Cổng FTAP: Điểm hỏi - đáp gỡ vướng trong tận dụng các FTA
08/12/2023 lúc 11:05 (GMT)

Cổng FTAP: Điểm hỏi - đáp gỡ vướng trong tận dụng các FTA

 

Cổng thông tin điện tử về các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) lấy doanh nghiệp và người dân làm trọng tâm phục vụ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi các FTA của Việt Nam.

Do đó, bên cạnh các chuyên mục phổ biến nội dung cam kết của các FTA hay cập nhật chính sách, thông tin thị trường FTA…, Cổng FTAP cũng chú trọng tính tương tác hai chiều trên môi trường trực tuyến nhằm kịp thời giải đáp, hướng dẫn doanh nghiệp về những vấn đề, tình huống vướng mắc gặp phải trong quá trình khai thác, tận dụng các FTA.

các FTA

Tại mục “Các câu hỏi thường gặp”, các doanh nghiệp quan tâm và muốn tận dụng các ưu đãi của FTAs để xuất, nhập khẩu hàng hóa với những thị trường này có thể tham khảo, nghiên cứu các trường hợp, tình huống trong thực tiễn.

Đơn cử một doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hạt điều sang Mexico hỏi về những điều kiện, yêu cầu nhập khẩu hạt điều vào thị trường này theo cam kết ưu đãi của Hiệp định CPTPP đã được Cổng FTAP giải đáp cụ thể.

 

Ưu đãi thuế đối với mặt hàng hạt điều HS 20081991 theo CPTPP

Hỏi:

Công ty Long Sơn là công ty sản xuất và xuất khẩu hạt điều. Công ty Long Sơn xuất khẩu điều chiên ăn ngay vào hệ thống siêu thị Walmart. Hiện nay công ty Long Sơn đang chuẩn bị xuất khẩu điều chiên sang Mexico cho Walmart (đóng gói vào bao bì bán lẻ hộp nhựa khoảng 1kg).

Công ty đề nghị làm rõ các nội dung như sau:

- Thuế nhập khẩu điều rang muối HS Code 2008.1991 từ Việt Nam vào Mexico có đúng là 0% không;

- Điều kiện về xuất xứ hàng hóa và mẫu chứng nhận xuất xứ; và

- Mẫu chứng nhận xuất xứ của Việt Nam đã được hải quan Mexico công nhận chưa.

Trả lời:

Tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm hạt điều có mã HS thuộc phân nhóm 2008.19 được quy định tại Phụ lục I Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 01 năm 2019 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là Thông tư số 03/2019/TT-BCT) như sau:

“Đối với quả hạch hoặc lạc thuộc phân nhóm 2008.19 mới chỉ được rang khô hoặc tẩm dầu, đã hoặc chưa tẩm muối: CC, ngoại trừ từ nhóm 08.02 hoặc 12.02;

Đối với hỗn hợp thuộc phân nhóm 2008.19 có chứa 50% quả hạch hoặc lạc tính theo trọng lượng khô mới chỉ được rang khô hoặc tẩm dầu, đã hoặc chưa tẩm muối: CC, ngoại trừ từ nhóm 08.02 hoặc 12.02;

Đối với hàng hóa khác thuộc phân nhóm 2008.19: CC.”

Trong trường hợp mặt hàng điều rang muối của quý Công ty phù hợp với quy định nêu trên, theo Biểu lộ trình của Mexico, mặt hàng này sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu qua thị trường Mexico.

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu CPTPP đã được thông báo tới cơ quan có thẩm quyền của Mexico và đã có hiệu lực đối với các lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mexico từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.

 
hạt điều 1
hạt điều 2

Ở một tình huống khác, một doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU về gặp khó khăn trong việc xác định tự chứng nhận xuất xứ REX EUR.1 của khách hàng và đã được Cổng FTAP giải đáp. Cụ thể:

Tự chứng nhận xuất xứ REX EUR.1 cho hàng nhập khẩu từ châu Âu về

Hỏi:

Công ty Scavi Huế chuyên sản xuất và gia công hàng may mặc. Hiện tại, chúng tôi đang nhập khẩu 1 lô hàng vải từ Ý về, sau đó dùng vải này để may đồ bơi xuất sang Ý lại. Khi xuất thành phẩm sang Ý, sẽ cung cấp cho khách hàng CO form EUR.1 để khách hàng hưởng ưu đãi thuế.

Để chuẩn bị bộ chứng từ để khai trên hệ thống ecosys, được biết đối với các lô hàng nhập khẩu từ châu Âu về sẽ không có CO form EUR.1 mà sẽ dùng chứng từ tự CNXX theo REX EUR.1.

