Ông Nguyễn Phú Cường: Năm 2022, doanh thu, giá trị sản xuất công nghiệp hay lợi nhuận đều vượt xa so với kế hoạch và so với thực hiện năm 2021.
Cụ thể, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 62.262 tỷ đồng, lợi nhuận 6.023 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 61.057 tỷ đồng. Điểm nổi bật là các nhóm ngành đều có mức tăng trưởng và doanh thu, lợi nhuận khá đồng đều, từ nhóm ngành sản xuất phân bón cho đến nhóm ngành sản xuất cao su, sắm lốp ô tô, sản phẩm điện hóa, chất tẩy rửa, hóa chất công nghiệp, thuốc sát trùng,…
Trong nhóm những đơn vị thuộc Đề án 1468, sau khi được đưa ra khỏi danh sách vào năm 2021 thì DAP - Vinachem đã đạt kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 rất tốt với mức tăng lợi nhuận 97%. Còn 3 đơn vị đang trong danh sách cũng có kết quả sản xuất kinh doanh rất nổi trội, bao gồm Đạm Hà Bắc tăng hiệu quả 1.695 tỷ đồng; Đạm Ninh Bình tăng hiệu quả 985 tỷ đồng; DAP số 2 - Vinachem tăng hiệu quả 128 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021, là mức khá tích cực so với các năm trước.
Ngoài ra, các đơn vị không thuộc Đề án 1468 ghi nhận lãi ước đạt 3.392 tỷ đồng, tăng lãi 47% tương đương 1.082 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó một số đơn vị nổi bật như Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam tăng 175%; Công ty CP Hóa chất Việt trì tăng 152%; Công ty CP Phân lân Ninh Bình tăng 87%; Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam tăng 84%; Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ tăng 81%...
Nói vậy để thấy sự đồng đều giữa các đơn vị, dù trong bối cảnh rất khó khăn, đặc biệt giai đoạn đầu năm vẫn có ảnh hưởng của hậu Covid-19 đến lực lượng lao động khi một số người dù đã được tiêm vaccine rồi nhưng vẫn nhiễm bệnh. Cùng với đó, tình hình địa chính trị nhiều khu vực trên thế giới tác động đến chuỗi cung ứng và tác động đến giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là giá năng lượng. Từ đầu năm đến nay, giá than thế giới đã tăng 3 lần, và tại trong nước giá than cũng tăng khoảng 60-70% so với đầu năm. Điều này tạo một sức ép rất lớn đối với các đơn vị, cùng với tình hình về tỷ giá hối đoái, lãi suất ngân hàng được điều chỉnh tăng trong kỳ cuối năm,… tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Tập đoàn.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh Tập đoàn vẫn có những kết quả rất đáng khích lệ. thể hiện ở doanh thu, giá trị sản xuất công nghiệp và lợi nhuận như tôi đã chia sẻ ở trên - là những con số kỷ lục mà từ ngày thành lập Tập đoàn đến nay chưa bao giờ có.
Ông Nguyễn Phú Cường: Đây là kết quả từ sự cố gắng của cả tập thể người lao động trong Tập đoàn, từ những đơn vị khó khăn cho đến những đơn vị có truyền thống, đều phát huy được sức mạnh tập thể, vượt qua những khó khăn khách quan và thu được kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Bài học ở đây chúng tôi thấy rằng, điều quan trọng là phải tạo được sự đoàn kết, đồng lòng trong tập thể Tập đoàn, ở tất cả các đơn vị.
Thứ hai, chúng tôi cũng đã tranh thủ được sự phối hợp, tương tác của các Tập đoàn, Tổng công ty khác để thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, do đó việc sử dụng các dịch vụ của các Tập đoàn, Tổng Công ty bạn một cách hiệu quả cũng góp phần vào tạo nên kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Ví dụ như, trong việc vận chuyển hàng hóa của Tập đoàn, phát huy rất cao sự kết nối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Lượng hàng hóa của Tập đoàn Hóa chất thậm chí chiếm tới xấp xỉ 30% tổng lượng hàng hóa của Tổng công ty Đường sắt trong năm vừa qua.
