ dàng trong sản xuất tranh và màu sắc thì vô cùng phong phú.

Nghề làm sơn mài cũng lắm công phu, nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ, chau chuốt, nâng niu, nếu không, sản phẩm hoàn chỉnh sẽ chẳng thấy được cái hồn đâu cả. Có thể khái quát các công đoạn của một sản phẩm sơn mài là: 1. Cốt (hay còn gọi là vóc); 2. Gắn; 3. Đánh vải; 4. Bó; 5. Hom; 6. Kẹt lót; 7. Thí; 8. Phun màu (hoặc dán bạc); 9. Quang toát. Có thể nói, công nghệ sơn mài chỉ có nguyên lý chung, nhưng khác biệt trong kinh nghiệm, kỹ thuật của từng cá nhân, từng gia đình, cũng như nó được biến đổi kỹ thuật làm tranh khác với làm tượng, lại khác với trang trí đồ vật, sơn phủ hoàng kim... Có thể miêu tả công nghệ sơn mài theo một số công đoạn chính sau: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng.

Bó hom vóc

Việc hom bó cốt gỗ (đồ vật cần sơn) ngày xưa thường được người làm sử dụng giấy bả, loại giấy chế từ gỗ dó nên rất dai, có độ bền vững hơn vải. Cách bó hom vóc được tiến hành như sau: dùng đất phù sa (ngày nay người thợ có thể dùng bột đá) trộn sơn ta giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ. Mỗi lớp sơn lại lót một lớp giấy (hoặc vải màn), sau đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm vóc (ván gỗ) nhằm chống vết rạn xé dọc tấm vải. Sau đó, để gỗ khô kiệt mới hom sơn kín cả mặt trước, mặt sau. Công đoạn này chủ yếu là để bảo vệ tấm vóc không thể thấm nước, không bị mối mọt, không phụ thuộc môi trường làm gỗ co ngót. Xử lý tấm vóc càng kỹ, càng kéo dài tuổi thọ cho đồ vật cần sơn, mỗi tác phẩm sơn mài có tuổi thọ 300-400 năm.

Trang trí

Khi có được tấm vóc nói trên (hoặc các mô hình chạm, bình hoa, các bộ đồ khác), người chế các món đồ phải làm các công đoạn gắn, dán các chất liệu tạo màu cho tác phẩm trước tiên như: vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc... sau đó phủ sơn rồi lại mài phẳng, tiếp đến là dùng màu.

Với kỹ thuật sơn phủ tượng và đồ nội thất như: hương án, hoành phi, câu đối... người thợ phải làm trong phòng kín và quây màn xung quanh để tránh gió thổi các nguyên liệu: quỳ vàng, quỳ bạc, tránh bụi bám vào nước sơn còn ướt.

Mài và đánh bóng

Vì dầu bóng đã pha màu để vẽ, nên độ bóng chìm trong cốt màu tạo thành độ sâu thẳm của tranh, do đó sau mỗi lần vẽ phải mài. Người xưa sử dụng lá chuối khô làm giấy nháp. Đến nay, nguyên tắc đánh bóng tranh lần cuối chưa có gì thay thế phương pháp thủ công, vì loại tranh này không được phép phủ dầu bóng. Đó chính là điểm độc đáo của tranh sơn mài. Sự thành công của một bức tranh sơn mài phụ thuộc rất lớn vào công đoạn sau cùng. Có một số thứ để mài và đánh bóng như than củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối, đá gan gà...