Mong Vụ Chính sách thương mại đa biên có thể cung cấp đường link để kiểm tra tính hiệu lực mã số REX của khách hàng thể hiện trên chứng từ.

Trả lời:

Để kiểm tra hiệu lực của mã số REX của nhà xuất khẩu tại EU, Công ty có thể tra cứu mã số REX đó tại đường dẫn sau: https://ec.europa.eu/taxation_customs/dds2/eos/rex_validation.jsp?Lang=en

 REX CODE INFORMATION

Hỏi:

Vui lòng tư vấn và hướng dẫn thêm liên quan đến mã số REX với nội dung như sau:

1. Phía nhà xuất khẩu đã cung cấp mã số REX trên invoice là DEREX96500211 và hiện đã có dữ liệu thông tin tra cứu ở trang web https://ec.europa.eu/taxation_customs

2. Như vậy đối với những Invoice có trị giá hơn EUR 6.000 thì mã Rex Code này vẫn được áp dụng để hưỡng ưu đãi phải không ạ?

3. Xin vui lòng hướng dẫn rõ thêm giúp DN nội dung như hướng dẫn đính kèm

Trả lời:

Đối với cơ chế chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa từ EU về Việt Nam theo Hiệp định EVFTA, đề nghị Công ty tham khảo khoản 1, Điều 19 (Quy định chung về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa) và Điều 24 (Quy định về tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ EU), Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.

Theo thông báo chính thức của EC tại công thư số Ares(2020) 1982973, EU áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo khoản 1(c), Điều 15, Nghị định thư 1 của Hiệp định EVFTA, cụ thể là tự chứng nhận xuất xứ theo hệ thống REX (được hướng dẫn tại khoản 1 (c), Điều 19, Thông tư số 11/2020/TT-BCT).

Với thông báo này của EC, Việt Nam sẽ cho hưởng ưu đãi đối với lô hàng có xuất xứ từ EU trên cơ sở chứng từ tự chứng nhận xuất xứ được phát hành bởi nhà xuất khẩu đã đăng ký mã số REX hoặc bởi bất kỳ nhà xuất khẩu nào chứng nhận cho lô hàng trị giá không quá 6.000 Euro.

Liên quan đến thủ tục cho hưởng ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU về Việt Nam theo Hiệp định EVFTA, đề nghị Công ty liên hệ với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) để được hướng dẫn.

Cũng liên quan đến mặt hàng dệt may nhưng với Hiệp định CPTPP, một doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xin cấp mẫu C/O CPTPP đi Canada.

Cổng FTAP đã đăng tải giải đáp của đại diện Bộ Công Thương về vấn đề này.

Tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm dệt may theo CPTPP

Hỏi:

Công ty Mensa là công ty chuyên sản xuất, gia công quần áo trang phục xuất khẩu. Nguyên liệu vải chính để sản xuất quần, áo khoác, áo lông vũ khi nhập khẩu thuộc nhóm 5407, 6003~6006 và được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Thành phẩm xuất khẩu của Công ty thuộc nhóm 6103, 6203, 6201, 6202, 6210 đi Hoa Kỳ và Canada.

Hiện tại Công ty đang có vướng mắc về việc xin cấp mẫu C/O CPTPP đi Canada. Cụ thể:

- Theo quy định tại Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP, nhà máy của Công ty Mensa có thể xin được mẫu C/O theo yêu cầu của khách hàng Canada không?

- Công ty Mensa có đủ điều kiện để xin cấp mẫu C/O CPTPP cho người nhập khẩu hưởng ưu đãi thuế quan không?

Trả lời:

Tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm dệt may được quy định cụ thể tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 01 năm 2019 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là Thông tư số 03/2019/TT-BCT). Cụ thể:

- Đối với sản phẩm xuất khẩu có mã HS thuộc nhóm 6103:

“CC, ngoại trừ từ nhóm 51.06 đến 51.13, 52.04 đến 52.12 hoặc 54.01 đến 54.02, phân nhóm 5403.33 đến 5403.39 hoặc 5403.42 đến 5403.49, hoặc nhóm 54.04 đến 54.08, 55.08 đến 55.16, 56.06 hoặc 60.01 đến 60.06, với điều kiện sản phẩm được cắt hoặc dệt thành hình, hoặc cả hai, và được may hoặc ghép bằng cách khác tại lãnh thổ của một hoặc nhiều Nước thành viên.”

