CẢ VŨ MINH TUỆ VÀ NGUYỄN GIA HỮU - CHUYÊN VIÊN CỦA TỔNG CÔNG TY THÉP VIỆT NAM - CTCP ĐỀU CƯỜI THÚ VỊ KHI TÔI VÍ VON HAI BẠN - NGƯỜI ĐÓNG VAI TRÒ PHỤ TRÁCH KỸ THUẬT TỪ ĐẦU ĐẾN CUỐI TRONG VIỆC HỖ TRỢ PHÒNG GIẢNG DẠY MÁY TÍNH CHO TRƯỜNG TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ TẠ BÚ, HUYỆN MƯỜNG LA, TỈNH SƠN LA VỚI HÌNH ẢNH “CÕNG MÁY LÊN NON”.
Rất khiêm tốn, bạn Tuệ chỉ nói rằng: “Chuyên môn của bọn em là công nghệ, máy tính nên có thể ăn, ngủ, nghỉ suốt năm suốt tháng với máy tính mà không bao giờ chán. Nhưng để có chuyến “cõng máy lên non” như chị nói thì vai trò chỉ đạo chính là của chi bộ Kế hoạch – Truyền thông - Công nghệ. Bọn em chỉ góp sức thôi ạ!”
Mường La là một trong 56 huyện nghèo nhất nước, cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội vừa yếu vừa thiếu, đời sống của đại bộ phận người dân còn khó khăn nên sự quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo còn hạn chế. Đây là những thông tin ai cũng nắm được nhưng phải đi đến nơi, đặt hẳn đôi chân lên những triền dốc đứng ở mảnh đất vùng cao đó mới thấy được hết.
Đường lên Trường liên cấp tiểu - trung học cơ sở Tạ Bú cũng gập ghềnh, khúc khuỷu, xa xôi, đầy khó khăn, trở ngại… giống như tất cả những trường học ở vùng cao trên dải đất hình chữ S. Cũng may qua internet, qua zalo cùng những trao đổi hàng ngày với thầy Trần Đình Hoằng – Phó hiệu trưởng Trường Tạ Bú mà chi bộ Kế hoạch – Truyền thông – Công nghệ mới có thể nắm bắt được mọi thông tin cơ bản nhất về điều kiện đường dây, phòng để đặt máy tính, cơ sở vật chất hiện tại của Trường. Từ đó, ban Công nghệ thông tin mà đóng vai trò chủ chốt là chuyên viên Tuệ và Hữu đã không quản ngày đêm miệt mài nâng cấp 15 bộ máy tính đã qua sử dụng, thiết kế đường điện, đường mạng trên giấy trước để phục vụ mục tiêu rất ý nghĩa là hỗ trợ thiết bị giảng dạy môn Tin học cho Trường. Cùng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên Ban Kế hoạch thị trường, Ban Truyền thông, ban Công nghệ Thông tin cũng như sự chỉ đạo sâu sát của chi bộ, ngày 25/2/2023, chuyến xe chở theo ước mơ về một phòng thực hành máy tính của bao học sinh trường Tạ Bú đã lên đường để biến ước mơ đó thành sự thật.
Trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Tạ Bú có 1.068 em học sinh, 100% là dân tộc, chiếm 80 % là dân tộc Thái, trong đó 199 em là học sinh nội trú phải ăn ở tại trường, đa số các em này ở những bản khó khăn về giao thông, ở cách xa trường trên 7km, có bản xa trên 15km. Từ khi ra đời đến nay, Trường Tạ Bú là một điểm trắng về tin học và ngoại ngữ, có nghĩa là Trường chưa có một chiếc máy tính nào, các em chưa bao giờ được tiếp xúc với máy tính và ngay kể cả khi mà cách đây 5 năm, Bộ Giáo dục đã đưa chương trình phổ cập tin học vào giảng dạy đối với học sinh từ lớp 3 trở lên, thì Trường Tạ Bú vẫn nằm ngoài vùng phủ… máy. Một bộ máy tính còn chưa có nói gì đến phòng học máy tính và việc học môn tin học thì vẫn chưa có giải pháp nào để trường có thể tiếp cận!
