Lò sấy mới nhiều hữu ích
Những năm gần đây, người dân vùng trồng nguyên liệu thuốc lá ở các tỉnh phía Bắc gặp nhiều khó khăn như mất mùa, dịch bệnh, tư thương ép giá... Đặc biệt, trong giai đoạn cuối cùng là sấy thuốc lá nguyên liệu, do không đảm bảo đúng kỹ thuật nên thường làm giảm mạnh chất lượng của thuốc, qua đó đã đến ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Để giúp người dân khắc phục tình trạng này, từ năm 2016, nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Công nghệ của Công ty TNHH MTV Viện Thuốc lá đã nghiên cứu lò sấy với công nghệ mới. Sau 2 năm tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm... nhóm nghiên cứu đã cho ra đời một loại lò sấy kiểu mới, đem lại nhiều hữu ích cho người dân vùng trồng.
Hình ảnh giữa lò sấy cũ và lò sấy mới với nguyên lý thoát ẩm qua đường ống khóiSo sánh sự cải tiến của lò sấy kiểu mới với kiểu cũ, chuyên gia Đào Anh Tuyên, Trưởng phòng Công nghệ của Viện Thuốc lá, chủ nhiệm đề tài cho biết: Điểm nổi bật của lò mới là có hệ thống cân bằng ẩm. Theo đó, lượng không khí ẩm được gom vào buồng cân bằng ẩm, và từ từ thoát ra ngoài môi trường qua đường ống khói, qua đó vừa tiết kiệm được nhiên liệu, lại vừa luôn đảm bảo được nhiệt độ cho thuốc lá theo tiêu chuẩn; Thể tích lò rộng hơn nên số lượng thuốc lá mỗi mẻ sấy được nhiều hơn (dài 3m x rộng 3m x cao 3,3m); Phần cách nhiệt bên trong lò sấy được sử dụng bằng vật liệu cách nhiệt đặc thù (lò cũ bằng vách đất) nên giảm sự thất thoát nhiệt, qua đó cũng tiết kiệm được nhiều nhiên liệu.
Ông Tuyên còn cho biết, sau rất nhiều lần điều chỉnh các chi tiết, các vật liệu làm lò, kể cả thử nghiệm trong điều kiện thời tiết khác nhau, lò mới đã đem lại hiệu quả không ngờ. Trong vụ mùa 2017 - 2018, giảm được gần 40% lượng nhiên liệu than, tỷ lệ lá cấp 1+2 tăng hơn 24%; tỷ lệ nguyên liệu cấp 4 < 5% và thu nhập gia tăngbình quân trên 1 kg thuốc lá khô tăng gần 16% so với lò sấy truyền thống. Nếu tính với diện tích trồng khoảng 8000ha, sản lượng thuốc là ước tính đạt 16.000 tấn, sẽ tiết kiệm được 40 tỷ đồng tiền tiêu hao nhiên liệu. Như vậy, lò mới đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm đáng kể lượng nhiên liệu sấy tiêu hao so với lò sấy truyền thống, qua đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cho nông dân so với những năm trước đây.
Người dân đón nhận nhiệt tình lò sấy mới
Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là địa phương có nhiều hộ gia đình đi tiên phong trong việc sử dụng lò sấy mới cho vụ mùa 2017-2018. Ông Bế Văn Điếm - xóm Bản Giàng 2, xã Xuân Hòa, huyện Hà Quảng cho biết: Gia đình ông trồng thuốc lá từ nhiều năm nay với tổng diện tích hơn 3000 m2. Việc sấy được lá vàng và tiết kiệm nhiên liệu là điều mà gia đình ông cũng như bao người dân luôn mong muốn. Khi biết tin Viện Thuốc lá đã nghiên cứu được lò sấy mới, ông Điếm là một trong số những người dân đã tiên phong xây lò mới và sử dụng trong vụ mùa năm nay. Chi phí cho việc xây hoàn thành 1 lò sấy hết khoảng 16 triệu đồng, gia đình ông được Viện Thuốc lá cho vay 6 triệu đồng và đây là một chính sách hỗ trợ của Viện cho những người dân có nhu cầu xây lò mới. Ông cho biết thêm, lò sấy mới dễ sử dụng, thuốc được sấy vàng, củi đốt cũng giảm được rất nhiều. Vụ mùa năm nay với gần 1 tấn thuốc lá cũng thu được khoảng hơn 30 triệu đồng.