Hiện nay, tranh sơn mài sử dụng nguyên liệu là sơn Nhật được dùng khá phổ biến. Do sơn ta có hạn chế là dễ gây tác động phụ cho người sử dụng (bị "sơn ăn"), ngoài ra, khi dùng sơn ta, chất lượng của tranh lại phụ thuộc vào thời tiết khá nhiều. Khi thời tiết có độ ẩm cao thì sơn càng nhanh khô, nếu thời tiết khô ráo (độ ẩm thấp) thì sơn rất lâu khô. Do vậy, sơn ta ít khi được dùng tại các nước có khí hậu khô ráo. Trong khi đó, sơn Nhật lại nhanh khô, khiến cho ai đó muốn vẽ tranh ở nước ôn đới cũng có thể thực hiện được. Nhưng khi sử dụng sơn Nhật, để tranh được bóng, bây giờ người ta thường dùng một lớp sơn trong (sơn cánh gián) phủ ra bên ngoài tranh, còn nếu tranh sơn mài dùng sơn ta, chỉ cần lấy nắm tóc rối xoa lên tranh, hoặc dùng bàn tay có độ ẩm (có ít mồ hôi) xoa lên tranh, tranh sẽ rất bóng. Tuy nhiên, tranh sơn màu dùng sơn ta vẫn được ưa chuộng hơn vì sự công phu trong quá trình làm tranh và khi nhìn, nó tạo độ sâu cho bức tranh hơn.

Kỹ thuật sơn mài ngày nay không chỉ còn được ứng dụng để sản xuất tranh sơn mài, hoành phi hay câu đối..., mà nó còn được phát triển để sản xuất các mặt hàng nội thất cao cấp như bàn ghế, giường tủ... Gốm sơn mài hiện là mặt hàng được ưa chuộng tại nhiều nước.

Để có được màu sắc tươi tắn của sản phẩm, một công đoạn đặc biệt có tính quyết định là công đoạn pha sơn. Mỗi gia đình, mỗi cơ sở có một bí quyết pha sơn riêng, tạo phong cách của riêng mình. Kinh nghiệm pha sơn theo phương pháp cổ truyền ngày nay đã nhường bước cho kỹ thuật pha chế sơn hiện đại. Đã có một vài thao tác được thay đổi nhằm giảm bớt động tác thừa, tạo ra loại sơn mới có độ bóng, bền, đẹp. Nhìn chung, việc pha chế sơn ta có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành bại của sản phẩm. Vì vậy, công đoạn pha chế sơn ta trước đây cũng như bây giờ, vẫn đòi hỏi người thợ sơn phải có kinh nghiệm từ khâu nấu sơn, cô sơn đặc, cho đến khâu thử sơn chín. Dù là khâu nào cũng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỷ mỷ.

Anh Đỗ Văn Thừa, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái cho biết: Hiện nay, làng nghề đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào việc pha chế, thay đổi công đoạn phủ sơn, tạo cho sản phẩm có độ bóng, bền, đẹp. Mỗi sản phẩm cũng phải đến 15-16 lớp sơn, ít cũng là 10 lớp thì mới đảm bảo chất lượng. Anh Thừa cũng cho biết thêm, từ khi Nhà nước thực hiện cơ chế đổi mới với các chính sách thông thoáng cho người nước ngoài, đặc biệt từ năm 1997-1998 trở lại đây, khách nước ngoài đến với làng Hạ Thái ngày càng nhiều. Thậm chí, có những khách hàng nước ngoài thân thiết đến mức, đưa cả người thân vượt hàng nghìn cây số để đến thăm quan làng nghề và ăn cơm với gia đình đối tác một cách rất thân thiết, cởi mở như người trong nhà. Với họ, Hạ Thái không chỉ còn là nơi để họ làm ăn, mà còn là nơi để họ tìm hiểu về một nét văn hóa đặc trưng cho một dân tộc.

Bản thân anh Thừa cũng là Giám đốc của Công ty TNHH Thái Sơn - một trong những doanh nghiệp lớn nhất của làng nghề. Với doanh số tiền tỉ mỗi năm, Thái Sơn luôn có 50-60 thợ lành nghề làm việc liên tục và hàng trăm lao động vệ tinh trong làng và các làng lân cận. Nhờ có chất liệu độc đáo, kiểu dáng phong phú với hàng nghìn loại sản phẩm khác nhau mà Thái Sơn được nhiều khách hàng ưa chuộng và có đơn hàng xuất thường xuyên. Thái Sơn cùng các doanh nghiệp khác trong hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái đã luôn sát cánh bên nhau để đẩy mạnh sự phát triển của làng nghề, đưa tên tuổi và uy tín của làng nghề Hạ Thái đến với bạn bè quốc tế.

Đại diện cho lớp nghệ nhân trẻ của làng nghề Hạ Thái là chị Nguyễn Thị Hồi. Có năng khiếu và ham học hỏi, chị Hồi đã gắn bó với nghề làm sơn mài từ khi còn rất nhỏ. Đam mê vẽ, yêu nghệ thuật, nhưng chị không đi theo con đường nghệ thuật đơn thuần mà quyết tâm làm nghề và giữ lấy nghề truyền thống của cha ông. Năm 2003, chị thành lập cơ sở Sơn mài mỹ thuật Hồi Quyết, tích cực tham gia vào công tác mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng cho làng nghề của mình. Không chỉ có vậy, chị còn tích cực truyền dạy nghề cho các em trong làng, với mong muốn cho nghề sơn mài ngày càng phát triển thịnh vượng. Chị cũng là vị Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái. Năng động, sáng tạo, cơ sở của chị đã tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước, giành nhiều giải thưởng và là địa chỉ tin cậy cho các bạn hàng quốc tế khi đến làng nghề. Và phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực ấy là danh hiệu nghệ nhân do UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phong tặng năm 2006. Mong ước của chị thật giản dị, “mình muốn đào tạo được thật nhiều người biết nghề để sơn mài Hạ Thái ngày càng phát triển chứ không bị mai một đi. Kinh nghiệm truyền thống và sự sáng tạo hiện đại của giới trẻ nhất định sẽ làm nên sự thành công cho làng nghề”.

Cùng với truyền thống của một làng nghề hơn 200 năm tuổi, sơn mài Hạ Thái giờ đã có một sức sống mới, đứng vững trong các làng nghề thủ công mỹ nghệ có tiếng ở Việt Nam với hàng hóa chủ yếu là xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Sản phẩm của sơn mài Hạ Thái đã xuất hiện và nhận được sự thán phục của khách tham quan tại nhiều hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề trong và ngoài nước.

Trong Festival nghề truyền thống vừa diễn ra hồi tháng 6/2009 tại Huế, sơn mài Hạ Thái là một trong 12 làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: Gốm Chu Đậu, Bát Tràng, Thổ Hà (miền Bắc), Bầu Trúc (Ninh Thuận), Gọ (Bình Thuận), Gốm Bình Dương, Gốm Quảng Nam, Gốm Phước Tích (Thừa Thiên Huế), Sơn mài Bình Dương, Sơn Mài và Pháp lam Huế, nhằm tôn vinh 3 nghề: gốm sứ, sơn mài và pháp lam. Gian trưng bày của sơn mài Hạ Thái đã thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài.

Sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái còn được giành một phần diện tích rất đẹp trên khu đồ nội thất của Trung tâm Thương mại vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất Melinh Plaza. Đây là nơi mà khách nước ngoài trên đường ra sân bay có thể ghé qua mua sắm và việc sản phẩm sơn mài Hạ Thái có mặt trong gian hàng sang trọng ở đây sẽ góp phần giới thiệu rộng rãi mặt hàng này đến với những du khách nước ngoài.

Ngay tại làng nghề, hiện xã cũng đã quy hoạch và xây dựng các cụm, điểm công nghiệp để các cơ sở có diện tích đất rộng rãi tập trung sản xuất, phát huy hiệu quả. Đường làng, ngõ xóm đã dần được bê tông hóa với hệ thống cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề. Đây cũng là một cách để thu hút khách nước ngoài, không chỉ là những người có quan hệ giao thương buôn bán, mà còn là cả những đoàn khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu về một làng nghề thủ công truyền thống rất nổi tiếng của Hà Nội và Việt Nam.