Đổi thay vùng Thượng Đức anh hùng
01/01/2025 lúc 10:10 (GMT)

Đổi thay vùng Thượng Đức anh hùng

 

Bức tranh kinh tế tại khu vực Thượng Đức xưa đang ngày càng khởi sắc. Từ một địa bàn ác liệt trong chiến tranh 50 năm trước, đến nay các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hồng, Đại Sơn của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngày càng thay da đổi thịt. Nhân dân vui mừng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, công cuộc đổi mới của Đảng, sự đổi thay của quê hương, đất nước.

Chiến thắng Thượng Đức

Chi khu quận lỵ Thượng Đức thuộc địa phận xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngày nay, có đường chiến lược 14B chạy ngang qua, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 50 km về phía Tây Nam. Đây là khu vực có vị trí chiến lược rất lợi hại khi lưng dựa vào núi, hai bên là sông Côn và sông Vu Gia bao bọc. Vì vậy, địch xác định đây là “cánh cửa thép” bảo vệ Đà Nẵng nên xây dựng Thượng Đức trở thành một căn cứ quân sự kiên cố có hệ thống hầm ngầm bằng bê tông cốt thép và sân bay.

Thượng Đức

Trong các năm 1968, 1969 và 1970, ta đã nhiều lần đánh Thượng Đức nhưng không thành. Điều đó càng làm cho địch thêm ảo tưởng về sức mạnh của Thượng Đức, chúng mệnh danh Thượng Đức là “mắt ngọc của đầu rồng”, là “cánh cửa thép bất khả xâm phạm”. Chúng huênh hoang tuyên bố: Nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới lấy được Thượng Đức”. Với ta, Thượng Đức như một cái gai khống chế cả huyện Đại Lộc, đặc biệt là các xã vùng B.

Thực hiện chủ trương của Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, đầu tháng 6 năm 1974, Sư đoàn 304 được chỉ thị vào phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 5 mở chiến dịch Thượng Đức để tiêu diệt chi khu quân sự và quận lỵ Thượng Đức. Chiến dịch mang mật danh K.711.

Trong quá trình chuẩn bị chiến trường, huyện Đại Lộc đã huy động hàng nghìn dân công của các xã thuộc khu vực Thượng Đức vận chuyển hàng hóa, chuyển 13.000 kg hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến dịch; đưa đò, thuyền cho bộ đội, cán bộ sang sông tập kết đến những mục tiêu của chiến dịch.

chiến thắng Thượng Đức

Ngày 6/6/1974, tại sở chỉ huy Sư đoàn 304 đặt ở khu vực ngầm sông Bung trên trục đường 14, đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5 đến giao nhiệm vụ cụ thể, đồng chí nhấn mạnh: “Chiến dịch này phải thắng cả về quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch tại chỗ, thu hút, giam chân và tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động của địch. Chính trị là giải phóng bảo đảm đời sống cho hơn 10 nghìn dân, đập tan chính quyền cơ sở và tề điệp ác ôn, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại quân địch đến giải toả, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiến công tổng hợp của quân khu phát triển và giành thắng lợi”.

Đồng chí Chu Huy Mân

Theo kế hoạch, đúng 5 giờ sáng ngày 29/7/1974, Bộ Tư lệnh chiến dịch phát lệnh tiến công Thượng Đức. Hai phát pháo hiệu xanh, đỏ vút lên không trung và tín hiệu “Bão táp” được truyền đi toàn mặt trận báo hiệu chiến dịch bắt đầu.

Sau 10 ngày đọ sức quyết liệt, đúng 8 giờ 30 phút ngày 7/8/1974, lá cờ cách mạng do Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà trao cho Sư đoàn 304 tung bay giữa chi khu quận lỵ, báo hiệu chi khu quận lỵ Thượng Đức được hoàn toàn giải phóng. “Cánh cửa thép” bảo vệ vòng ngoài của Khu liên hợp quân sự Đà Nẵng được mở toang.

chiến thắng thượng Đức

Chiến thắng Thượng Đức là chiến công vang dội của quân ta trên chiến trường Khu 5, có ý nghĩa chiến lược quan trọng, làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Chiến thắng Thượng Đức và các chiến thắng ở Tây Nguyên là tiền đề quan trọng để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu trong thời gian ngắn nhất giải phóng hoàn toàn Khu 5. Với Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung và huyện Đại Lộc nói riêng, chiến thắng Thượng Đức đã tạo thế và lực mới để tiến đến tổng tấn công giải phóng huyện Đại Lộc, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất nước nhà.