Hay đối với một số đơn vị thuộc Tập đoàn thì đặc thù là hoạt động sản xuất cần tiêu thụ lượng than rất lớn, như Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình mỗi năm tiêu thụ xấp xỉ trên 900.000 tấn, cộng toàn Tập đoàn mỗi năm tiêu thụ khoảng trên 2 triệu tấn than các loại. Để đảm bảo được lượng lớn than như vậy cung ứng cho sản xuất kinh doanh thì Tập đoàn Hóa chất đã phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Mặt khác, các đơn vị sản xuất trong Vinachem cũng đều là những đơn vị sử dụng nhiều năng lượng nói chung và điện nói riêng, vì vậy việc đảm bảo cung ứng điện đủ và không bị ngắt quãng cũng là một yếu tố hết sức quan trọng để tạo nên thành công của Tập đoàn.
Từ những điều này, tôi cho rằng từ khóa quan trọng của Tập đoàn năm 2022 là “sức mạnh tổng hợp”. Kết quả mà Tập đoàn có được là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố, trong đó điều quan trọng nhất là mình phải biết tranh thủ được các cơ hội, tranh thủ được các sức mạnh để vượt qua khó khăn, trở ngại. Ngoài yếu tố nội tại của các đơn vị là sự đoàn kết, phát huy tinh thần sáng tạo, thực hành tiết kiệm, vận hành trang thiết bị bảo đảm an toàn và nâng cao số giờ vận hành mạnh; thì việc tương tác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các Tập đoàn, Tổng công ty bạn để phục vụ cho hoạt động sản kinh doanh chung cũng đem lại sức mạnh tổng hợp, góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh tích cực của năm 2022.
Ông Nguyễn Phú Cường: Việc đứt gãy chuỗi cung ứng không phải câu chuyện mới của riêng năm 2022, mà đã tiếp diễn từ năm 2020-2021, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ một số nước châu Á và lan ra cả thế giới. Ngoài ra, còn cả yếu tố về xung đột địa chính trị của các khu vực trên thế giới, mà ảnh hưởng lớn nhất, nặng nề nhất là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, với những bài học có được trong năm 2020-2021, Tập đoàn đã vận dụng hết sức linh hoạt.
Nếu nhìn vào biểu đồ giá than hay giá dầu, có thể thấy sự tăng giảm rất bất thường, không có quy luật và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại cảnh. Có những lúc giá than xuống thấp, có lúc lên cao, dẫn đến giá sản phẩm của Tập đoàn trên thị trường thế giới cũng lúc tăng lên lúc xuống thấp.
Đơn cử, ngoài than, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của Tập đoàn còn có lưu huỳnh. Có những lúc, giá lưu huỳnh lên đến 500USD/tấn, nhưng lúc lại chỉ còn hơn 100USD/tấn, hoặc thậm chí xuống đến mức 70USD/tấn. Hay giá Ure thế giới ở mức 930USD/tấn vào đầu năm nay hay vào khoảng tháng 6, nhưng hiện giờ chỉ còn khoảng hơn 500USD/tấn. Vậy thì sự linh hoạt trong phân tích, dự báo để chọn thời điểm quyết định mua hoặc bán là rất cần thiết. Nếu tổ chức sản xuất hợp lý, quyết định thời điểm nào dừng máy bảo dưỡng hay tăng cường huy động cao nhất công suất thiết bị để vận hành đúng điểm rơi của giá đầu vào và đúng điểm cao của giá bán ra thì hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ đạt được mức cao nhất.
