Theo Bloomberg, thép “xanh” là sản phẩm thép được sản xuất bằng công nghệ thân thiện với môi trường, nhưng không thực sự khác biệt mấy với thép thông thường. Ngành công nghiệp thép truyền thống thường phát thải một lượng lớn khí nhà kính. Quy trình luyện thép sạch nhất hiện nay (hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm) sử dụng hydro xanh, một sản phẩm từ điện tái tạo, thay vì đốt than đá.
Mùa hè năm 2021, hãng thép SSAB của Thụy Điển đã sản xuất loại thép không dùng nhiên liệu hóa thạch đầu tiên trên thế giới bằng hydro xanh. Tập đoàn Volvo đã mua lô hàng đầu tiên và dùng chúng để sản xuất xe rác ra mắt hồi tháng 10/2021.
Thép “xanh” sẽ đắt hơn thép thông thường vì chúng sử dụng các phương pháp sản xuất tốn kém hơn. Trong một nghiên cứu năm 2018, các chuyên gia của hãng SSAB cho biết, mức chênh lệch giữa hai loại thép có thể lên tới 30%. Tuy nhiên, giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao như hiện nay có thể đã làm giảm con số mà SSAB công bố. Tuy nhiên, sản xuất thép “xanh” là hướng đi mang ý nghĩa sống còn cho ngành công nghiệp thép trong tương lai.
Trong bối cảnh chính phủ các nước đưa ra khá nhiều quy định mới cũng như thuế carbon để cải thiện môi trường, sản xuất thép “xanh” là một mục tiêu vừa mang ý nghĩa sống còn cho ngành công nghiệp thép, vừa góp phần hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Là một nhà máy liên doanh với nước ngoài, nên ngay từ khi thành lập, Công ty Tôn Phương Nam đã xây dựng tiêu chí là một nhà máy xanh. Cả hai nhà máy sản xuất của Công ty đặt tại tỉnh Đồng Nai là Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, TP. Biên Hòa và KCN Nhơn Trạch II – Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch đều có diện tích nhà xưởng thoáng rộng, trong đó, diện tích trồng cây xanh chiếm hơn 20% tổng diện tích toàn bộ nhà máy.
Trưởng Phòng Chất lượng Công ty Tôn Phương Nam, ông Nguyễn Viết Thanh cho biết, là doanh nghiệp liên doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản, nên phong cách làm việc của Tôn Phương Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều của người Nhật. Đó là sự chuyên nghiệp, kỹ lưỡng, chất lượng và đầy tính nhân văn. Nhà xưởng ở đây được xây dựng thoáng mát, sáng sủa, tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời, giảm thiểu việc phải sử dụng năng lượng điện thắp sáng, cũng góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Riêng về sản xuất thép "xanh" thì nhiều năm qua, ngay từ khi thành lập, Tôn Phương Nam đã xây dựng một quy trình xử lý các loại chất thải, khí thải, nước thải đi theo quá trình sản xuất hết sức quy củ, nhằm xử lý triệt để và an toàn tất cả các loại chất thải trước khi ra ngoài môi trường.
Ông Thanh chia sẻ, từ khi thành lập năm 1995 và khi ra sản phẩm đầu tiên năm 1997, Nhà máy còn dùng dầu DO để đốt lò hơi, công nghệ mạ trục dùng dung dịch clorua kẽm, trợ dung ướt, Nhà máy mới xử lý 100m3 nước thải/ngày đêm. Đến nay, công nghệ đã cải tiến rất nhiều, sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền mạ nhúng nóng liên tục theo công nghệ lò NOF hiện đại nhất bây giờ, có khả năng chống ăn mòn cao trong điều kiện tự nhiên, bỏ trợ dung ướt, được đánh giá là thân thiện với môi trường. Mỗi Nhà máy có một trạm xử lý nước thải riêng, công suất lên tới 300m3/ngày đêm. Toàn bộ nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn cột B mới được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.
Về khí thải, bất kỳ chỗ nào trên dây chuyền sản xuất của Công ty có phát sinh khí thải đều có thiết bị xử lý đến đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Để hạn chế ảnh hưởng của hoạt động sản xuất đến môi trường không khí nói chung và môi trường làm việc nói riêng, Công ty đã đầu tư trang thiết bị xử lý ô nhiễm tại nguồn, sử dụng các loại nguyên liệu sạch như khí CNG, NG, LPG để gia nhiệt cho lò hơi và các công đoạn sấy.