Chiến thắng Thượng Đức
 

“Từ trận Thượng Đức này và các trận tiêu diệt quân chủ lực địch ở Chư Nghé, Đắc Pét trên Tây Nguyên…, Bộ Tổng tham mưu đi đến nhận định và báo cáo với Quân ủy Trung ương: Khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực cơ động của ta đã hơn hẳn quân chủ lực cơ động địch. Chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối, so sánh lực lượng đã thay đổi, ta mạnh lên, địch yếu đi…”.

- Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa xuân, Nxb, QĐND, H.1977, tr. 18

Chiến thắng Thượng Đức là biểu tượng sáng ngời về tinh thần tiến công liên tục, ý chí chiến đấu sắc đá, quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, 324 và các lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà. Chiến thắng ấy càng làm sáng tỏ chân lý: Trong quá trình dựng nước và giữ nước, để đánh thắng được kẻ thù phải phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân và xây dựng  tình quân dân bền chặt.

Thượng Đức
Chiến thắng Thượng Đức
Thượng Đức

Bà Trương Thị Minh Phương – Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, 50 năm kể từ sau chiến thắng Thượng Đức, diện mạo quê hương ngày càng thay da đổi thịt. Xã đã có nhiều thay đổi đáng kể, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh được đầu tư khang trang như: Đường giao thông nông thôn, trường học, y tế, thiết chế khu văn hoá thôn, nhà văn hoá xã, chợ… đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

 

Tổng giá trị sản xuất năm 2024 của xã Đại Lãnh ước thực hiện 612,626 tỷ đồng, đạt 100,24% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ, Nghị quyết HĐND xã đề ra, tốc độ tăng trưởng 12,73% (tăng 0,24% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra).

Giá trị sản xuất Thương mại – Dịch vụ , giá trị đạt 354,18 đồng, Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt 70,751 tỷ đồng, Xây dựng cơ bản đạt 112,9 tỷ đồng, Sản xuất Nông - Lâm đạt 74,795 tỷ đồng.

Thượng Đức

Theo bà Phương, công tác đền ơn đáp nghĩa, giải quyết chế độ, chăm sóc các đối tượng chính sách luôn được chú trọng và quan tâm, kịp thời cấp quà tặng của Chủ tịch nước, UBND tỉnh, UBND huyện cho các gia đình chính sách. Kịp thời giải quyết chế độ cho đối tượng người có công các mạng, bảo trợ xã hội theo quy định. Công tác giảm nghèo đạt chỉ tiêu huyện giao, năm 2024 giảm 7 hộ nghèo, toàn xã có 24 hộ nghèo, tỷ lệ 1,07% (giảm 1,8% so với năm 2023); có 34 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,52%.

Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh thông tin thêm, hiện nay, trên địa bàn xã có 4 di tích lịch sử, trong đó có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia là Tượng đài chiến thắng Thượng Đức, 3 di tích lịch sử cấp tỉnh là: Chùa Hoa Yên, Gò Đình và mộ danh nhân Lương Thúc Kỳ.

Thượng Đức

Thời gian qua, UBND xã cùng các ban, ngành, đoàn thể chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ về các di tích trên địa bàn xã bằng nhiều hình thức, đặc biệt là di tích chiến thắng Thượng Đức. Địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa tại địa chỉ đỏ tượng đài chiến thắng Thượng Đức nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, sự hi sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ cho thế hệ trẻ noi theo.

“Địa phương mong muốn được các cấp ban, ngành đầu tư xây dựng di tích chiến thắng Thượng Đức quy mô hơn nữa để xứng đáng với tầm vóc của một di tích cấp quốc gia, xứng đáng với sự hi sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, để nơi đây trở thành một địa điểm tham quan di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau này”, bà Phương nói.

