
Ngày 29 tháng 4 năm 1995, một dấu mốc quan trọng được ghi vào lịch sử ngành thép Việt Nam khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 255/TTg thành lập Tổng công ty Thép Việt Nam - sự kết tinh từ hai đơn vị chủ lực là Tổng công ty Kim khí và Tổng công ty Thép Việt Nam. Với tên giao dịch quốc tế là Vietnam Steel Corporation (viết tắt VSC), đây là một trong 17 Tổng công ty Nhà nước đầu tiên hoạt động theo mô hình Tổng công ty 91 – mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ đổi mới.
Ngay từ khi ra đời, Tổng công ty Thép Việt Nam được giao trọng trách xây dựng một mô hình kinh doanh đa ngành, lấy sản xuất và kinh doanh thép làm nền tảng. Bên cạnh đó là các lĩnh vực như vật tư tổng hợp, dịch vụ khách sạn – nhà hàng, đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học – công nghệ, đầu tư – liên doanh – liên kết trong và ngoài nước… Một khởi đầu đa chiều, phản ánh khát vọng vươn lên mạnh mẽ của ngành thép nước nhà.
Ba thập kỷ qua là hành trình không ngừng nỗ lực và vượt qua thách thức – tựa như cuộc đời một con người trưởng thành từ gian khó.
Bước vào những năm 2000, VNSTEEL chuyển mình mạnh mẽ bằng loạt dự án trọng điểm: Nhà máy Cán nguội Phú Mỹ, Nhà máy Thép Phú Mỹ (nay là Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam – VNSTEEL), Nhà máy Cán Thép Thái Nguyên, Dự án cải tạo Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Gang thép Lào Cai, Nhà máy Thép Thái Trung… Hệ thống phân phối cũng được mở rộng toàn quốc, mang thép Việt đến mọi công trình lớn nhỏ. Quá trình cổ phần hóa tại nhiều đơn vị thành viên không chỉ huy động thêm nguồn lực xã hội, mà còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của toàn hệ thống.
Chính trong giai đoạn này, VNSTEEL đã khẳng định vai trò “ngọn cờ đầu” của ngành thép Việt Nam – một trung tâm lớn trong mạng lưới doanh nghiệp Nhà nước, ghi dấu ấn bằng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và vị thế vững chắc trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, hành trình không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Sau năm 2010, khi Việt Nam gia nhập WTO, thép trong nước đối mặt với làn sóng cạnh tranh dữ dội từ nguồn thép giá rẻ nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Cùng lúc, những khó khăn nội tại như chậm quyết toán cổ phần hóa, mô hình quản trị chưa theo kịp thời cuộc và các dự án đầu tư dở dang như mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy gang thép Lào Cai… đã khiến tốc độ phát triển của VNSTEEL chững lại, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh và hình ảnh thương hiệu.
Trong bối cảnh đó, Tổng công ty Thép Việt Nam đã chọn con đường tái cấu trúc toàn diện để “lột xác” – giữ lại giá trị cốt lõi, gạt bỏ những gánh nặng cũ kỹ, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả điều hành. Dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Đa, hệ thống vận hành đã được tinh gọn, phân cấp hiệu quả, tăng quyền tự chủ cho các đơn vị thành viên – đặt nền móng cho một VNSTEEL linh hoạt, hiện đại và sẵn sàng thích nghi với những biến động mới của thị trường.
Bước sang tuổi 30, VNSTEEL đối diện với một bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn – khi các tập đoàn tư nhân lớn với tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và quản trị không ngừng gia nhập thị trường. Trước thách thức đó, Tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tái cấu trúc toàn diện: từ tài sản, vốn cho đến bộ máy tổ chức – với mục tiêu tối ưu hóa hiệu quả, nâng cao tính linh hoạt và khả năng thích ứng, đồng thời giữ vững vai trò đầu tàu của ngành thép Việt Nam.
Ba thập kỷ xây dựng và trưởng thành, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) chưa từng lùi bước trước bất kỳ thử thách nào, luôn hoàn thành xuất sắc vai trò của một doanh nghiệp nhà nước nòng cốt trong sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp thép Việt Nam.
Với gần 40 đơn vị thành viên và hơn 10.000 lao động, đại gia đình VNSTEEL là một khối đoàn kết vững chắc – nơi các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng nhau lao động sáng tạo, viết nên tên tuổi của những thương hiệu thép hàng đầu Việt Nam. Mỗi năm, tổng sản lượng thép do hệ thống VNSTEEL cung cấp đạt khoảng 4 triệu tấn, trong đó hơn 80% là thép xây dựng – tương đương hơn 3 triệu tấn thép mỗi năm góp mặt trong hàng ngàn công trình lớn nhỏ trải dài khắp đất nước.
VNSTEEL tự hào là cái nôi sản sinh ra những thương hiệu thép xây dựng giàu truyền thống và uy tín số một tại Việt Nam – tiêu biểu là Thép Miền Nam /V/ và TISCO.
Ba thập kỷ hình thành và phát triển không chỉ ghi dấu Tổng công ty Thép Việt Nam như một trụ cột của ngành công nghiệp sản xuất thép, mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong công tác an sinh xã hội, với tinh thần “kinh doanh gắn với trách nhiệm cộng đồng”.
Một trong những hành trình đầy ý nghĩa và bền bỉ nhất là việc VNSTEEL tham gia tích cực vào Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 27/12/2008. Trong suốt 10 năm (2009–2020), VNSTEEL đã đóng góp hơn 34,865 tỷ đồng cho huyện Bắc Hà (Lào Cai) và hơn 33 tỷ đồng cho huyện Vân Canh (Bình Định), góp phần cải thiện sinh kế, cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân tại hai địa phương còn nhiều khó khăn. Đó không chỉ là một chương trình hành động, mà là một thập kỷ “vì người nghèo” xuất phát từ trái tim.
Chương trình này khép lại, nhiều hành động thiết thực khác lại tiếp nối. Với trách nhiệm xã hội luôn được đặt lên hàng đầu, VNSTEEL tiếp tục dẫn đầu trong các hoạt động sẻ chia với cộng đồng. Đặc biệt, trong những thời điểm đất nước đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, VNSTEEL luôn phản ứng nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ.
Từ năm 2012 đến 2022, VNSTEEL đã đóng góp hơn 3,6 tỷ đồng cho công tác cứu trợ thiên tai, bão lũ và các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19, Tổng công ty cùng các đơn vị thành viên đã đóng góp tổng cộng hơn 62,189 tỷ đồng cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 và cung cấp vật tư y tế cho tuyến đầu chống dịch.
Không chỉ dừng lại ở đó, VNSTEEL còn thực hiện nhiều hoạt động tri ân thế hệ đi trước: phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ người có công, đào tạo nghề, trao học bổng, giúp đỡ công nhân, đóng góp cho các quỹ xã hội, xây dựng di tích lịch sử và triển khai các chương trình thiện nguyện của Đoàn thanh niên. Tổng kinh phí cho những hoạt động này lên tới 58,246 tỷ đồng. Nhờ đó, 147 căn nhà tình nghĩa, nhà nhân ái, nhà đại đoàn kết đã được xây dựng; 107 công trình thiết yếu phục vụ dân sinh được đưa vào hoạt động.
Tính riêng trong giai đoạn 2012–2022, tổng nguồn lực mà VNSTEEL dành cho công tác an sinh xã hội đã lên tới 149,681 tỷ đồng - một con số ấn tượng thể hiện chiều sâu nhân văn của một doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu.
Bài: Ngô Hoàng Quân
Ảnh: Minh Minh
Thiết kế: Yến Kiên