Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR): Đã qua giai đoạn khó khăn nhất, crack spread dần phục hồi

Trong bối cảnh crack spread lẫn giá dầu thô dần phục hồi, mức lỗ ròng của Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR) trong quý 4/2024 chỉ còn 89 tỷ đồng, so với mức hơn 1.200 tỷ đồng của quý 3/2024.

Đã qua giai đoạn xấu nhất

Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn HoSE) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024 với doanh thu thuần đạt 35.968 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, giá vốn hàng bán tăng cao, khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm tới 94%, còn 152 tỷ đồng. Như vậy, biên lãi gộp quý 4/2024 của Lọc hóa Dầu Bình Sơn chỉ còn 0,42%.

Nhờ khoản lãi tiền gửi khi nắm giữ tới 43.017 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng (tính đến cuối tháng 12/2024), khoản lỗ sau thuế của Lọc hóa Dầu Bình Sơn đã được thu hẹp đáng kể, chỉ lỗ 89 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Lọc hóa Dầu Bình Sơn cho biết, mặc dù crack spread (mức chênh lệch giữa giá dầu thô với giá sản phẩm dầu thành phẩm) trong quý 4/2024 đã được cải thiện so với quý 3/2024, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước thì vẫn thấp hơn rất nhiều.

Lọc hóa Dầu Bình Sơn
Kết quả kinh doanh của Lọc hóa Dầu Bình Sơn trong nửa cuối năm 2024 đã chịu tác động kép từ việc giá dầu thô lẫn crack spread giảm đáng kể.

Việc crack spread lẫn giá dầu thô cùng giảm sâu là nguyên nhân chính khiến Lọc hóa Dầu Bình Sơn lỗ ròng tổng cộng 1.300 tỷ đồng trong 2 quý cuối năm 2024. Tính chung cả năm ngoái, crack spread trung bình của xăng/dầu/nhiên liệu phản lực lần lượt giảm 11%/31%/29% so với năm 2023.

Kết quả, Lọc hóa Dầu Bình Sơn ghi nhận 123.027 tỷ đồng doanh thu thuần và 585 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 17% và 93% so với năm 2023. Qua đó, doanh nghiệp đã vượt 29% chỉ tiêu doanh thu nhưng chỉ đạt 51% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư giữa tháng 1/2025, ông Bùi Ngọc Dương - Chủ tịch HĐQT Lọc hóa Dầu Bình Sơn đánh giá quý 2 - 3/2024 được xem là giai đoạn xấu nhất, điểm trũng của thị trường lọc dầu, nhiều nhà máy lọc dầu trên thế giới đã phải đóng cửa, giảm công suất.

Dữ liệu của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu trên khắp châu Á trong quý 3/2024 đã rơi xuống mức thấp nhất trong 4 năm kể từ năm 2020.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2024, biên lợi nhuận của toàn ngành đã bắt đầu khôi phục, hiện giá dầu đang có xu hướng tăng, kéo theo cải thiện biên lợi nhuận lọc dầu.

Năm 2025, nhiều dự báo thị trường sẽ bắt đầu đà khôi phục. Cùng với đó, Việt Nam đang phấn đấu cho yêu cầu tăng trưởng hai con số, nhu cầu xăng dầu, nhiên liệu, nguyên liệu dự báo sẽ tăng mạnh, đó cũng là cơ hội để Lọc hoá dầu Bình Sơn có thể tăng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận. Trong đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng 15% trong năm 2025, ông Bùi Ngọc Dương chia sẻ.

Giá cổ phiếu BSR Lọc hóa Dầu Bình Sơn
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BSR của Lọc hóa Dầu Bình Sơn từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tìm nguồn vốn vay lãi suất thấp cho dự án mở rộng NMLD Dung Quất" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạo động lực tăng trưởng mới

Cũng trong năm nay, Lọc hoá dầu Bình Sơn sẽ phê duyệt hồ sơ mời thầu EPC, lựa chọn nhà thầu EPC và triển khai san lấp mặt bằng dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hướng tới việc hoàn thành dự án trong năm 2028.

Với tổng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD (sau điều chỉnh), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được nâng công suất chế biến thêm gần 16%, từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày, đáp ứng tiêu chuẩn EURO V và các quy định môi trường. Nhà máy sẽ tập trung vào việc nâng cấp công nghệ, bổ sung các phân xưởng hiện đại như xử lý xăng dầu bằng hydro, alkyl hóa và thu hồi lưu huỳnh.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, quá trình nâng cấp cũng sẽ giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn linh động hơn trong việc lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho nhà máy. Hiện mức crack spread của Lọc hoá dầu Bình Sơn đang ở dưới mức trung bình của khu vực với chỉ số Nelson Complexity Index (NCI - đo độ phức tạp của các nhà máy lọc dầu) ở mức 6,27, tương đối thấp so với các đơn vị lọc dầu khác. NCI cao hơn cho thấy khả năng tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn.

Sau quá trình nâng cấp, chỉ số NCI của nhà máy dự kiến sẽ tăng mạnh lên mức 8, giúp crack spread của Lọc hoá dầu Bình Sơn tiệm cận với mức trung bình của khu vực. Qua đó, cải thiện đáng kể khả năng sinh lời của công ty.

Đặc biệt, dự án cho phép Lọc hoá dầu Bình Sơn dần xoay trục sản phẩm từ các sản phẩm xăng dầu sang sản phẩm hoá dầu với công suất propylene/polypropylene dự kiến tăng khoảng 48,3% so với hiện tại. Các sản phẩm hoá dầu vốn có biên lợi nhuận gộp cao hơn đáng kể so với sản phẩm lọc dầu truyền thống, từ đó thúc đẩy lợi nhuận của  Lọc hoá dầu Bình Sơn.

Hồi tháng 7/2024, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã chính thức ra mắt dòng sản phẩm hạt nhựa polypropylene (PP) định hình nhiệt mới nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong nước khi phải đang phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn nhập khẩu để gia công sản xuất.

Các doanh nghiệp gia công nhựa lớn trong nước đều đánh giá cao chất lượng và nhận định sản phẩm hạt nhựa PP của Lọc hoá dầu Bình Sơn có ưu thế so với hàng nhập ngoại hiện nay trên thị trường.

Hiện Lọc hóa dầu Bình Sơn đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra các dòng sản phẩm PP mới khác (phân hủy sinh học, sợi thủy tinh, sử dụng trong y tế,…)

Duy Quang