Loạt doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh

Theo Chứng khoán Dầu khí (PSI), Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh và các nghị định mới ban hành dự kiến tạo ra tiềm năng tăng trưởng đáng kể cho không chỉ các doanh nghiệp phát điện mà còn cho cả các doanh nghiệp cung ứng vật tư, dịch vụ ngành Điện.

Đảm bảo điện cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy năng lượng tái tạo

Điện gió
Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững, linh hoạt.

Ngày 15/04/2025, Phó Thủ tướng đã ký Quyết định số 768/QĐ-TTg, phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh) với nhiều điểm mới. Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP được điều chỉnh lên trên 8% vào năm 2025 và duy trì bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2026-2030. Điều này dẫn đến nhu cầu điện tăng bình quân 10,3% -12,5%/năm, cao hơn khoảng 1,4 lần so với hiện nay.

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Dầu khí (PSI), Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững, linh hoạt và phù hợp với cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, với việc tập trung chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh như hydro và amoniac xanh, đồng thời mở rộng điện khí sử dụng LNG ở quy mô hợp lý.

Đáng chú ý, so với bản gốc công bố vào tháng 5/2023, Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh lần này tăng mạnh chỉ tiêu phát triển năng lượng tái tạo. Tổng công suất các nguồn điện tái tạo dự kiến tăng trưởng lên tới 166%, đạt 114.144 MW vào năm 2030 và hơn 533.704 MW vào năm 2050. Trong đó, điện gió ngoài khơi tăng gần gấp đôi, điện mặt trời tăng đến 470% vào năm 2030.

Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh
Công suất các nguồn điện theo Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh. (Nguồn: Chứng khoán Dầu khí tổng hợp)

Tuy nhiên, đặc điểm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết khiến năng lượng tái tạo có tính gián đoạn, đặt ra yêu cầu phát triển hệ thống lưu trữ điện, dự báo chính xác và khả năng điều tiết linh hoạt của hệ thống điện.

Một vấn đề then chốt khác là hạ tầng truyền tải. Miền Trung hiện là khu vực có nguồn điện dồi dào và sẽ đóng vai trò trung tâm trong cân bằng cung cầu điện trên cả nước. Do đó, năng lực truyền tải liên vùng, đặc biệt từ miền Trung ra miền Bắc, cần được đầu tư nâng cấp mạnh mẽ.

Theo ước tính mới nhất trong quy hoạch điều chỉnh, tổng vốn đầu tư cần thiết cho giai đoạn đến năm 2050 tăng mạnh, lên tới khoảng 700 tỷ USD. Giai đoạn 2026 -2030, đầu tư hàng năm cho điện và truyền tải dự kiến đạt hơn 27 tỷ USD, cao gấp đôi so với kế hoạch ban đầu. Điều này đòi hỏi sự huy động nguồn vốn quy mô lớn, đa dạng hóa hình thức tài trợ và có các cơ chế chính sách khuyến khích khu vực tư nhân và quốc tế cùng tham gia.

Mở ra tiềm năng tăng trưởng đáng kể cho doanh nghiệp Điện

Năng lượng tái tạo
Các công ty sản xuất điện, phát triển năng lượng tái tạo và đầu tư hạ tầng điện được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định rằng những thay đổi trong chính sách năng lượng không chỉ tác động đến cơ cấu phát điện mà còn mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Các công ty sản xuất điện, phát triển năng lượng tái tạo và đầu tư hạ tầng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng chuyển đổi đang diễn ra mạnh mẽ.

Theo đó, các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (mã cổ phiếu GEG), Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã cổ phiếu REE), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã cổ phiếu POW)… kỳ vọng sẽ được hưởng lợi lớn từ chính sách hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo của Chính phủ.

Đối với Điện Gia Lai, công ty có kế hoạch sẽ sớm triển khai loạt dự án mới và xúc tiến giai đoạn 2 của một số dự án hiện hữu phù hợp với định hướng Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh, như dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 (49 MW, Long An), dự án điện gió VPL 2 (30 MW, Bến Tre).

Trong khi đó, ban lãnh đạo Cơ Điện Lạnh đánh giá thời gian tới sẽ là “giai đoạn vàng” để tăng trưởng mạnh công suất nguồn điện với mục tiêu nâng công suất thêm 100MW trong năm 2025, thêm 500MW trong vòng 3 năm tới và kỳ vọng tổng công suất đạt 2.000 - 2.500 MW cuối năm 2030. Hiện Cơ Điện Lạnh đang tích cực mở rộng danh mục đầu tư mảng năng lượng tái tạo với các dự án thủy điện Trà Khúc 2 (30 MW, Quảng Ngãi) và nhà máy điện gió Duyên Hải V1-4 (48 MW, Trà Vinh).

Đối với PV Power, “siêu” dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 với tổng công suất 1.600 MW dự kiến đi vào vận hành trong nửa cuối năm nay sẽ tạo cú hích về tăng trưởng cho Tổng công ty trong trung và dài hạn. Ban lãnh đạo PV Power ước tính từ năm 2027 trở đi, dự án Nhơn Trạch 3&4 sẽ bắt đầu có lợi nhuận.

Dự án điện Nhơn Trạch 3
Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 của PV Power sẽ đi vào vận hành thương mại trong nửa cuối năm nay.

Xem thêm: "PV Power (POW): Sẽ giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng cho mở rộng sản xuất năm nay, tập trung làm điện khí LNG" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong thời gian tới, Tổng công ty dự kiến thực hiện thêm 2 dự án phù hợp với Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh là Nhà máy LNG Quỳnh Lập và Nhà máy LNG Quảng Ninh. Đồng thời, PV Power cũng nghiên cứu, xúc tiến và tham gia góp vốn các dự án điện khí LNG khác như Nhà máy điện Vũng Áng 3 và Nhà máy điện Cà Mau mở rộng.

Ngoài ra, Tổng công ty đang nghiên cứu triển khai một số dự án điện năng lượng tái tạo như: Tổ hợp điện sạch tích năng Lâm Sơn (Ninh Thuận), Nhà máy điện rác Khe Giang (Quảng Ninh), Nhà máy điện SeKong (Lào) và các dự án khác có hiệu quả.

Ngoài các doanh nghiệp cung ứng điện, một số doanh nghiệp cung ứng thiết bị, dịch vụ ngành điện như Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (mã cổ phiếu TV2) và Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (mã cổ phiếu PC1) dự kiến sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong thời gian tới.

Theo Chứng khoán Dầu khí, Xây dựng Điện 2Tập đoàn PC1 sẽ hưởng lợi từ việc tăng cường phát triển điện gió, khi đây là các nhà thầu xây dựng, tư vấn thiết kế nổi bật. Ngoài ra, việc ưu tiên vào nâng cấp lưới điện đổi mang lại cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho mảng xây dựng liên quan đến điện của Tập đoàn PC1.

Lan Anh