Thượng Đức

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2025, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho hay sẽ huy động sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tập trung đẩy mạnh hoàn thành công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2025- 2030, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025.

Tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển toàn diện lĩnh vực VH - XH, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống nhân dân; thực hiện tốt chính sách, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời giải quyết các đơn thư phản ánh, kiến nghị của công dân.

Tăng cường quản lý tài nguyên, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, phát huy dân chủ trong công tác xây dựng chính quyền nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đảng bộ đã đề ra.

Thượng Đức

Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc  (09/12/1937 – 09/12/2024), ông Nguyễn Hảo - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện nhấn mạnh, trải qua 87 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Đại Lộc không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, luôn thể hiện rõ vai trò lãnh đạo các phong trào cách mạng của nhân dân huyện nhà. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Đảng bộ huyện Đại Lộc kiên cường lãnh đạo quân và dân toàn huyện làm nên những chiến công vang dội như chiến thắng Núi Lở, chiến thắng Ba Khe, chiến thắng Hà Vy, chiến thắng Cầu Ông Nở, chiến thắng Thượng Đức,... góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từ sau ngày quê hương giải phóng đến nay, Đảng bộ huyện Đại Lộc đã lãnh đạo cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách để khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đại Lộc đã trở thành điểm thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước; có nhiều cụm công nghiệp, nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động hiệu quả, giải quyết một số lượng lớn lao động địa phương.

huyện Đại Lộc

Nhiều dự án trọng điểm, mang tính đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng được đầu tư như: cầu Hội Khách - Tân Đợi; cầu An Bình; cầu Sông Thu; cầu Văn Ly; đường ĐH3,… với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của huyện đã đạt được những kết quả quan trọng.

Văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đi vào chiều sâu và thực chất hơn, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” và các chế độ, chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.

Chiến thắng Thượng Đức
chiến thắng Thượng Đức

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Thượng Đức (ngày 7/8/2024), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, với truyền thống cách mạng kiên cường, với ý chí và quyết tâm không chịu khuất phục trước khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết một lòng, phấn đấu vươn lên viết tiếp trang sử hào hùng, vẻ vang của quê hương đất Quảng.

Minh chứng rõ nhất là sau hơn 27 năm tái lập tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên hình ảnh, diện mạo và vị thế của một Quảng Nam, chủ động sáng tạo trong tư duy; đúng đắn, quyết liệt trong hành động...

 

“Tại khu vực Thượng Đức xưa, bức tranh kinh tế cũng đang ngày càng khởi sắc. Từ một địa bàn ác liệt trong chiến tranh 50 năm trước, đến nay các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hồng, Đại Sơn của huyện Đại Lộc đã có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, giao thông thuận lợi, trường, trạm y tế được đầu tư, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển, tiềm năng thế mạnh của vùng đồi núi được khai thác hợp lý thông qua các hình thức kinh tế trang trại, vườn đồi. Các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. Nhân dân vui mừng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, công cuộc đổi mới của Đảng, sự đổi thay của quê hương, đất nước",

- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết -

Thượng Đức

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Nam nói chung và Đại Lộc nói riêng là địa phương có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, đồng thời là nơi chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Lịch sử hào hùng của mảnh đất này luôn khắc ghi công ơn của các anh hùng, liệt sĩ, tri ân sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí đã chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng trên chiến trường Thượng Đức nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung.

Thời gian qua, công tác thực hiện chính sách ưu đãi, chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống người có công với cách mạng luôn được tỉnh Quảng Nam, huyện Đại Lộc xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên; các chương trình chăm sóc người có công như "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", phong trào "đền ơn đáp nghĩa"… được triển khai thực hiện và hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng và đều khắp.

Qua đó, nâng tỷ lệ trên 97% hộ gia đình chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh đảm bảo sạch đẹp, tôn nghiêm.

Hội trại Thượng Đức

Trong thời gian đến, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt hơn các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Trong đó, làm tốt công tác bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị Di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến thắng Thượng Đức để phục vụ công tác giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam.

Thượng Đức

Thực hiện: Hạ Vĩ


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí