Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 8/3 vừa qua, chỉ số VN-Index giảm 21,11 điểm, rơi về mốc 1.247 điểm. Toàn thị trường ghi nhận tới 485 mã giảm giá, 25 mã giảm kịch biên độ, và 795 mã đứng giá; chỉ có 255 mã tăng giá và 42 mã tăng trần.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng gây áp lực lớn lên toàn thị trường khi có tới 20/21 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Các mã cổ phiếu ngân hàng giảm trên 3%, gồm cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV, cổ phiếu CTG của Ngân hàng VietinBank, cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội, và cổ phiếu LPB của Ngân hàng LPBank.
Ngoài ra, cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank và cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank cũng giảm từ hơn 0,7% - 2%.
Mã cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng điểm trong ngày 8/3 là cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á với mức tăng 6,29%, khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt gần 5,6 triệu đơn vị. Đây cũng là ngày đầu tiên cổ phiếu này được niêm yết, giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) sau quá trình chuyển niêm yết từ sàn UPCoM.
Đây là ngân hàng duy nhất được chấp thuận chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE trong năm vừa qua. Đồng thời, sau hơn 2 năm, sàn HoSE mới chào đón “tân binh” đến từ ngành ngân hàng. Đợt gần nhất là vào tháng 10/2021 khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (Ngân hàng SHB, mã cổ phiếu SHB) chuyển từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sang HoSE.
Trước ngày niêm yết chính thức trên HoSE, ông Võ Hoàng Hải - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á cho biết việc ngân hàng niêm yết cổ phiếu nhằm đạt được mục tiêu đa dạng hóa cơ cấu cổ đông. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nam Á, đến thời điểm này ngân hàng mới niêm yết cổ phiếu NAB trên sàn HoSE là do có nhiều yếu tố thuận lợi về mặt thị trường.
"Chúng tôi chọn ngày 8/3 để niêm yết cũng đã xem xét đến vấn đề thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Còn về kế hoạch chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE… mà ngân hàng cũng phải tuân thủ. Đồng thời, Nam A Bank cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn về các tiêu chí mềm như: năng lực đáp ứng các tiêu chí về Basel III và công bố thông tin…", Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á cho biết.
Trong năm nay, Ngân hàng Nam Á đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 4.000 tỷ đồng và tăng lên mức 5.000 tỷ đồng vào năm 2025.
So với mức thực hiện của năm 2023 thì tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm nay của ngân hàng này có thể lên tới 21%. Trong năm ngoái, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng Nam Á đạt tới 45,7% so với năm 2022, lọt top 12 ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng trưởng tốt nhất.