Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng mạnh
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Argomonitor cho thấy, tính đến ngày 26/12/2023, doanh thu xuất khẩu cá tra của Công ty Cổ phần Nam Việt (Thuỷ sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV - sàn HoSE) ước đạt 111 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, mức giảm này thấp hơn rất nhiều so với mức giảm trung bình lên tới 24% của toàn ngành cá tra Việt Nam. Kết quả này đến từ việc xuất khẩu cá tra của Thuỷ sản Nam Việt sang thị trường Trung Quốc đã tăng 74% sau khi nước này tái mở cửa nền kinh tế từ đầu năm 2023. Đáng chú ý, doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc của ngành cá tra Việt Nam trong năm 2023 ước giảm 19%.
Ban lãnh đạo Thuỷ sản Nam Việt cho biết, kết quả kinh doanh khả quan hơn thị trường chung là nhờ công ty đã mở rộng thêm tệp khách hàng ở Bắc Kinh và Quảng Châu (Trung Quốc), bên cạnh khu vực truyền thống là Thượng Hải.
Đồng thời, sau quá trình nghiên cứu thị trường, Thuỷ sản Nam Việt đã mở rộng thêm dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng đúng nhu cầu cao tại Trung Quốc.
Ngoài ra, với lợi thế tự chủ 100% cá nguyên liệu, công ty đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt cá tra cỡ lớn (1,5 - 2kg) mà toàn ngành cá tra Việt Nam gặp phải trong 9 tháng đầu năm nay; đây cũng là cỡ cá được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Hiện hãng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, tổng doanh thu năm 2023 của Thuỷ sản Nam Việt đạt 4.577 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chỉ đạt 103 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,5% và giảm 85% so với năm 2022. Mức lợi nhuận sau thuế giảm sâu chủ yếu do giá cá tra xuất khẩu đã lao dốc mạnh 25% trong năm vừa qua khi các thị trường trọng điểm đều đối mặt với tồn kho cao.
Lợi nhuận năm 2024 của Thuỷ sản Nam Việt có thể tăng hơn 150%
Đối với triển vọng năm 2024, với việc chu kỳ xuất khẩu cá tra thường kéo dài từ 3-5 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước trong năm 2024 sẽ phục hồi 8%, đạt khoảng 2 tỷ USD.
Đồng quan điểm như trên, nhiều tổ chức tài chính hiện dự báo giá xuất khẩu cá tra sẽ sớm tăng trở lại trong bối cảnh nguồn cung giảm dần và nhu cầu dần phục hồi.
Cụ thể, dữ liệu cho thấy sản lượng xuất khẩu trung bình tháng của Việt Nam trong quý 4/2023 đã cao hơn mức trung bình giai đoạn 2019 - 2023, đạt 67.000 tấn.
Trong khi đó, diện tích vùng nuôi cá tra nguyên liệu bắt đầu bị thu hẹp từ quý 3/2023 và chưa có dấu hiệu ngưng. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí nuôi trồng cao khiến các hộ nông dân ngần ngại hơn trong việc mở rộng vùng nuôi, nhất là khi xuất khẩu chưa hoàn toàn khởi sắc. Xu hướng này có thể khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cá nguyên liệu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cảnh báo tình trạng chất lượng nguồn nước suy giảm và chất lượng cá giống thấp cũng đang tác động tiêu cực đến nguồn cung cá nguyên liệu.
Đối với triển vọng kinh doanh của Thuỷ sản Nam Việt, thị trường Trung Quốc tiếp tục được kỳ vọng là động lực thúc đẩy đà phục hồi kinh doanh trong năm 2024.
Theo tập đoàn Goldman Sachs, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay ước tăng 4,8% và Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Điều này có thể giúp cải thiện chỉ số niềm tin người tiêu dùng, thúc đẩy người dân tăng chi tiêu cho dịch vụ ăn uống bên ngoài, kéo theo đó là nhu cầu về cá tra tăng lên.
VDSC hiện dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ cả năm 2024 của Thuỷ sản Nam Việt lần lượt đạt 4.902 tỷ đồng và 261 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,1% và tăng 154% so với năm 2023.