
Tại Hội thảo khoa học "Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số Quốc gia" được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 15/4 vừa qua, các chuyên gia đã chỉ rõ vai trò then chốt của truy xuất nguồn gốc trong việc xây dựng một nền thương mại bền vững.
Ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Chống giả Việt Nam (ACTIV) cho biết, đối với hàng hóa xuất khẩu, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Ngược lại, với hàng nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát chất lượng hiệu quả hơn, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng và một sân chơi bình đẳng cho cả hàng nội địa lẫn nhập khẩu.
Rõ ràng, truy xuất nguồn gốc không chỉ là một công cụ bảo vệ người tiêu dùng mà còn là yếu tố sống còn đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các phương pháp truy xuất nguồn gốc truyền thống như tem nhãn, mã vạch đơn thuần đang bộc lộ nhiều hạn chế trước sự tinh vi của công nghệ làm giả.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Trịnh Bá Dương - Chủ tịch Liên minh Xúc tiến thương mại AseanHUB cảnh báo, tình trạng làm giả hiện nay không chỉ dừng lại ở việc sao chép mẫu mã mà còn giả mạo thông tin, dữ liệu và mã truy xuất. Những phương pháp truyền thống như tem nhãn, mã vạch đơn thuần, thậm chí mã QR hiện không còn đủ sức để đối phó với các thủ đoạn tinh vi.
Sự tràn lan của hàng giả, hàng nhái đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong các biện pháp xác thực truyền thống. Để tăng cường tính minh bạch của thị trường thương mại, việc ứng dụng những thành tựu công nghệ cao không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành một đòi hỏi không thể trì hoãn.
Trao đổi về những công nghệ tiên tiến đang được triển khai trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, bà Phạm Thị Bích Phượng - Trưởng Ban Xúc tiến thương mại, Viện Phát triển bền vững và Kinh tế số (InDe) cho biết, việc triển khai RFID (nhận dạng tần số vô tuyến) và Blockchain trong thực tế cho thấy tiềm năng ngăn chặn hàng giả một cách triệt để, bởi công nghệ này tạo ra các "tem" điện tử không thể sao chép.
Đặc biệt là công nghệ blockchain, được ví như sổ ghi chép kỹ thuật số với khả năng lưu trữ thông tin một cách minh bạch, bất biến và không thể bị can thiệp. Quá trình này bao quát mọi giai đoạn, từ khâu thu mua nguyên liệu ban đầu, quy trình chế tạo, đến các bước phân phối và tiêu thụ cuối cùng. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc và hành trình của sản phẩm, giảm thiểu nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những động thái quyết liệt nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong truy xuất nguồn gốc. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động này.
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang trong quá trình xây dựng Thông tư quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, với việc đề xuất 8 nhóm sản phẩm bắt buộc áp dụng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương đã xây dựng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc tại địa chỉ https://votas.vn/, đảm bảo kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia. Cùng với đó, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cũng triển khai hệ thống https://itrace247.com/, cung cấp giải pháp trực tuyến cho doanh nghiệp và hộ nông dân cập nhật thông tin nguồn gốc sản phẩm.
Từ phía doanh nghiệp, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) là một ví dụ điển hình trong việc triển khai công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ năm 2017, Vissan đã triển khai hệ thống TE-FOOD, một giải pháp blockchain tiên tiến cho phép người tiêu dùng theo dõi toàn bộ "lý lịch" sản phẩm từ trang trại đến điểm bán lẻ chỉ bằng một thao tác quét mã QR.
Quy trình giám sát của Vissan thông qua TE-FOOD cho thấy tính minh bạch và hiệu quả vượt trội của blockchain. Người tiêu dùng có thể nắm rõ thông tin về nguồn gốc con giống, quy trình chăn nuôi, thức ăn, tình trạng sức khỏe của vật nuôi, quá trình vận chuyển, giết mổ, chế biến, đóng gói và bảo quản. Mỗi công đoạn đều được ghi nhận một cách chi tiết và không thể sửa đổi trên hệ thống blockchain, đảm bảo tính trung thực tuyệt đối của thông tin.
Chia sẻ tại Hội thảo Khoa học "Ứng dụng Công nghệ 4.0 trong Chuỗi cung ứng Thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc" được tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh ngày 22/10/2024, ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vissan khẳng định, việc áp dụng TE-FOOD là yếu tố quyết định giúp Vissan tạo dựng niềm tin vững chắc từ người tiêu dùng về nguồn gốc rõ ràng và chất lượng của sản phẩm, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu." Thực tế đã chứng minh hiệu quả của hệ thống này khi tỷ lệ sản phẩm không đạt chuẩn tại các điểm bán lẻ của Vissan đã giảm đáng kể sau khi triển khai.
Có thể thấy, blockchain đang mở ra một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, mang lại sự minh bạch, tin cậy và an toàn cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Việc tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng sâu rộng công nghệ blockchain vào các hệ thống truy xuất nguồn gốc, không chỉ dừng lại ở việc thí điểm hay triển khai ở một vài lĩnh vực, mà cần trở thành một chiến lược quốc gia.
Thông qua những nỗ lực không ngừng trong việc ứng dụng và tích hợp các công nghệ này, Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng một nền thương mại minh bạch, nơi thông tin về sản phẩm được công khai và dễ dàng kiểm chứng. Một thị trường minh bạch sẽ tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và loại bỏ dần những hành vi gian lận thương mại.
Quan trọng hơn, nó sẽ mang lại sự an tâm tuyệt đối cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Cuối cùng, một nền thương mại minh bạch và công bằng chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia trong dài hạn.