Lọc dầu Dung Quất vượt mốc 7 triệu giờ công an toàn

Đến ngày 30/6/2016, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR (đơn vị được quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) đã đạt 7,4 triệu giờ công an toàn không để xảy ra tai nạn lao động, gây mất ngày công
Kết quả an toàn ấn tượng

Nhân dịp cuộc họp về an toàn NMLD Dung Quất quý II/2016, Tổng Giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên đã thay mặt Ban lãnh đạo Công ty cám ơn tập thể người lao động Công ty và gia đình đã nỗ lực phấn đấu cho thành tích 7 triệu giờ công an toàn và kêu gọi toàn thể CBCNV tiếp tục phát huy thành tích đạt được, luôn làm việc an toàn để góp phần vận hành Nhà máy an toàn, ổn định và hiệu quả.

 Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên phát biểu cảm ơn người lao động BSR
Ông Trần Ngọc Nguyên nhấn mạnh, trước tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ xăng dầu nhập khẩu và từ các Nhà máy lọc dầu khác trong nước cũng như trong khu vực, đòi hỏi thời gian tới, BSR không chỉ đảm bảo vận hành Nhà máy an toàn, ổn định, mà còn cần phải tối ưu hóa trong sản xuất, tăng cường tiết kiệm và giảm thiểu các chi phí lưu kho, bảo dưỡng, thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật... Trong tương lai, sẽ có nhiều khó khăn và áp lực, song Tổng Giám đốc tin tưởng nếu quyết tâm cùng nhau, tập thể CBCNV BSR sẽ đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác an toàn và sản xuất kinh doanh.

 Trước đó, Công ty được các tổ chức bảo hiểm và Nhà bản quyền trao chứng chỉ là đơn vị “Vận hành xuất sắc” (Operational excellence) với hơn 630 ngày đêm liên tục an toàn, ổn định và hiệu quả. Công ty đã thực hiện đào tạo hơn 165.000 giờ huấn luyện an toàn cho hơn 45.000 lượt người.

Đây là kết quả ấn tượng trong công tác đảm bảo an ninh an toàn, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Văn hóa an toàn BSR

Hệ thống quản lý An toàn Sức khỏe Môi trường của BSR tích hợp tiêu chuẩn ISO 14001:2005 về hệ thống quản lý môi trường, tiêu chuẩn OHSAS 18001: 2007 về hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, tiêu chuẩn OSHA 3132 về hệ thống quản lý an toàn công nghệ và các tiêu chuẩn khác… đã được Tổ chức chứng nhận quốc tế DNV cấp giấy chứng nhận phù hợp vào ngày 8/3/2011 và hiện đang triển khai nâng cấp hệ thống ISO 9001 và ISO 14001 lên phiên bản 2015; xây dựng hệ thống quản lý tiết kiệm năng lượng ISO 50001…

 Kiểm tra an toàn thiết bị của nhà thầu trước khi triển khai công tác bảo dưỡng NMLD Dung Quất
Với đặc thù Nhà máy lọc dầu có nhiều thiết bị vận hành ở áp suất, nhiệt độ cao, và tồn tại nhiều yếu tố gây ăn mòn, mài mòn và các lưu chất dễ cháy nổ (với hàng trăm nghìn tấn dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ được lưu chứa) nên luôn tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ và tai nạn lao động. Nhận thức rõ điều đó, ngay giai đoạn chuẩn bị vận hành NMLD Dung Quất, BSR đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chương trình nhằm kiểm soát an toàn, như: Ban hành các nội quy, quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường; Tổ chức đào tạo huấn luyện về an toàn cho CBCNV và nhân sự các nhà thầu làm việc tại Nhà máy, thực hiện công tác giám sát theo 03 cấp độ khác nhau (Cấp 1 là Nhà thầu chịu trách nhiệm, cấp 2 là Phòng đầu mối công việc của BSR giám sát Nhà thầu và cấp 3 là Phòng An toàn, Sức khỏe và Môi trường (ATSK&MT).

Diễn tập phòng chống cháy nổ tại NMLD Dung Quất

Tháng 5/2013, BSR đã đưa chương trình Quan sát hành vi an toàn (SAO) vào áp dụng. Tính đến nay, đã có hơn 85.000 đóng góp của CBCNV thông qua chương trình SAO. Đây thực sự là công cụ hữu hiệu trong việc khuyến khích hành động an toàn và giảm thiểu hành vi không an toàn của từng cá nhân người lao động. Ngoài ra đây cũng là công cụ để phát huy được sức mạnh trí tuệ của tập thể người lao động trong công tác nhận diện và kiểm soát các mối nguy hiểm, góp phần cải thiện môi trường làm việc an toàn. Bằng việc tham gia tích cực chương trình SAO, CBCNV còn được rèn luyện kỹ năng nhận diện, nhờ đó có thể dễ dàng phát hiện được mối nguy hiểm từ chính công việc của mình và cần phải hành động như thế nào để bảo đảm an toàn.

Việc triển khai chương trình SAO đã góp phần thay đổi lớn nhận thức của CBCNV đối với công tác ATSK&MT. Chương trình SAO là bước tiền đề cho việc xây dựng văn hóa an toàn tại BSR.

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, PCCC tại NMLD Dung Quất chính là công tác tuyên truyền, đào tạo và huấn luyện về an toàn, PCCC cho người lao động. BSR đã vận dụng sáng tạo nhiều hình thức đào tạo, tuyên truyền như: đào tạo an toàn cơ bản và chuyên sâu; phổ biến an toàn trước khi tiến hành công việc (toolbox talk); tổ chức các cuộc họp an toàn hàng quý (HSE meeting); phát hành các bản tin, bài học kinh nghiệm; tuyên truyền bằng poster và băng rôn; phát động chủ đề an toàn hàng tháng...

Diễn tập ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển tại khu vực SPM NMLD Dung Quất

Vì hoạt động sản xuất đặc thù có nguy cơ cháy nổ và mất an toàn cao, nên BSR đã tích cực triển khai, thực hiện nghiêm túc và tuân thủ các quy định về công tác PCCC trong vận hành Nhà máy. Trang thiết bị PCCC của Nhà máy được đầu tư đồng bộ và hiện đại, hệ thống PCCC được thiết kế theo tiêu chuẩn cao nhất cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn PCCC đang được sử dụng phổ biến hiện nay trên thế giới và được Cục PCCC và CNCH thẩm duyệt kỹ lưỡng. Để tăng cường khả năng chữa cháy tại chỗ, BSR đã thành lập đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành theo Quyết định số 3092/ QĐ-BSR ngày 3/9/2015, các đội PCCC kiêm nhiệm tại các khu vực sản xuất với trên 160 chiến sĩ là những cán bộ công nhân viên trực tiếp vận hành và bảo dưỡng tại nhà máy.

Đặc biệt, Công ty còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức diễn tập, ứng phó với các tình huống khẩn cấp, diễn tập an ninh cảng biển, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu, diễn tập phương án chữa cháy. Trung bình mỗi năm, Công ty đã diễn tập 80 phương án ứng phó sự cố khẩn cấp tại các phân xưởng của Nhà máy.


Lệ Nhung