Ngoài ra, trong sản xuất công nghiệp, việc phát huy hết công suất thiết bị để có được sản lượng cao nhất cũng là yếu tố quyết định đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt. Bởi chi phí tài chính của vốn vay đầu tư, khấu hao thiết bị sẽ được tính đều cho sản phẩm tạo ra trong năm. Nếu như chúng ta tăng sản lượng, ví dụ như từ 1 triệu đơn vị sản phẩm lên 1,1 triệu đơn vị sản phẩm, thì chi phí tài chính chia cho 1,1 triệu chắc chắn sẽ thấp hơn chia cho 1 triệu, góp phầm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh. Vậy nên, phải làm thế nào để đẩy được sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ lên cao so với công suất thiết kế thì mới đem lại hiệu quả. Và muốn làm được như vậy thì cần tính đến bài toán tổng hợp, từ yếu tố thị trường, yếu tố đầu vào, đến vận hành thiết bị, tính toán điểm rơi của các chu kỳ giá,…
Như ở thời điểm này đang vào vụ thu hoạch lúa và cây công nghiệp, chuẩn bị cho vụ mùa mới, nhu cầu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm thấp, nếu sản xuất ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng hàng tồn kho tăng cao, tạo sức ép về chi phí tài chính, về lãi vay, về rất nhiều yếu tố khác và hao hụt trong quá trình bảo quản. Chính vì vậy, phải tính toán ở thời điểm này: ta vận hành thiết bị với công suất là bao nhiêu, bộ phận nào vào bảo dưỡng, bộ phận nào vào chuẩn bị cho vụ mùa,… Mỗi đơn vị trong Tập đoàn cần xây dựng một kế hoạch sản xuất kinh doanh linh hoạt và trên cơ sở phân tích các yếu tố thị trường, phân tích các yếu tố về nhu cầu để đưa ra các quyết định cuối cùng có hiệu quả nhất cho sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Phú Cường: Ba đơn vị thuộc Đề án 1468 gồm Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình và DAP-2. Quyết định 1468 chỉ ra rất nhiều nội dung, công việc phải giải quyết, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị quyết liệt thực hiện liên tục từ năm 2018 đến nay: thứ nhất là tiết giảm chi phí; thứ hai là tái cơ cấu quản trị bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; và thứ ba là làm chủ công nghệ, thiết bị để tối ưu hóa quá trình vận hành.
Đơn cử, tại Đạm Hà Bắc, theo FS (báo cáo nghiên cứu khả thi), biên chế là 2.100 người, nhưng hiện giờ Công ty chỉ có 1.300 người, tương đương khoảng 65-66%. Tại sao chúng tôi lại giảm được như vậy? Bởi ở một số bộ phận, công đoạn phải đưa máy móc, thiết bị vào để cơ chế hóa, tự động hóa; thứ hai là giảm bớt các phòng, ban gián tiếp để nâng cao hiệu quả bộ máy theo hướng tinh giản, từ chỗ 34 phòng ban đã giảm xuống còn 22 phòng ban và tới đây chúng tôi sẽ còn giảm tiếp.
Về làm chủ công nghệ, hiện tại cả Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP-2 thì định mức tiêu hao nguyên vật liệu, vật tư thực tế đã ở mức tương đương với định mức chuẩn, thậm chí có những chỉ tiêu còn thấp hơn mức chuẩn. Như vậy, tiêu hao vật tư đã được giảm đến mức thấp nhất, tiến tới chỉ số tối ưu, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.
Dây chuyền hiện giờ của Đạm Hà Bắc hay Đạm Ninh Bình đã hoạt động lên đến trên 300 ngày liên tiếp, số lần phải dừng máy giảm xuống rất thấp và một năm chỉ có khoảng 50 ngày dừng máy để bảo dưỡng định kỳ theo kế hoạch đề ra từ đầu năm. Điều này rất quan trọng, bởi nếu dây chuyền phải dừng đột xuất do máy móc có vấn đề hoặc do vận hành kém, thì sẽ dẫn đến tiêu hao vật tư rất lớn, vì mỗi một lần khởi động máy thì chi phí tiêu hao có thể lên đến 14-15 tỷ đồng. Tất nhiên, thời điểm dừng máy, thời điểm vào bảo dưỡng thiết bị có được tính toán để làm sao đem lại hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, còn những giải pháp về quản trị: đưa vào hệ thống quản lý bán hàng, ứng dụng công nghệ số, tối ưu hóa bài toán vận chuyển,…
Tất cả những giải pháp tổng hợp này đã giúp cho ba đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh có thể đánh giá là nổi bật. Cộng với yếu tố thuận lợi về thị trường, thì các đơn vị đã có thể nâng cao công suất hoạt động của nhà máy, như tại Đạm Hà Bắc là trên 90% công suất thiết kế, Đạm Ninh Bình trên 80% công suất thiết kế, giúp chi phí trên một đơn vị sản phẩm thấp đi rất nhiều so với khi chỉ hoạt động ở mức 40-50%.