- Đối với sản phẩm xuất khẩu có mã HS thuộc nhóm 6201 đến 6203:

“CC, ngoại trừ từ nhóm 51.06 đến 51.13, 52.04 đến 52.12 hoặc 54.01 đến 54.02, phân nhóm 5403.33 đến 5403.39 hoặc 5403.42 đến 5403.49, hoặc nhóm 54.04 đến 54.08, 55.08 đến 55.16, 58.01 đến 58.02 hoặc 60.01 đến 60.06, với điều kiện sản phẩm được cắt hoặc dệt thành hình, hoặc cả hai, và được may hoặc ghép bằng cách khác tại lãnh thổ của một hoặc nhiều Nước thành viên.”

- Đối với sản phẩm xuất khẩu có mã HS thuộc nhóm 6210:

“CC, ngoại trừ từ nhóm 51.06 đến 51.13, 52.04 đến 52.12 hoặc 54.01 đến 54.02, phân nhóm 5403.33 đến 5403.39 hoặc 5403.42 đến 5403.49, hoặc nhóm 54.04 đến 54.08, 55.08 đến 55.16, 58.01 đến 58.02 hoặc 60.01 đến 60.06, với điều kiện sản phẩm được cắt hoặc dệt thành hình, hoặc cả hai, và được may hoặc ghép bằng cách khác tại lãnh thổ của một hoặc nhiều Nước thành viên.”

Công ty nhập khẩu nguyên liệu có mã HS thuộc nhóm 5407, 6003 đến 6006, không đáp ứng tiêu chí xuất theo quy định trên. Vì vậy, sản phẩm xuất khẩu của Công ty không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu CPTPP.

thuy san
dệt may
dien tu
det may 2

Đặc biệt, nhằm giúp các doanh nghiệp thuận tiện tra cứu, tham khảo các tình huống tương tự trong thực tiễn tận dụng FTAs, Cổng FTAP đã xây dựng mục “Những câu hỏi thường gặp” với phần Mục lục các câu hỏi, tình huống cần giải đáp phân chia theo từng hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA…

Việc tìm hiểu, nghiên cứu các tình huống thực tế mà nhiều doanh nghiệp đã gặp phải trong quá trình tận dụng ưu đãi của các FTA sẽ giúp những doanh nghiệp khác có sự nắm bắt thấu đáo và chuẩn bị đầy đủ đáp ứng điều kiện, yêu cầu của thị trường FTA. Từ đó gia tăng hiệu quả tận dụng ưu đãi, lợi thế của các FTA, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Giao diện mục "Các câu hỏi thường gặp" trên Cổng FTAP

hỏi đáp
kinh nghiệm

 

Bên cạnh việc phản hồi, giải đáp những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong vận dụng cam kết của các FTA, ở mục “Câu chuyện thực tế”, Cổng FTAP chia sẻ những câu chuyện về kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp trong quá trình tận dụng ưu đãi của các FTA mà Việt Nam đã tham gia, qua đó tăng cường khai thác các thị trường truyền thống và thâm nhập những thị trường mới.

Đơn cử, tại bài viết “Câu chuyện Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA”, Cổng FTAP cho biết:

“Kể về hành trình mang hạt gạo Việt đi chinh phục thị trường châu Âu, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) rất hào hứng. Theo ông Bình, từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực (ngày 1/8/2020), nhờ khai thác tốt những lợi thế, tăng trưởng xuất khẩu gạo của Công ty vào thị trường này lên tới 100%.

Ông Bình cho biết, trước khi có EVFTA, xuất khẩu mặt hàng gạo thơm của Trung An vào châu Âu gần như chưa có gì, nhưng ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Công ty đã có những đơn hàng từ châu Âu với khối lượng hàng nghìn tấn.

“EVFTA đã mang lại những lợi ích rất lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hạt gạo Việt có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều so với các nước xuất khẩu gạo khác nhờ mức thuế suất 0%”, ông Bình nhìn nhận.

Nhưng cái được lớn hơn với những doanh nghiệp xuất khẩu gạo như Trung An, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, chính là cơ hội để các nhà sản xuất, canh tác nông nghiệp của Việt Nam nâng cao hơn nữa chất lượng, chứ không đơn thuần là số lượng, bởi châu Âu là một thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao. Chưa kể, khi gạo Việt Nam vào được thị trường châu Âu thì sẽ dễ dàng nâng cao sức cạnh tranh, vươn rộng sang nhiều thị trường khác. Trên cơ sở đó, trong tương lai gần, thu nhập của người nông dân sẽ tăng lên...”

