Trong Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, Công ty Tôn Phương Nam là đơn vị có điều kiện tiếp cận với khái niệm “truy vết dấu carbon” và cơ chế CBAM từ sớm, do vậy đã có sự chủ động để “săn” chiếc vé lên “chuyến tàu” CBAM.
CBAM là một định hướng chính sách ban hành thuế nhập khẩu dựa trên vết carbon (carbon footprint) của sản phẩm trong quá trình sản xuất. Vết carbon của mỗi sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ) được tính bằng tổng lượng phát thải sản sinh ra trong tất cả các giai đoạn sản xuất của sản phẩm đó.
Về lâu dài, sản xuất xanh hướng tới trung hòa carbon là xu thế chung, tất yếu của thế giới, không chỉ riêng EU. Do vậy, CBAM không phải chỉ là một cuộc chơi, mà đó là một quy định bắt buộc. Và việc chủ động chuẩn bị các điều kiện để thay đổi, thích ứng với quy định mới là điều mà ngành sản xuất tôn thép cần xác định để tiếp tục phát triển tại thị trường EU.
Theo đó, sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp trong Chương trình trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon của EU (ETS) được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra. Nếu các doanh nghiệp tôn thép Việt Nam không triển khai kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất thì sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh về mặt giá trị.
Khi CBAM được áp dụng, nhà nhập khẩu của EU phải có thông tin liên quan đến phát thải carbon từ nhà xuất khẩu và báo cáo với cơ quan chính phủ EU. Chính vì vậy, những thủ tục và cơ chế liên quan tới khai báo thông tin phát thải carbon có khả năng trở thành rào cản nhập khẩu.
Công ty Tôn Phương Nam là một doanh nghiệp liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam Nam - CTCP với Tập đoàn Sumitomo Corporation - Nhật Bản và Công ty FIW STEEL SDN. BHD – Malaysia. Gần 30 năm qua, Tôn Phương Nam đã phát triển bền vững, là nhà sản xuất tôn mạ hàng đầu Đông Nam Á. Đẩy mạnh xuất khẩu, đánh dấu thương hiệu Tôn Phương Nam nhiều hơn nữa lên bản đồ thế giới là mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, với CBAM, Công ty Tôn Phương Nam nhập cuộc càng sớm càng tốt!
Nhớ lại giai đoạn đầu, cũng như các đơn vị khác, dù không lạ gì khái niệm phát thải carbon trong khi sản xuất, song Công ty Tôn Phương Nam cũng rất mơ hồ về CBAM, không biết là bằng cách nào và bắt đầu từ đâu để có thể thực hiện yêu cầu của EU. Tuy nhiên, xác định vào cuộc chơi rồi thì phải hiểu luật chơi, mà muốn hiểu luật chơi thì phải đi học. Cách mà Tôn Phương Nam học là thuê các cái đơn vị tư vấn để họ sẽ hướng dẫn tất cả trình tự công việc từ a đến z.
Nắm được luật chơi, hiểu cách chơi, Công ty Tôn Phương Nam bắt đầu triển khai thực hiện giữa các bộ phận và sự phối hợp giữa các bộ phận với nhau là vô cùng cần thiết. Phòng Chất lượng an toàn chỉ có thể có báo cáo đánh giá lượng phát thải carbon với điều kiện các phòng ban chức năng khác tập hợp dữ liệu gửi cho Phòng Chất lượng. Đó là những dữ liệu về lĩnh vực sản xuất và quản lý năng lượng, quản lý đầu vào, tiết giảm năng lượng, dùng khí thải không carbon … từ đó Phòng Chất lượng sẽ chắt lọc lại, viết theo form mẫu của một báo cáo và sau này nó trở thành báo cáo về lượng phát thải carbon - điều kiện không thể thiếu để các doanh nghiệp có thể mở cánh cửa đàng hoàng bước sang biên giới châu Âu.
Theo đó, từ đầu năm 2023, Công ty Tôn Phương Nam đã thực hiện thuê đơn vị tư vấn. Đến quý 3 năm đó, những báo cáo đánh giá lượng phát thải carbon đã được chuẩn hóa sau quá trình lĩnh hội kiến thức và kinh nghiệm của đơn vị tư vấn chuyên nghiệp!
Năm 2023 cũng là thời điểm mà hướng xuất khẩu tôn mạ của Công ty Tôn Phương Nam đang có xu thế đẩy mạnh vào châu Âu. Khách hàng châu Âu sau những thăm dò, đánh giá và thử nghiệm năng lực, trình độ thì đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi chất lượng cũng như hệ thống quản lý chất lượng theo theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng thứ mà Tôn Phương Nam "đánh gục" khách hàng châu Âu hơn cả chính là những báo cáo công khai, minh bạch, có hệ thống về truy vết carbon trong mỗi tấn sản phẩm.
Liên quan đến báo cáo CBAM, theo chia sẻ của ông Đặng Minh Truyền, Phó phòng Kinh doanh của Công ty Tôn Phương Nam, Công ty có thể đáp ứng mọi yêu cầu về cách thức báo cáo của mọi khách hàng. “Thông thường nhất là báo cáo theo từng quý, nhưng nếu khách hàng kỹ tính muốn báo cáo từng tháng, thậm chí từng lô thì Tôn Phương Nam cũng sẵn sàng!"
Thật ra, nếu như đối với những doanh nghiệp ít hoặc không có mục tiêu xuất sang châu Âu thì có thể không cần lên "chuyến tàu" CBAM. Nhưng với Tôn Phương Nam thì khác!
Công ty Tôn Phương Nam đã sớm “bị giác ngộ” với việc phải thực hiện nhiệm vụ báo cáo đánh giá lượng phát thải carbon định kỳ chính từ những câu chuyện, những thông tin mà khách hàng nước ngoài cung cấp trong mỗi lần giao dịch. Ông Truyền chia sẻ thêm: “Tôn Phương Nam không nghe không được, không làm theo không được. Chính khách hàng còn tuyên truyền cho Tôn Phương Nam chúng tôi những thông tin về các mốc thời gian của CBAM chứ không phải ai khác”.
Hơn nữa, nhận thức luôn quyết định hành động. Từ khi thành lập đến nay, không phải chỉ đến khi chú trọng xuất khẩu thì Công ty Tôn Phương Nam mới hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải môi trường để đáp ứng được yêu cầu của các nước EU về truy vết dấu chân carbon. Mà đó chính là mục tiêu kiên định mà Tôn Phương Nam đã theo đuổi trong suốt bấy nhiêu năm. Chính vì vậy, Công ty liên tục đầu tư các dây chuyền công nghệ cao, tự động và khép kín, hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính cũng như các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các đối tác nước ngoài khi nhập và tiêu dùng sản phẩm của Tôn Phương Nam.
Trong nỗ lực kiện định đó, gần đây nhất, Công ty Tôn Phương Nam đã theo đuổi và thành công trong việc đạt được chứng nhận kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 vào ngày 5/4/2024. Đạt chứng nhận ISO 14064-1:2018 rồi, Tôn Phương Nam càng xác định rõ hơn những điểm cần cải thiện để giảm phát thải carbon, khí nhà kính theo yêu cầu pháp luật và đáp ứng được yêu cầu của các nước EU về truy vết dấu chân carbon, đồng thời tiết kiệm chi phí bằng cách sử dụng năng lượng hiệu quả và cùng hướng tới cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 (Net Zero 2050).
Bài: Minh Thủy
Ảnh: TPN
Thiết kế: Duy Quốc