Nếu như thị trường có cơ hội thuận lợi nhưng mình không chuẩn bị được về nguyên liệu vật tư hay không làm chủ được thiết bị, thì mình cũng không thể chớp được cơ hội thị trường tạo ra cho mình.
Ông Nguyễn Phú Cường: Tất nhiên mọi dự đoán đều chỉ là dự đoán, nhưng theo phân tích của các tổ chức quốc tế cũng như tính toán của lãnh đạo Tập đoàn thì năm 2023 các đơn vị trong Tập đoàn sẽ phải đổi mặt với rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất, chi phí năng lượng đầu vào có nguy cơ tăng cao, như giá điện, giá than.
Thứ hai, giá năng lượng tăng kéo theo giá các loại nguyên liệu đầu vào khác cũng tăng, tạo nên một mặt bằng giá mới trên phạm vi toàn cầu chứ không riêng tại Việt Nam.
Thứ ba, câu chuyện lạm phát ở các quốc gia là thị trường xuất khẩu của nhiều sản phẩm như ắc quy, săm lốp ô tô các loại hay cả phân bón. Lạm phát hay suy thoái kinh tế tại các thị trường này kéo theo sức mua đương nhiên sẽ giảm, tạo nên sức ép rất lớn để giữ được thị phần xuất khẩu. Trong nước, dù tình hình kinh tế đã ổn định hơn, nhưng lãi suất đã tăng, sức mua đã chạm ngưỡng, nhiều yếu tố còn diễn biến khó lường.
Do đó, chúng tôi cho rằng 2023 sẽ là một năm rất nhiều thách thức so với năm 2022.
Tuy nhiên, đã là sản xuất kinh doanh thì lúc nào cũng có thách thức, không bao giờ chỉ có thuận lợi, vậy nên cần chấp nhận môi trường, điều kiện mà khó khăn lúc nào cũng có thể ập đến và việc cần làm là chuẩn bị tốt những kịch bản phù hợp, giảm thiểu tác động của khó khăn và tranh thủ được các cơ hội dù là nhỏ nhất của thị trường để đem lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Dù là có những khó khăn như tôi đã phân tích, nhưng năm 2023 cũng không phải không có điểm sáng về cơ hội.
Thứ nhất, lực lượng lao động đã gắn bó với Tập đoàn, vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất cả khi dịch bệnh Covid-19 hai năm vừa rồi. Đây là yếu tố trung tâm.
Thứ hai, tinh thần đoàn kết của các đơn vị trong Tập đoàn, cũng như mối tương tác của Tập đoàn với các đơn vị bạn trong hệ sinh thái, là yếu tố thuận lợi cho hoạt động của Tập đoàn ở nhiều lĩnh vực đa dạng trong năm 2023 và các năm tới.
Thứ ba, dù thị trường thế giới có nhiều khó khăn nhưng vẫn có điểm sáng là nhu cầu đối với sản phẩm hóa chất trên quy mô toàn cầu vẫn có lực hút nhất định và được đẩy lên cao ở một số thời điểm. Trong khi đó, tình hình giá năng lượng lên cao làm cho một số nhà máy sản xuất hóa chất của thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Âu, phải giảm công suất, thậm chí phải đóng cửa. Nguồn cung ở châu Âu giảm, dẫn đến chuyển dịch nhu cầu sang khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, và đây chính là cơ hội.
Vậy thì điều quan trọng nhất của Tập đoàn và các đơn vị thành viên là làm sao phân tích được thời điểm, đưa ra các quyết sách đúng đắn trong tận dụng cơ hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của nội bộ cũng như các đơn vị bạn để đạt được hiệu quả cao nhất trong sản xuất kinh doanh. Với kinh nghiệm và những bài học có được trong giai đoạn khó khăn vừa qua, chúng tôi tin rằng năm 2023 tập thể Vinachem sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đăng ký và các nhiệm vụ được cấp trên giao.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bài: Trần Bản
Ảnh: Thy Thảo
Thiết kế: Duy Kiên