Từ trái sang phải: Anh Nguyễn Thanh Phúc và bà Nông Thị Duyên đang trao đổi với nhau về lò sấy mớiCòn đối với gia đình bà Nông Thị Duyên - Xóm Bản Giàng 1, Xuân Hòa, huyện Hà Quảng: Gia đình bà trồng khoảng 3500 m2 thuốc lá. Trong một hội nghị về công tác khuyến nông, bà đã được phổ biến về lò sấy mới. Được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ Viện Thuốc lá trong suốt quá trình từ khi xây lò mới, cho đến khi sấy xong hoàn toàn thuốc lá, vụ mùa năm nay, gia đình bà Duyên cũng thu nhập được khoảng 30 triệu đồng, là khoản tiền không nhỏ đối với một gia đình người dân vùng cao. Thấy sự hữu ích của lò sấy mới, là cán bộ khuyến nông, bà Duyên đã tích cực phổ biến cho nhiều người dân trong xóm về hiệu quả của lò và đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người.Ông Nông Hồng Quảng, Chủ tịch xã Bằng Vân đang trao đổi với phóng viên về phát triển lò sấy mới trên địa bàn
Làn sóng về lò sấy mới đã lan truyền tới nhiều nơi có vùng trồng thuốc lá. Theo ông Nông Hồng Quảng, Chủ tịch xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn: Xã có 730 hộ dân thì có đến 500 hộ trồng thuốc lá, cho thu nhập bình quân trung bình từ 30 triệu - 40 triệu đồng/hộ/năm, thậm trí có hộ thu nhập 100 triệu đồng/năm. Với tổng diện tích khoảng 170 ha, thuốc lá được coi là cây mũi nhọn của xã và đã góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế của địa phương. Những năm gần đây, do nhiên liệu củi đốt bị hạn chế nên người dân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc sấy thuốc lá. Được sự giúp đỡ của Công ty CP Ngân Sơn, vừa qua, UBND xã đã phối hợp với Công ty tổ chức buổi giới thiệu về lò sấy mới và đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân trong xã.
Giấc mơ xây nhà từ việc trồng cây thuốc lá của gia đình anh Chu Văn Du- thôn Cốc Lải
Vụ mùa năm nay, gia đình anh Chu Văn Du - thôn Cốc Lải, xã Bằng Vân đã xây 1 lò sấy mới và cho thu hoạch được 70 triệu đồng. Anh háo hức cho biết, năm tới sẽ tiếp tục xây thêm 1 lò mới nữa bởi nó rất hiệu quả, đun được bằng cả than và củi. Và anh đang mơ ước sang năm sẽ xây một căn nhà mới bằng số tiền tích cóp được từ việc trồng cây thuốc lá.
Chia sẻ về cây thuốc lá trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng Triệu Đình Dũng cho biết: Với công thức phát triển kinh tế của Huyện là “3 cây +2 con”, thì cây thuốc lá là một trong 3 cây có thế mạnh của địa phương. Trong hơn 20 năm qua, Huyện đã luôn tập trung cho phát triển cây thuốc lá. Trong những năm gần đây, với diện tích vùng trồng thuốc lá 700 ha, cho thu nhập trung bình của người dân trồng thuốc lá là 20 triệu/người/năm, đây là con số ấn tượng đối với một huyện khó khăn vùng cao biên giới. Điều đó cũng khẳng định cây thuốc lá đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế địa phương, trong đó có vai trò rất lớn của Viện Thuốc lá, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam. Trước sự ra đời của lò sấy mới, ông Dũng đánh giá cao những cố gắng của Viện trong việc nỗ lực nâng cao hiệu quả cho người dân, coi đây là bước đột phá về ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sấy thuốc lá. Và Ông cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật đối với cây thuốc lá trên địa bàn.
Theo thông tin từ Viện thuốc lá, với tổng số 38 lò sấy mới đã được áp dụng vào thực tiễn trong vụ mùa vừa qua; trong đó 34 lò tại tỉnh Cao Bằng, 2 lò tại huyện Ngân Sơn, 2 lò tại tỉnh Lạng Sơn. Dự kiến trong vụ mùa tiếp theo, sẽ có khoảng 400 lò được ra đời; trong đó 300 lò tại tỉnh Cao Bằng và 100 lò tại tỉnh Bắc Kạn, điều đó là một minh chứng cho tính hiệu quả của lò sấy mới. Chia sẻ những khó khăn trong việc đưa lò sấy mới vào cuộc sống của người dân, anh Nguyễn Thanh Phúc, cán bộ của Viện Thuốc lá - người với thâm niên sấp sỉ 20 năm bám dân, bám bản tại tỉnh Cao Bằng cho biết: Do thói quen của người dân nơi đây là rất ngại áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công việc nên để họ đồng ý xây lò mới, các anh em của Viện đã phải thực hiện nhiều phương thức như phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi họp giới thiệu về lò sấy mới. Đặc biệt bỏ nhiều công sức và thời gian để chia nhau đến tận từng nhà dân tại các thôn, bản xa xôi, gặp từng người để giải thích cặn kẽ mọi vấn đề liên quan. Trong suốt quá trình xây lò, sấy thuốc cũng phải vừa trực tiếp hướng dẫn người dân, vừa kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Và công việc chỉ được coi là kết thúc khi mà người dân mục sở thị, thừa nhận những lợi ích từ lò mới đem lại.
Kho thuốc lá của Chi nhánh Viện Thuốc lá tại tỉnh Cao Bằng, khi đã kết thúc một vụ mùaCâu chuyện về lò sấy thuốc lá mới hiện được nhiều người dân huyện Hà Quảng đề cập ở mọi nơi, mọi lúc. Đó cũng là niềm vui, là động lực mà những đoàn viên của Phòng công nghệ, những cán bộ luôn bám dân, bám bản của Chi nhánh Viện Thuốc lá tại Cao Bằng, của Công ty CP Ngân Sơn mong mỏi, khi nghĩ đến những công sức nhỏ bé của mình đã góp phần đem lại cuộc sống ấm no hơn cho những người dân vùng cao.