Trong khi đó, bài viết “Câu chuyện Công ty TNHH Tứ Hải tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP” chia sẻ câu chuyện Công ty TNHH Tứ Hải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyên sản xuất, xuất khẩu thủy sản đã chủ động đáp ứng các yêu cầu, điều kiện để tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP khai thác thị trường các nước thành viên CPTPP như: Australia, Nhật Bản….

Bài viết nêu:

Ông Đào Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải (78, Phước Thắng, TP. Vũng Tàu) cho biết, so với năm trước, thị trường xuất khẩu năm 2019 khởi sắc hơn. Các đơn hàng xuất khẩu ổn định và có sự tăng trưởng, công nhân phải tăng ca liên tục để kịp giao hàng. Tính đến hết tháng 5/2019, công ty đã xuất sang thị trường Australia và Nhật Bản khoảng 400 tấn sản phẩm hải sản các loại, kim ngạch đạt khoảng 3 triệu USD. Dự kiến cả năm 2019, công ty sẽ xuất khẩu 2.000 tấn thành phẩm, kim ngạch xuất khẩu 10 triệu USD, tăng 2 triệu USD so với năm 2018.

“Để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, công ty đã thu mua từ một số tỉnh, thành trong nước và nhập thêm 2.000 tấn nguyên liệu từ thị trường Australia, Indonesia. Ngoài ra, công ty cũng đang đầu tư xây dựng kho lạnh 500 tấn để dự trữ nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Đào Quốc Tuấn nói.

Ông Đào Quốc Tuấn cũng cho rằng, CPTPP đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp ngành thủy sản nói riêng gỡ được các rào cản về thuế quan trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Tại Công ty TNHH Tứ Hải, trước đây các lô hàng xuất đi Nhật đều phải chịu thuế 10% thì nay đều được miễn thuế. Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi đó, doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện của CPTPP, trong đó có nguyên tắc bảo đảm xuất xứ hàng hóa...

Theo Cổng FTAP, một vấn đề khác liên quan tới thực thi các FTA cũng rất được quan tâm đó là nhiều doanh nghiệp coi những yêu cầu cao và rất khó đáp ứng là những “rào cản” dẫn đến việc tận dụng và hưởng lợi từ ưu đãi trong Hiệp định còn hạn chế. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp khác, những tiêu chuẩn cao này lại trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao giá trị của sản phẩm và phát triển theo hướng bền vững.

Minh chứng cho vấn đề này, Cổng FTAP giới thiệu kinh nghiệm của Tập đoàn HANFIMEX Việt Nam thông qua câu chuyện Câu chuyện Tập đoàn HANFIMEX tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA.

Cổng FTAP cho biết:

“… Bên cạnh việc tự nâng cao giá trị sản phẩm để đáp ứng những tiêu chuẩn cao về chất lượng, trong quá trình vận hành nhà máy, tập đoàn cũng tập trung vào các giải pháp bảo vệ môi trường như sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời với chi phí lắp đặt lên tới gần 10 tỷ đồng, chi phí vận hành khoảng 100 triệu đồng/năm thay cho sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia. Công ty cũng đầu tư hệ thống xử lý nước thải trước khi nước thải được thải ra môi trường, hệ thống phòng cháy chữa cháy đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cho người lao động.

Sau khi Việt Nam gia nhập EVFTA, các loai thuế liên quan đến nông sản được cắt giảm là cơ hội lớn cho công ty mở rộng thị trường, tăng lượng khách hàng mới, đặc biệt là các sản phẩm chế biến. Với nỗ lực sản xuất theo hướng bền vững để theo đuổi mục tiêu xuất khẩu, các sản phẩm của công ty như hạt điều, quế,… đã được cấp giấy chứng nhận của USDA và EU NOIP cho sản phẩm hữu cơ, thành công xuất khẩu và được hưởng ưu đãi theo Hiệp định EVFTA sang các nước liên minh châu Âu. Hiện tại, HANFIMEX đang tập trung vào dự án về các loại hạt dinh dưỡng HANSIA với mục tiêu doanh số xuất khẩu sang Châu Âu năm 2025 lên đến 50 triệu đô la”….

Những câu chuyện, kinh nghiệm của các doanh nghiệp được Cổng FTAP thông tin, một mặt cho thấy thực tiễn khai thác ưu đãi các FTA, đồng thời cũng là nguồn tham khảo hữu ích cho nhiều doanh nghiệp khác quan tâm và có kế hoạch, định hướng khai thác các thị trường FTA.

cổng ftap

Bài: Hoàng Phương
Ảnh bìa và Thiết kế: Maika


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí