Kỳ vọng nhóm ngành cảng biển phục hồi từ cuối quý 3/2023
Dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang có các tín hiệu tích cực. Trong tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá ước đạt 60,53 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng 8/2023 nhưng tăng 3,6% so với tháng 9/2022. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 4,6%, ghi nhận xu hướng tích cực sau 3 tháng gần đây liên tiếp giảm sâu.
Điều này mở ra triển vọng phục hồi đối với nhóm ngành cảng biển vốn phụ thuộc mạnh vào hoạt động xuất nhập khẩu. Theo đánh giá mới nhất của Vietcombank Securities (VCBS), hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển như Công ty Cổ phần Gemadept (Cảng Gemadept, mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) kỳ vọng sẽ có sự hồi phục từ cuối quý 3/2023 trở đi, do ngành này vẫn còn đang chịu những áp lực nhất định.
Cụ thể, nhiều tổ chức uy tín hiện nhận định thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt các rủi ro bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị, lạm phát tăng cao, tổng cầu giảm sút dẫn đến nhu cầu tại các thị trường xuất nhập khẩu lớn khó có thể sớm phục hồi.
Bên cạnh đó, các thị trường lớn trên thế giới vẫn cần thêm thời gian để giảm bớt lượng hàng tồn kho, trước khi gia tăng số lượng đơn đặt hàng mới.
Đối với Việt Nam, VCBS nhận định hoạt động xuất khẩu của cả nước vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức do giá cả của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực vốn chịu áp lực giảm thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng trở lại, đặc biệt việc nền kinh tế Trung Quốc tái mở cửa có thể khiến hàng hóa Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu chính.
Tuy nhiên, VCBS cho biết ngành cảng biển vẫn đón nhận những yếu tố tích cực đến từ: các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các đối tác thương mại tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu; và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam sẽ là nền tảng thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các cảng biển, đặc biệt là các cảng feeder (đón tàu dưới 3.000 TEU).
Dự kiến lợi nhuận năm 2023 của Cảng Gemadept tăng 141%
VCBS cũng cho biết với xu hướng phát triển đội tàu của thế giới hiện nay, nhu cầu khai thác tại cảng nước sâu vẫn tiếp tục ở mức tốt, đem lại triển vọng tích cực cho Cảng Gemadept.
Cảng Gemadept đang điều hành hệ thống 7 cụm cảng lớn gồm: 3 cảng tại phía Bắc là cảng Nam Đình Vũ, cảng Nam Hải ICD, cảng Nam Hải, một tại miền Trung là cảng Dung Quất và 3 cảng tại phía Nam là cảng Phước Long ICD, cảng Gemalink và cảng Bình Dương.
Đáng chú ý nhất là Cảng Gemalink với sự hợp tác cùng đối tác CMA Terminals (Pháp), là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và lọt top 19 thương cảng của thế giới có thể tiếp nhận cỡ tàu lớn nhất hiện nay (250.000 DWT).
Bên cạnh đó, trong tháng 9 vừa qua, Cục Quản lý Cảng biển và Vận tải biển Việt Nam (Vinamarine) đã công bố Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT với các nội dung tích cực cho nhóm cảng nước sâu và các cảng đón được tàu tải trọng lớn.
Theo đó, các cảng nước sâu đón tàu tải trọng lớn hơn 160.000 DWT sẽ được áp dụng 110% mức khung giá sàn - trần mới của một số dịch vụ trọng điểm của cảng biển, bao gồm nâng hạ container quốc tế và hướng dẫn tàu thuyền. Nếu được thông qua, các quy định mới sẽ có hiệu lực từ năm 2024.
Việc sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT kỳ vọng sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của Cảng Gemadept tại các cảng nước sâu.
Theo đó, VCBS ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ của Cảng Gemadept trong năm 2023 lần lượt đạt 4.327 tỷ đồng và 2.399 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và tăng 141% so với năm 2022. Nếu loại trừ phần lợi nhuận đột biến từ thương vụ chuyển nhượng vốn tại Cảng Nam Hải - Đình Vũ thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Cảng Gemadept năm nay có thể đạt 967 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,7% so với năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 11/10, cổ phiếu GMD đạt 66.300 đồng/cổ phiếu, tăng gần 50% so với thời điểm đầu năm nay.