Có thể hình dung, tất cả các loại khí thải nồi hơi, khí thải phát sinh từ công đoạn tẩy rửa bằng kiềm, HCl và khí thải thoát ra từ công đoạn sơn tôn… đều được thu gom bằng hệ thống chụp hút và đốt cháy hoàn toàn bằng hệ thống tự động trước khi thải ra vào môi trường qua ống khói cao 25m. Hệ thống đường giao thông nội bộ và nhà xưởng trong Công ty được trải nhựa và quét dọn, vệ sinh tạo ẩm thường xuyên nên lượng bụi phát sinh không đáng kể.
Ngoài ra, tất cả các khu vực có phát sinh chất thải đều bố trí các thùng rác phân loại chuyên biệt. Rác thải được phân loại từ nguồn, sau đó được thu gom và lưu trữ tại nhà kho có mái che và phân khu vực riêng cho từng loại chất thải: Rác thải nguy hại, không nguy hại, rác thải tái chế, không tái chế… Sau đó, tuỳ loại rác thải sẽ được giao cho các đơn vị chuyên về chất thải có đầy đủ chức năng, năng lực vận chuyển và xử lý.
Tại Hội thảo và Triển lãm Công nghệ thép Việt Nam - Hướng tới Chiến lược Tăng trưởng xanh do Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức hồi tháng 9/2023, ông Keijiro Yamamoto - Phó Tổng giám đốc Công ty Tôn Phương Nam đã chia sẻ với báo chí rằng: Hội thảo và triển lãm diễn ra là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu sâu hơn về công nghệ, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất tăng trưởng xanh. Bên cạnh mục tiêu giới thiệu sản phẩm của Công ty, việc tham gia sự kiện này cũng chứng minh nỗ lực và quyết tâm của Tôn Phương Nam trong việc cùng ngành thép hiện thực hoá các mục tiêu xanh hoá môi trường.
Kể từ khi thành lập đến nay, sản xuất xanh luôn là tiêu chí để Tôn Phương Nam hướng đến và kiên định theo đuổi. Vì vậy, hàng năm Công ty đầu tư rất nhiều cho công tác xanh hóa môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các đối tác nước ngoài khi nhập và tiêu dùng sản phẩm của Tôn Phương Nam.
Mới đây nhất, sau những nỗ lực trong việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, các giải pháp về môi trường, Công ty đã đạt chứng nhận kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 vào ngày 5/4/2024.
Đây là nội dung quan trọng thuộc Hệ thống Tiêu chuẩn ISO 14001 liên quan tới hoạt động quản lý khí nhà kính, bao gồm các yêu cầu tối thiểu đối với việc kiểm kê khí nhà kính nhằm cung cấp một cấu trúc cơ bản để có thể thực hiện đánh giá độc lập nhất quán và đáng tin cậy. Tiêu chuẩn ISO 14064-1 đặt ra các yêu cầu về thiết kế, phát triển, quản lý, báo cáo và thẩm định việc kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp.
Đạt chứng nhận kiểm kê khí nhà kính theo Tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 là một thành tựu quan trọng đối với Công ty Tôn Phương Nam. Chứng nhận này cho thấy Công ty đã hoàn thành quá trình kiểm kê khí nhà kính tại nhà máy và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018. Ông Keijiro Yamamoto - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tôn Phương Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của chứng nhận kiểm kê khí nhà kính và đây cũng là mục tiêu phát triển xanh - bền vững mà Công ty đã định hướng từ khi thành lập.
Bên cạnh đó, việc đạt chứng nhận ISO 14064-1:2018 giúp Công ty xác định những điểm cần cải thiện để giảm phát thải carbon, khí nhà kính theo yêu cầu pháp luật và đáp ứng được yêu cầu của các nước EU về truy vết dấu chân carbon, đồng thời tiết kiệm chi phí bằng cách sử dụng năng lượng hiệu quả và cùng hướng tới cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 (Net Zero 2050). Đây là sự quyết tâm của Công ty Tôn Phương Nam trong việc bảo vệ môi trường và tham gia vào nỗ lực giảm thiểu tác động của hoạt động công nghiệp lên khí hậu toàn cầu.
Bài: Minh Thủy - Hồ Nga
Thiết kế: Quốc Duy