Thầy Hoằng cũng chia sẻ: “Cả xã cũng chỉ có khoảng 20 máy tính, chủ yếu là của các cán bộ xã để phục vụ công việc chung. Trong khi các trường ở phía dưới (thành phố Sơn La) có điều kiện để huy động nguồn lực xã hội xây dựng phòng máy tính thì tại đây, do điều kiện còn nhiều khó khăn nên nhà trường không thể thực hiện được. Dù đây là năm phải đưa chương trình tin học vào chương trình giảng dạy theo yêu cầu của chương trình cải cách mới nhưng do điều kiện nên trường chỉ dậy các em trên giấy. Hiện cả trường cũng mới chỉ có được 1 giáo viên dậy môn tin học.”
Chính vì vậy, với nghĩa cử tặng 15 bộ máy tính, có kết nối đồng bộ hệ thống mạng Internet, 01 bộ loa kèm micro dạy học, hệ thống ổn áp điện cho phòng học, toàn bộ việc thiết kế, thi công hệ thống mạng nội bộ và hệ thống điện, Chi bộ Kế hoạch - Truyền thông - Công nghệ Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP đã giúp thầy và trò Tạ Bú biến ước mơ có một phòng thực hành máy tính trở thành sự thật, giúp Trường Tạ Bú bước sang một trang mới khi mà thầy đã có thể yên tâm dạy và trò đã tự tin học môn tin học, Nhà trường an tâm với sự nghiệp đào tạo của mình vì đã có thể đạt tiêu chí mà Bộ Giáo dục Đào tạo đề ra.
Vũ Minh Tuệ xúc động nói: “Lần đầu làm một thành viên trong đoàn doanh nghiệp đi tặng quà cho các em nhỏ ở vùng cao nên tôi có cảm giác vô cùng xúc động. Khi ở nhà, nhiệm vụ chuyên môn đã nhận thì phải hoàn thành thôi và cảm thấy cũng bình thường, đơn giản, vậy mà lên đến đây mới thấy hết ý nghĩa và giá trị của việc mình làm. Nhìn các em học sinh vùng cao nhỏ xíu, ríu ra ríu rít dắt tay nhau vào để được sờ, được nắm, được cầm vào con chuột máy tính một cách tò mò, lóng ngóng, xong rồi chúng cười với nhau, những đôi mắt tròn xoe, đen láy ngây thơ… Tôi thấy thật hạnh phúc, tôi sẽ lưu giữ cảm xúc tuyệt vời đó nơi trái tim mình”.
Nguyễn Gia Hữu bộc bạch thêm: “Em về công tác ở Ban Kế hoạch thị trường chưa lâu nhưng đã được nghe mọi người kể về hoạt động an sinh xã hội của Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP. Em rất háo hức vì đây chính là chuyến từ thiện của đầu tiên mà em tham gia. Em cảm thấy rất trân trọng cơ duyên này cũng như rất biết ơn cơ hội mà lãnh đạo Chi bộ Kế hoạch - Truyền thông - Công nghệ đã tạo ra cho chúng em, để chúng em có cơ hội được đóng góp phần mình trong mục tiêu xây dựng văn hóa của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP - một doanh nghiệp luôn vì cộng đồng”.
Những suy nghĩ đáng trân trọng của Vũ Minh Tuệ và Nguyễn Gia Hữu cũng chính là mục đích mà hoạt động an sinh xã hội của Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP đã và luôn hướng tới kể từ khi ra đời đến nay. Được biết cả hai bạn đều đang là quần chúng ưu tú của chi bộ Kế hoạch – Truyền thông – Công nghệ, đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và luôn hăng hái tham gia các hoạt động tập thể.
Trước khi quay trở lại với công việc, cả 2 cùng cười và bộc bạch:” Bọn em đều từ doanh nghiệp tư nhân vào Tổng công ty, khi được làm việc và sống trong môi trường này, chúng em mới hiểu và cảm nhận rõ hơn vai trò của Đảng, chúng em cùng mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào 1 ngày không xa.”
Tin rằng, kỷ niệm và dư âm của lần “cõng máy lên non” này sẽ đọng mãi trong trái tim của Vũ Minh Tuệ và Nguyễn Gia Hữu, sẽ là kim chỉ nam cho những đóng góp có giá trị góp phần vào sự phát triển chung của Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP.
Bài: Minh Thủy
Thiết kế: Duy Kiên