Theo đó, Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia "Yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành kho chứa LNG nổi" quy định các yêu cầu chung và các hướng dẫn nhằm đảm bảo an toàn và đáp ứng yêu cầu môi trường cho quá trình thiết kế và vận hành kho chứa LNG nổi bao gồm các thiết bị để hóa lỏng, tồn chứa, tái hóa khí, giao nhận và xử lý LNG. Tiêu chuẩn này áp dụng đối với Hệ thống thiết bị hóa lỏng LNG nổi; Hệ thống tồn chứa và tái hóa khí LNG nổi; Hệ thống tồn chứa LNG nổi.
Ngoài ra, theo Dự thảo của Bộ Công Thương, tiêu chuẩn này áp dụng đối với kho chứa LNG nổi lắp mới và kho chứa LNG nổi cái hoán ở ngoài khơi, gần bờ hoặc trong bến. Bên cạnh đó, phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này còn áp dụng cho tất cả cầu cảng liên quan đến kho chứa LNG nổi có neo đậu và cũng đề cập sơ bộ tới các khái niệm neo đậu của kho chứa LNG nổi.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho kho chứa, nhà máy hoặc cơ sở tồn chứa, hóa lỏng và/hoặc tái hóa khí trên bờ, ngoại trừ các thiết bị FSRU và/hoặc FLNG trong bến; các nhà máy LNG ngoài khơi dựa trên kết cấu không nổi (ví dụ kết cấu dựa trên trọng lực (nguyên tắc GBS)); và các phương tiện hỗ trợ ven bờ (như tàu hỗ trợ, tàu lai dắt).
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho thiết kế các thiết bị phát điện nổi mặc dù một số mục liên quan của Tiêu chuẩn này có thể được tham khảo. Tiêu chuẩn cũng không áp dụng cho các thiết bị liên quan đến việc sử dụng LNG làm nhiên liệu cho tàu.
Ngoài các yêu cầu của tiêu chuẩn này, kho chứa LNG nổi còn phải thỏa mãn các yêu cầu của đơn vị đăng kiểm về phân cấp và giám sát kỹ thuật theo QCVN 70:2021/BGTVT, TCVN 2104:2021 và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.